Thị xã Sơn Tây lên tiếng trước nguy cơ phố đi bộ Thành cổ có thể biến thành "phố ăn nhậu"?

Hoàng Thành Thứ tư, ngày 27/04/2022 19:55 PM (GMT+7)
Lãnh đạo UBND Thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã lên tiếng trước nguy cơ Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây khi đi vào hoạt động sẽ trở thành "phố ăn nhậu".
Bình luận 0

Chiều 27/4, Thị ủy Sơn Tây, TP.Hà Nội tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về khai mạc năm du lịch Sơn Tây – Xứ Đoài khai trương tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây.

Thị xã Sơn Tây nói gì về nguy cơ phố đi bộ Thành cổ có thể biến thành "phố ăn nhậu"? - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh trả lời báo chí tại buổi họp báo chiều 27/4. Ảnh: Hoàng Thành.

Nhiều hoạt động tại tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây

Tại buổi họp báo, Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm, Phó ban Thường trực Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây Nguyễn Đăng Thạo cho biết: Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài tập trung khai thác tiềm năng du lịch văn hóa kết hợp với các điểm du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm, vui chơi trên địa bàn và các vùng lân cận.

"Những quần thể văn hóa tiêu biểu như Thành cổ Sơn Tây, đền Và, chùa Mía, Làng cổ ở Đường Lâm, Văn Miếu Sơn Tây… cùng khu du lịch hồ Đồng Mô với sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam và hệ thống các điểm du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn sẽ là điểm đến thăm quan, nghỉ dưỡng của đông đảo du khách", ông Thạo cho hay.

Đáng chú ý, ông Thạo cho hay, tối ngày 30/4, Thị xã Sơn Tây tổ chức khai mạc Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài và khai trương Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây.

Nhấn mạnh đến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, ông Thạo cho biết, đây là tuyến phố đi bộ thứ tư tại Hà Nội. Tuyến phố có tổng chiều dài 820 m, tổng diện tích khoảng 34.550 m2 nối các phố Phó Đức Chính - Phan Chu Trinh với điểm đầu là cổng cũ UBND thị xã và điểm cuối là cầu cửa Tiền.

Phố đi bộ có thời gian hoạt động vào hai ngày cuối tuần. Tại đây sẽ diễn ra hoạt động thể thao, nghệ thuật, ẩm thực, các hoạt động như rối nước, chèo thuyền hào thành cổ, mobile home.

"Khi tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đưa vào hoạt động sẽ phát huy lợi thế của di tích Thành cổ Sơn Tây, kết hợp với các tuyến phố nội thị, các công trình văn hóa khu vực trung tâm nhằm tạo ra một không gian mang tính cộng đồng với âm hưởng hiện đại, nhộn nhịp, vui tươi, ấn tượng, mới lạ, sống động, hấp dẫn…

Đồng thời, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, giao lưu sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí, mua sắm, khám phá ẩm thực của Nhân dân địa phương và du khách tham quan vào mỗi dịp cuối tuần. Từ đó, thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thị xã", ông Thạo nhấn mạnh.

Thị xã Sơn Tây nói gì về nguy cơ phố đi bộ Thành cổ có thể biến thành "phố ăn nhậu"? - Ảnh 2.

Tuyến phố đi bộ Sơn Tây trước giờ đi vào hoạt động. Ảnh: Hoàng Thành.

Không biến phố đi bộ thành "phố ăn nhậu"

Tại buổi họp báo, đại điện Thị xã Sơn Tây nhận được nhiều câu hỏi của báo chí. Cụ thể, liên quan đến câu hỏi "làm thế nào để Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây không biến thành "phố ăn nhậu", ông Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây cho biết, trong không gian tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây có một số hộ kinh doanh, tuy nhiên các hộ dân đều được tuyên truyền phải có ý thức và giữ gìn không gian tuyến phố đi bộ.

"Chúng tôi xác định tất cả những hộ kinh doanh nếu không phải là các hộ dân thì không được bày bàn ghế bán hàng. Chúng tôi chỉ cho phép một số hộ dân bán nước và bày một số ghế nho nhỏ để cho người dân ngồi nghỉ ngơi… chứ không có chuyện có quán nhậu trên địa bàn này", ông Thăng nói và thông tin: "Các hộ kinh doanh sẽ có khu vực riêng bán hàng lưu niệm, giải khát, khu vực ẩm thực…".

Trước ý kiến lo ngại "phố đi bộ thành cổ Sơn Tây có lâu bền, làm sao hút du khách", ông Nguyễn Huy Khánh, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây chia sẻ: Đây là lần đầu tiên thị xã Sơn Tây tổ chức năm du lịch và khai trương thí điểm phố đi bộ quanh thành cổ Sơn Tây.

"Đây là sự kiến lớn của thị xã Sơn Tây, cũng là những bước đầu thị xã thực hiện Nghị quyết của thành uỷ Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hoá, cũng như hồi phục hoạt động kinh tế, du lịch sau 2 năm đại dịch", ông Khánh nói.

Thị xã Sơn Tây nói gì về nguy cơ phố đi bộ Thành cổ có thể biến thành "phố ăn nhậu"? - Ảnh 3.

Hiện tại xung quanh khu vực phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây có nhiều quán nước được bày bán. Ảnh: Hoàng Thành.

Nói thêm về tuyến phố đi bộ, lãnh đạo Thị xã Sơn Tây cho biết, đã xây dựng kế hoạch thực hiện và được UBND TP.Hà Nội phê duyệt đề án thí điểm và nếu làm tốt sẽ duy trì, phát triển.

"Chúng tôi cũng học tập nhiều tuyến đi bộ từ Lạng Sơn, đến quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) và các địa phương khác. Hoàn Kiếm có đặc thù khách có sẵn rồi mở ra không gian là có khách, nhưng Sơn Tây thì khác phải có hoạt động để hấp dẫn du khách. Đây cũng là điều chúng tôi trăn trở lâu nay, làm sao để thu hút du khách, duy trì hoạt động hiệu quả tuyến phố…", ông Khánh nói.

Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây chia sẻ thêm, sau đại dịch Covid-19, rất nhiều khu du lịch, resort quanh Sơn Tây và các địa bàn lân cận đều kín phòng, rất khó đặt phòng.

"Chúng tôi cũng đã nhiều lần gặp mặt trao đổi với các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú, du lịch. Họ mong muốn thị xã Sơn Tây có một địa điểm để khách của họ vui chơi vào buổi tối…", ông Khánh nói và cho biết Thị xã Sơn Tây cũng tổ chức kết nối với sân golf Đồng Mô, Làng văn hoá du lịch các dân tộc Việt Nam, hệ thống các điểm du lịch nghỉ dưỡng trên địa bàn và vùng lân cận…

Theo đó, Sơn Tây sẽ xây dựng chương trình, kịch bản hoạt động theo tháng, theo quý để gửi đến cho các doanh nghiệp, đơn vị làm du lịch dịch vụ trên địa bàn và vùng lân cận để các đơn vị này xây dựng du lịch cho du khách.

Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây sẽ hoạt động vào các ngày Thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần với các hoạt động chính diễn ra như:

Hoạt động thể thao đường phố (tâng bóng nghệ thuật, patin, ván trượt, xe đạp Xgame, dance Sport...);

Nghệ thuật đường phố (dân vũ quốc tế, ký họa, thư pháp, cờ người, nhóm nhạc đường phố, ảo thuật, nghệ thuật truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam...

Bên cạnh đó sẽ có không gian ẩm thực đường phố và giới thiệu sản phẩm OCOP, chợ sinh vật cảnh... Cùng với đó là một số mô hình mới như: Rối nước, chèo thuyền hào Thành cổ, Mobile Home...

Tại tuyến phố đi bộ này sẽ có các phân khu chức năng các hoạt động, cụ thể:

Khu vực bán hàng lưu niệm, giải khát: Bố trí dọc vỉa hè các tuyến phố. + Khu vực tổ chức các sự kiện văn hóa vui chơi, nghệ thuật đường phố: Trung tâm Văn hóa Thể thao, Quảng trường Sân vận động thị xã.

Khu vực ẩm thực: Một phần Quảng trường Sân vận động thị xã. + Khu vực chợ hoa: Quảng trường Sân vận động thị xã (Buổi sáng Chủ nhật) + Khu vực trưng bày sinh vật cảnh: Vỉa hè Thành cổ phố Phan Chu Trinh. + Khu vực triển lãm, trưng bày tranh, ảnh, đồ gốm sứ...: Vỉa hè Thành cổ phố Phan Chu Trinh.

Khu vực trang trí, tạo cảnh quan, vui chơi: Vườn hoa Trung tâm, Quảng trường Sân vận động thị xã (Buổi tối thứ Bảy), vỉa hè Thành cổ (Đối diện cổng UBND cũ, Bảo hiểm Sơn Tây, Trường THPT Sơn Tây cũ).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem