Thiếu chỉ huy trong liên kết 4 nhà

Thứ năm, ngày 13/10/2011 14:39 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo “Chính sách về khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng”, do T.Ư Hội NDVN và Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) tổ chức tại Hà Nội ngày 12.10.
Bình luận 0

Sau gần 10 năm thực hiện, Quyết định (QĐ) 80 của Thủ tướng Chính phủ về “Chính sách tiêu thụ nông sản hàng hóa qua hợp đồng” đã tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp, song vẫn còn không ít bất cập.

img
Thu hoạch chè ở Tân Cương, Thái Nguyên.

Hình thành sản xuất theo hợp đồng

Theo TS Bùi Đình Hòa (Đại học Nông Lâm Thái Nguyên), thành tựu rõ nhất trong thực hiện QĐ 80 là đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản nguyên liệu gắn với chế biến; ND, HTX, doanh nghiệp đã làm quen và từng bước hình thành các hợp đồng liên kết sản xuất- chế biến- tiêu thụ nông sản.

Cụ thể, Nhà nước quan tâm đến công tác quy hoạch vùng sản xuất tập trung, chỉ đạo, hướng dẫn ND sản xuất, tham gia giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng. Nhiều doanh nghiệp thực hiện ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với ND; bước đầu xác lập mối quan hệ bền chặt giữa sản xuất và chế biến, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định cho chế biến, xuất khẩu.

Với QĐ 80, ND đã yên tâm đầu tư sản xuất, thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, đầu tư sản xuất trang trại, hình thành các hình thức hợp tác, liên doanh, liên kết... Về phía nhà khoa học, thông qua các chương trình khuyến nông, lâm, ngư, nhiều thành tựu KHKT trong nông nghiệp đã được áp dụng vào thực tiễn...

Nhà nước phải là “nhạc trưởng”

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện QĐ 80 đã bộc lộ không ít hạn chế. Bà Nguyễn Thị Cẩm – Hội ND tỉnh Gia Lai, cho rằng, chỉ có những doanh nghiệp lớn như cà phê mới ký hợp đồng tiêu thụ với ND. Do không quản lý được liên kết “4 nhà”, khi được mùa thì giá phân bón tăng cao, chi phí khác cũng tăng theo nên ND không có lãi. Cũng do không xác định được nhà nào là “đầu tàu” nên nhiều khi không có sự thống nhất giữa các nhà. Hiện, chủ yếu doanh nghiệp và ND bắt tay với nhau, như vậy thiệt thòi thường thuộc về những người nông dân...

Với ông Đoàn Anh Tuân- Chủ tịch Hiệp hội Chè VN, thì: “QĐ 80 chưa làm được ở ngành chè, bởi các doanh nghiệp không thể ký hợp đồng tiêu thụ với ND do nhiều người chỉ bán vài chục cân chè búp. Hiện nay hơn 600 doanh nghiệp chè chưa doanh nghiệp nào ký hợp đồng với ND”.

Theo ông Tăng Minh Lộc - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông nghiệp: Hạn chế lớn trong thực hiện QĐ 80 là chưa xác định được ai là hạt nhân của liên kết “4 nhà”, chưa có chế tài xử lý vi phạm hợp đồng giữa các bên.

Hạn chế lớn trong thực hiện Quyết định 80 là chưa xác định được ai là hạt nhân của liên kết “4 nhà”, chưa có chế tài xử lý vi phạm hợp đồng giữa các bên.

Bất cập được TS Hòa nhấn mạnh là trong khâu thực hiện, nhiều doanh nghiệp chưa có chiến lược kinh doanh, đặc biệt là chiến lược về thị trường; lợi ích của ND chưa hài hòa với lợi ích của doanh nghiệp. ND trình độ sản xuất còn yếu, tiềm lực kinh tế thấp, thiếu thông tin thị trường, kiến thức pháp luật...

Các viện nghiên cứu, trường đại học chưa gắn kết với doanh nghiệp, ND trong quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, thủ tục thanh toán cũng là một trở ngại. Theo quy định tài chính, khi thanh toán từ 20 triệu đồng trở lên, doanh nghiệp phải chuyển khoản, mà ND ít ai có tài khoản ở ngân hàng. Chính vì vậy, hiện chỉ có 6-9% tổng sản lượng lúa hàng hóa, 2-5% diện tích cà phê được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Để tháo gỡ những bất cập này, nhiều ý kiến đề xuất: Nhà nước phải là “nhạc trưởng” trong liên kết “4 nhà”...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem