Tình trạng lạm thu đang xảy ra tại nhiều nơi vào đầu năm học mới khiến dư luận bức xúc. NTNN trao đổi với PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD – ĐT xung quanh vấn đề này.
Nhiều năm qua, vấn đề lạm thu đầu năm tại các trường đã làm đau đầu phụ huynh và các nhà quản lý giáo dục, theo ông vì sao tình trạng này không thể chấm dứt?
- Lạm thu là một vấn nạn của ngành giáo dục, năm nào cũng nói, năm nào cũng đưa ra các quy định, cảnh báo, biện pháp mới nhưng vẫn chưa giải quyết được triệt để. Một trong những sai lầm đó bắt nguồn từ việc chưa có chế tài hợp lý kiên quyết để xử lý vấn đề này.
|
Cần bắt buộc các trường công khai các khoản thu-chi để giám sát chặt, tránh lạm thu |
Khi phát hiện trường có tình trạng thu các quỹ vô lý, cơ quan chức năng mới chỉ dừng lại ở việc cảnh cáo, phê bình và yêu cầu trả lại tiền cho phụ huynh. Như vậy, tính chất răn đe chưa hiệu quả. Nếu có được bộ chế tài, trường vi phạm ở mức độ nào sẽ có biện pháp xử lý ở mức độ ấy.
Ngoài ra, theo tôi Bộ GD-ĐT và các ban ngành cần có hình thức giám sát cụ thể tới các trường bằng: Bắt buộc công khai thu chi, cử các đoàn kiểm tra đầu năm học, khảo sát ý kiến hài lòng của phụ huynh… Bên cạnh đó cần tuyên truyền cho phụ huynh học sinh biết những khoản đóng góp hợp lý, biết lên tiếng phối hợp với các sở ban ngành chống lạm thu từ đầu năm học.
Gần đây dư luận rất bất bình về việc Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP. Huế) vừa đình chỉ 30 học sinh vì chưa nộp các khoản đóng góp đầu năm. Nhiều người cho rằng đó thực chất là nơi bán chữ. Ông nghĩ sao về việc này?
- Quyết định của trường này là hết sức vô lý, đáng phê phán mặc dù trường có biện minh rằng do trường vận hành theo cơ chế tự thu chi và việc học sinh không đóng tiền gây ảnh hưởng đến chi trả các khoản đầu năm của trường. Trong ngân quỹ của một trường bao giờ cũng dành 70 – 80% cho lương giáo viên, còn 20% để phục vụ cho các công việc khác.
Muốn cho con được học điều hoà, máy lạnh, máy chiếu, ti vi và máy tính tốt, phụ huynh hoàn toàn có thể đóng góp thêm. Nhưng quan trọng là cách thu và thống nhất như thế nào. Tính minh bạch cần được đề cao ở khâu này. Đó là biện pháp tạm thời, còn lâu dài nhà nước cần phải cấp đầy đủ ngân sách cho trường công lập để đảm bảo điều kiện học hành cho học sinh.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ
Nếu trường coi nguồn chính cho các khoản chi lấy từ phí đóng góp của học sinh và buộc học sinh phải đóng đủ mới được đi học, không đóng lập tức đuổi học thì trường đó chẳng khác nào một doanh nghiệp kinh doanh chữ và học sinh là “khách hàng”. Điều này không thể chấp nhận được trong nhà trường xã hội chủ nghĩa.
Đúng ra, nhà trường phải tìm hiểu vì sao các em đó không đóng được tiền. Nếu gia đình quá khó khăn thì thậm chí nhà trường phải vận động giáo viên, phụ huynh, trích quỹ để giúp các gia đình đó.
Hiện Quỹ Hội khuyến học đang bị biến thành một trong những khoản thu gần như “mặc định” ở các trường, đi ngược lại tính chất tự nguyện mà quỹ đề ra...
- Tiêu chí mà Hội Khuyến học đề ra trong việc gây quỹ khuyến học là tính tự nguyện. Trên cơ sở đó Hội phát động hình thức tiết kiệm trong hội viên, một trong các hình thức đó là nuôi heo đất khuyến học tại nhà để trực tiếp hỗ trợ cho con cháu trong gia đình hoặc nộp vào quỹ chung để giúp đỡ người khác. Ngoài ra còn các hình thức vận động góp quỹ từ các Mạnh Thường Quân dùng vào việc giúp đỡ học sinh nghèo, khen thưởng học sinh giỏi, gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học…
Việc góp quỹ khuyến học trong các trường ngay từ đầu cũng được quán triệt với hình thức hoàn toàn tự nguyện, thể hiện tình nhân ái lá lành đùm lá rách. Tuy nhiên, do cách làm của nhiều trường không đúng nên hình thức thu quỹ bị biến tướng thành khoản bắt buộc.
Hội đang nỗ lực hướng dẫn cách làm và giải thích cho trường và phụ huynh hiểu tính chất tự nguyện và ý nghĩa của việc gây quỹ. Thứ 2 là yêu cầu các trường công khai quỹ và các khoản thu chi từ quỹ.
Thiên Hà (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.