Thiếu máy thở, bệnh nhi mắc tay chân miệng dễ tử vong

Thứ ba, ngày 28/02/2012 08:18 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hai tháng đầu năm 2012, bệnh tay chân miệng tiếp tục hoành hành dữ dội tại các tỉnh phía Nam và đã có 1 ca tử vong. Để ứng phó, các bệnh viện đầu ngành đã nhập thêm máy thở, bởi thiếu máy thở, bệnh nhi rất dễ tử vong.
Bình luận 0

Cứu sống bệnh nhân nhờ máy thở

Theo Ths - BS Phan Tứ Quí – Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc- Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM – bệnh nhi TCM cấp độ 3-4 nếu không can thiệp kịp thời sẽ gây ra biến chứng suy hô hấp, biến chứng thần kinh dẫn tới tử vong rất nhanh.

img
Bệnh nhi phải thở máy tại BV Nhi Đồng 1- TP.HCM.

Do tình hình dịch bệnh tăng nhanh, UBND TP.HCM cho phép nhập về 30 máy thở để phân bổ cho các bệnh viện. Nhờ có máy thở, các bệnh viện có phác đồ điều trị mới nhằm cứu sống được nhiều bệnh nhi. Mới đây, bệnh nhi Nguyễn Tường Vy (5 tháng rưỡi tuổi, nhà ở quận 5) nhập viện trong tình trạng sốt cao, thở nhanh, co kéo lồng ngực, suy hô hấp. Sau 2 ngày được thở máy, cháu Tường Vy thở được ổn định mà không cần dùng kháng sinh.

Bác sĩ Phan Tứ Quí cho biết, trường hợp cháu Tường Vy được cứu sống là nhờ có máy thở thông minh, có chế độ bù thất thoát khí nên không gây biến chứng về khí quản; Nếu dùng máy thường thì phải đặt một ống dẫn trong cuống họng, gây biến chứng hẹp thanh quản, tràn khí màng phổi, bệnh nhi sẽ không cai được máy thở.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng có trường hợp bệnh nhi Nguyễn Huỳnh Phương Nhã (3 tuổi, huyện Củ Chi) nhập viện trong tình trạng sốt cao, rung chi, có từng cơn ngừng thở và tay chân lạnh, da nổi bóng tím. Các bác sĩ đã đặt nội khí quản thở máy, chống sốc tích cực, dùng thuốc vận mạch. Sau 1 tuần, cháu Nhã được cứu sống.

“Vấn đề giúp thở sớm là một bài học kinh nghiệm quý báu rút ra từ thực tế những bệnh nhi bị bệnh TCM. Nếu không có máy thở thông minh được bổ sung gần đây thì bệnh nhi này gần như 100% tử vong” – BS Nguyễn Minh Tiến – Phó khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1 - nhìn nhận.

Cần chủ động phương tiện

Tuy nhiên, trong tháng 2.2012, số bệnh nhi tăng lên nhanh chóng nên các bệnh viện tiếp tục thiếu máy thở. Chẳng hạn tại Bệnh viện Nhiệt đới mỗi ngày có khoảng 30 bệnh nhi nhập viện điều trị trong khi chỉ có 11 máy thở. Vì vậy đã có 1 ca tử vong dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa.

img Bệnh nhi được chỉ định thở máy mà không có máy thở phải bóp bóng thì chỉ 1-2 ngày là tử vong.img

Bác sĩ Võ Quốc Bảo

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, nếu không có máy thở thông minh thì bệnh nhi bị TCM ở cấp độ 3-4 nhập viện hôm trước, hôm sau tử vong ngay. Chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2012, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận điều trị 791 trường hợp bệnh nhi. “So với trước đây, tỷ lệ tử vong giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 0,38%” – bác sĩ Tiến nhận định.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, bình quân mỗi ngày có khoảng 5-7 bệnh nhi bị TCM cần phải thở máy. Bác sĩ Võ Quốc Bảo – Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc cho biết: “Trong tháng 1.2012, tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 có đến 1.573 trường hợp bệnh TCM đến khám, trong đó có 250 trường hợp phải nhập viện điều trị. Bệnh TCM diễn biến khá phức tạp và có nguy cơ tăng trở lại. Nếu không được hỗ trợ về phương tiện, số tử vong có khả năng tăng cao”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem