“Khi chúng tôi đến đặt hàng hợp tác xã cung cấp nguyên liệu hữu cơ, họ muốn công ty cam kết tiêu thụ hết nông sản bên cạnh vấn đề giá cả. Bởi nếu không bán hết cho chúng tôi, họ không biết bán cho ai” - ông Trần Hoàng Ý, Giám đốc Công ty xuất khẩu điều Việt Hàn, có nhà máy ở Bình Dương và Bình Phước chia sẻ tại hội thảo Đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam do Bộ NNPTNT tổ chức tại TP.HCM sáng 21/9.
Chia sẻ của ông Ý cũng là ý kiến được nhiều người tham dự hội thảo đồng tình. Một cán bộ của Viện Khoa học kỹ thuật Tây Nguyên cho biết bà con nông dân địa phương nhận thức được tầm quan trọng của sản xuất hữu cơ nhưng không làm được vì lo lắng về đầu ra, không biết bán cho ai, không có thị trường.
Chị kể một người bạn của chị ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) rất tâm huyết với cà phê hữu cơ, đã mất 4 năm đầu tư vào đây nhưng sản lượng giảm đi một nửa so với trồng thông thường. Giá cà phê hữu cơ được chị bán tăng gấp ba lần, nhưng chủ yếu chỉ có thể bán lẻ, cho người quen. Thực tế vẫn có lãi hơn nhưng rất manh mún.
Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San.
Theo số liệu của Bộ NNPTNT, hiện nay 85% sản phẩm hữu cơ được tiêu thụ qua kênh bán lẻ và người tiêu dùng sản phẩm hữu cơ Việt Nam chủ yếu sống tại Hà Nội và TP.HCM. Mỗi năm người tiêu dùng cả nước chi khoảng 500 tỷ đồng cho sản phẩm hữu cơ, riêng hai thành phố lớn này đã là 400 tỷ đồng (80%). Vì sản phẩm hữu cơ có giá cao hơn hẳn sản phẩm trồng trọt chăn nuôi thông thường, khoảng 1,5 – 2 lần, nên kén chọn người tiêu dùng. Hiện chỉ có 15% chợ, 30% trung tâm thương mại và siêu thị trên toàn quốc kinh doanh sản phẩm hữu cơ.
Với nhiều doanh nghiệp sản xuất chế biến nông sản hữu cơ, thị trường đầu ra chủ yếu là nước ngoài chứ không phải trong nước. Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San tại Đồng Nai - một doanh nghiệp đã xuất khẩu nhiều sản phẩm hữu cơ ra nước ngoài (hồ tiêu đi châu Âu, ca cao đi Nhật…) cho rằng, các nông dân của ông hoàn toàn có thể cung cấp sản phẩm hữu cơ cho người tiêu dùng trong nước, nhưng vấn đề là người tiêu dùng trong nước có sẵn sàng trả gấp đôi tiền để mua một sản phẩm chất lượng tốt hơn nhưng mẫu mã không đẹp bằng? Hay như bưởi da xanh hữu cơ, hương vị không khác bưởi bình thường, vậy ai sẽ trả thêm 50% chi phí đầu vào cho sản xuất hữu cơ, ai sẽ trả tiền cho môi trường?
Việt Nam có gần 20 đơn vị xuất khẩu các loại rau, quả hữu cơ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hạt điều, hồ tiêu, thủy sản… đến các thị trường Pháp, Đan Mạch, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Trung Quốc, Đài Loan, Campuchia, Mỹ, Ý, Đức, Anh, Nga, Canada, Bỉ, Thái Lan, Malaysia, Hà Lan, Hong Kong.
Tuy nhiên, mỗi thị trường lại đòi hỏi một chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ khác nhau, và cũng không chấp nhận giấy chứng nhận của Việt Nam vốn dành cho thị trường trong nước. Đó cũng là một khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước khi muốn xuất khẩu và phát triển sản phẩm hữu cơ.
Đầu ra cho các sản phẩm hữu cơ còn hạn chế. Ảnh: I.T
Đầu ra hạn chế, vốn đầu tư nhiều, gồm đầu tư cải tạo đất (vì qua một quá trình phát triển công nghiệp hóa đô thị hóa, đất đã bị nhiễm nhiều hóa chất thuốc bảo vệ thực vật), đầu tư cho tư vấn và xét nghiệm các mẫu đầu vào để có được giấy chứng nhận thực phẩm hữu cơ, nên nhiều doanh nghiệp và người nông dân không mặn mà với sản xuất hữu cơ.
Mặc dù 40 tỉnh thành trồng trọt hữu cơ, nhưng tổng diện tích sản xuất hữu cơ chỉ chiếm 0,7% tổng diện tích đất trồng trọt cả nước. Chỉ có 24 tỉnh có chăn nuôi hữu cơ, thậm chí chỉ có 4 tỉnh nuôi trồng thủy sản hữu cơ.
Lợi ích của sản xuất xuất hữu cơ (với các sản phẩm phải đảm bảo được nguyên tắc 5 không: không hóa chất bảo vệ thực vật, không phân hóa học, không chất kích thích tăng trưởng, không sản phẩm đột biến gen, không sử dụng thuốc diệt cỏ) là không thể phủ nhận: không chỉ tốt cho sức khỏe người tiêu dùng mà còn đảm bảo môi trường phát triển bền vững.
Để nông dân thực sự tâm huyết với sản xuất hữu cơ, ông Luân cho rằng cần có thị trường, đầu ra sản phẩm phải được đảm bảo. Bên cạnh đó cần nâng cao nhận thức của nông dân về môi trường cũng như nhận thức của người tiêu dùng về các sản phẩm hữu cơ.
Ông Luân cho rằng người tiêu dùng thông minh phải phân biệt được các loại sản phẩm, không nên cứng nhắc lúc nào cũng đòi giấy chứng nhận, đương nhiên cà chua rẻ tiền thì không thể là cà chua hữu cơ nhưng những sản phẩm lá giang, bắp chuối phát triển dễ dàng thì không cần thiết phải đòi giấy chứng nhận hữu cơ.
Cũng theo vị giám đốc hợp tác xã ở Đồng Nai, người sản xuất và tiêu dùng thông minh phải biết mình muốn gì. Ví dụ ở các nước phương Tây, nông nghiệp hữu cơ không phát triển cho người tiêu dùng, mà vì môi trường. Sau đó người tiêu dùng nhận thức được ý nghĩa của sản xuất hữu cơ với môi trường và sức khỏe của họ nên đã bắt đầu mua và sẵn sàng trả nhiều tiền.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.