Thi vào lớp 10: Cách nào giảm áp lực cho thí sinh?

Chủ nhật, ngày 25/02/2024 10:38 AM (GMT+7)
Những năm gần đây, gần như năm nào kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội cũng đều căng thẳng. Áp lực cho thí sinh đến từ nhiều phía: Gia đình, chỉ tiêu tuyển sinh ít, phương án thi thông báo muộn... Cách nào để giảm áp lực cho thí sinh là câu hỏi được nhiều người đặt ra.
Bình luận 0
Thi vào lớp 10: Cách nào giảm áp lực cho thí sinh?- Ảnh 1.

Kỳ thi vào lớp 10 năm 2024 của TP Hà Nội tăng 5.000 em so với năm 2023. Ảnh minh họa.

Lo lắng chờ “môn thi thứ 4”

Theo thống kê, kỳ thi vào lớp 10 năm 2024 của TP Hà Nội tăng 5.000 em so với năm 2023. Trong khi đó, phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên tại Hà Nội mỗi năm một khác khiến học sinh, phụ huynh lo lắng.

Từ năm 2019, thành phố duy trì phương thức thi tuyển vào lớp 10 THPT công lập với 4 môn thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn thứ 4, công bố vào cuối tháng 3 hàng năm. Năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Hà Nội quyết định chỉ thi 3 môn: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Tới năm 2021, Hà Nội tiếp tục thi 4 môn vào lớp 10 với môn thi thứ 4 là Lịch sử. Tuy nhiên, sang năm 2022, vấn đề thi 3 môn hay 4 môn vào lớp 10 gây nhiều ý kiến tranh luận do lứa học sinh lớp 9 thời điểm đấy phải học online kéo dài bởi dịch Covid-19. Cuối cùng, Hà Nội quyết định bỏ môn thi thứ 4 và nhận được sự đồng thuận của học sinh, phụ huynh, giáo viên và các trường. Năm 2023, phương án thi 3 môn tiếp tục được thực hiện sau khi UBND TP Hà Nội tổ chức khảo sát, lấy ý kiến giáo viên.

Năm nay, vấn đề thi 3 hay 4 môn lại được đưa ra bàn luận. Về vấn đề này, Sở GDĐT Hà Nội thông tin: Phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025, Hà Nội áp dụng phương thức thi tuyển, bao gồm 3 môn thi bắt buộc là: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Môn thi thứ 4, nếu có, sẽ công bố trong tháng 3/2024. Môn thi thứ 4 được lựa chọn theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học trong chương trình giáo dục THCS hiện hành của Bộ GDĐT. Thời gian tổ chức kỳ thi cũng đang được nghiên cứu để sớm công bố cho học sinh.

Năm học 2024-2025 là kỳ thi tuyển sinh dành cho lứa học sinh cuối cùng học theo Chương trình giáo dục phổ thông cũ. Đây cũng là những học sinh phải học trực tuyến trong thời gian khá dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì thế, học sinh, phụ huynh và cả giáo viên các nhà trường đều mong muốn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 giữ ổn định 3 môn thi như kỳ thi năm học trước.

Chuyên gia tâm lý giáo dục, TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ, đến gần kết thúc năm học, địa phương vẫn loay hoay với câu hỏi thi 3 hay 4 môn là rất muộn. Để giảm tải áp lực cho cả thí sinh, phụ huynh và nhà trường, Hà Nội cần nhìn nhận mục tiêu tổ chức kỳ thi là đánh giá chất lượng giáo viên dạy, học sinh học một cách nghiêm túc hay chỉ nhằm xếp loại học sinh để chọn trường phù hợp năng lực. Trong đó, em giỏi vào trường chuyên, trường tốp đầu, em vừa vào trường tốp giữa, trung bình, yếu có thể đi học nghề…

Khi đã xác định được mục tiêu chỉ nhằm phân loại học sinh thì tổ chức ít môn thi. Vì nhiều em có định hướng từ THCS là lên THPT sẽ chọn theo học khối xã hội nhưng bài thi thứ 4 vào lớp 10 là môn Lý, Hóa sẽ khiến học sinh phải vất vả ôn thi, thậm chí không phải môn sở trường có thể bị trượt vì điểm môn thứ 4 thấp.

Tạo áp lực vừa phải cho con

Theo cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên Ngữ văn, giảng dạy online tại Hocmai.vn: Việc giảm áp lực thi cử cho con, chúng ta nên thực hiện suốt cả quá trình đi học chứ không phải chỉ cho riêng lớp 9.

Việc học ở tiểu học, với tôi vẫn là vừa học vừa chơi, đến lớp 6 và lớp 7 vẫn cho con học bình thường không áp lực. Đến lớp 8 mới bắt đầu tạo áp lực cho con nhưng ở mức vừa phải. Nhưng đến lớp 9 thì cần tạo áp lực cho con. Áp lực cho con thể hiện ở nhiều khía cạnh. Không phải bắt ép con vào ngồi bàn học mà áp lực cho con bằng cách tìm cho con mục tiêu, sau đó xây dựng định hướng cùng con để mục tiêu đó có thể thành công.

Thứ hai, việc giảm áp lực cho con được thực hiện bằng cách cùng con trò chuyện, đồng hành cùng con trong một vài chuyến đi chơi… để con có thời gian giải tỏa. Trong lớp 9, phụ huynh cũng cần định hướng cho con về mối quan hệ bạn bè, làm sao để con cùng chơi nhiều với những người bạn thích học. Nếu có những người bạn thích học, con cũng sẽ cảm thấy việc học không áp lực. Đấy là cách tạo áp lực cho con nhưng lại tạo cảm giác thoải mái cho con.

Khi phụ huynh thực sự muốn con thành công thì phải tạo áp lực cho con. Tuy nhiên, áp lực đến đâu lại tùy ở học lực của mỗi học sinh. Chúng ta đặt mục tiêu quá cao, áp lực quá lớn thì rõ ràng các con sẽ không thể chịu được.

Ngoài ra, theo các chuyên gia giáo dục, việc giảm áp lực cho con còn có thể thực hiện bằng cách: Cùng con xây dựng thời gian biểu hàng ngày. Trong một ngày con không nhất thiết phải học hết ca này đến ca kia, về đến nhà lại làm bài tập thì sẽ rất căng thẳng. Trong thời gian biểu xây dựng cũng có thể dành cho con thời gian làm việc nhà cùng bố mẹ, có những lúc hoạt động thể chất, chơi trò chơi mong muốn hay đọc sách, đọc truyện.

Bảo Linh (daidoanket.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem