Nhập vẫn nhập, xuất vẫn phải xuất
Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép được xuất khẩu hơn 2 triệu tấn than năm 2019. Đáng chú ý, năm 2019, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng ước tính con số nhập khẩu than là 5 triệu tấn.
Vì sao than trong nước thiếu đến nỗi phải nhập khẩu mà Bộ Công Thương lại vẫn muốn xuất khẩu than theo đề nghị của TKV và Tổng công ty Đông Bắc, nhất là khi nhiều nhà máy nhiệt điện trong nước từ cuối 2018 đến nay vẫn kêu thiếu than.
Góp ý cho đề xuất này, Bộ Tài chính kiến nghị rà soát chủng loại than xuất khẩu trên nguyên tắc loại than nào đang nhập khẩu thì không được phép xuất khẩu để đảm bảo ưu tiên than sản xuất cho nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị đẩy mạnh nghiên cứu để sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than, đáp ứng yêu cầu trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc xuất khẩu than giúp thu được hiệu quả kinh tế tốt hơn so với sử dụng các loại than này cho nhu cầu trong nước.
Đồng tình với phương án Bộ Công Thương đưa ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm về rà soát tình hình sử dụng các chủng loại than cục và than cám chất lượng cao ở trong nước hàng năm so với đánh giá trước đây.
“Các doanh nghiệp TKV, Tổng công ty Đông Bắc thực hiện nghiêm và chịu trách nhiệm không để thiếu than cho sản xuất điện theo các hợp đồng mua bán được ký kết với EVN và các hộ tiêu thụ khác”, Bộ KH-ĐT lưu ý.
Trước ý kiến của các bộ, mới đây Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nội dung này.
Việt Nam bắt đầu phải nhập khẩu than và số lượng ngày càng nhiều lên.
Dẫn quan điểm phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng 2030 được Thủ tướng phê duyệt tháng 3/2016, Bộ này cho hay ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước; bảo đảm việc xuất nhập khẩu hợp lý và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng thông qua biện pháp quản lý bằng kế hoạch.
Theo Bộ Công Thương, kết quả cân đối cung cầu than hiện nay cho thấy, giai đoạn đến năm 2030 Việt Nam sẽ dư thừa than cục, than cám 1-2-3 mà trong nước chưa có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết với khối lượng khoảng 2,1 triệu tấn/năm.
“Đây là loại than chỉ có ở Việt Nam, sử dụng phù hợp cho công nghệ luyện thép chất lượng cao (thép không gỉ) của Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2018, Việt Nam nhập khẩu tới 23,78 triệu tấn than, trong đó chủ yếu là than bitum và á bitum cho sản xuất điện, không có chủng loại than cục, than cám 1-2-3.
Theo báo cáo của TKV và Tổng công ty Đông Bắc, dự kiến khối lượng than nhập khẩu năm 2019 của các đơn vị khoảng 8 triệu tấn, trong đó than antraxit chiếm 18%, than bán antraxit chiếm 39%, còn lại than bitum và á bitum.
Do đó, Bộ Công Thương khẳng định chủng loại than xuất khẩu năm 2019 của TKV và Tổng công ty Đông Bắc là phù hợp với quan điểm phát triển ngành than Việt Nam, không phải loại than mà Việt Nam đang nhập khẩu.
Hiện than sản xuất trong nước chủ yếu phục vụ cho sản xuất điện. Khối lượng than sản xuất trong nước của TKV và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp cho sản xuất điện chiếm 70-80% lượng tiêu thụ toàn ngành, theo Bộ này.
2 năm liền không xuất khẩu hết, Trung Quốc từ chối
Góp ý cho đề nghị xuất khẩu than của Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước nhắc lại kết quả thực hiện xuất khẩu than các năm 2017 và 2018 thấp hơn so với kế hoạch được duyệt. Vì vậy Ủy ban này đề nghị rà soát, cân đối cung cầu than để đảm bảo kế hoạch xuất khẩu than năm 2019.
Bộ Công Thương giải thích: Khối lượng than xuất khẩu năm 2017 và 2018 của hai đơn vị trên là hơn 4 triệu tấn, bao gồm hơn 2 triệu tấn than cục, tham cám 1-2-3 cho thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu, còn 2 triệu tấn than cám khu vực Vàng Danh - Uông Bí (là loại than có chất lượng bốc thấp, lưu huỳnh cao, nhu cầu sử dụng trong nước ít) cho thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc. Tuy nhiên, năm 2017 chúng ta không xuất khẩu được loại than này, 2018 chỉ xuất được 50.000 tấn sang Thái Lan.
Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân chính do thời gian qua, Trung Quốc áp dụng quy định về hàng rào chất lượng đối với than nhập khẩu, các loại than nhập khẩu vào Trung Quốc trước khi pha trộn, sử dụng phải được giám định lại chất lượng theo hàng rào tiêu chuẩn các nguyên tố vi lượng như thủy ngân, arsen, clo, flo,... do Chính phủ Trung Quốc quy định.
Bộ Công Thương thừa nhận than antraxit của Việt Nam không thể đáp ứng được các tiêu chuẩn trên.
Do đó, TKV đã phải liên hệ với đối tác ngoài Trung Quốc để xuất khẩu và pha trộn với các chủng loại than khác để tiêu thụ trong nước, đến nay đã chế biến, tiêu thụ trong nước hết khối lượng than trên.
Cho nên, Bộ Công Thương tiếp tục bảo lưu quan điểm cho phép TKV và Tổng công ty Đông Bắc xuất khẩu 2,05 triệu tấn than trong năm 2019 (TKV 2 triệu tấn, Tổng công ty Đông Bắc 50 nghìn tấn).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.