43 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979 -17/2/2022): Chuyện người thương binh sống sót trong tình huống hy hữu (Bài 3)

Lương Kết Thứ năm, ngày 17/02/2022 06:29 AM (GMT+7)
Trong số những cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ về dự lễ khánh thành nhà bia Keng Riềng (Quảng Hòa, Cao Bằng), có nhân vật rất đặc biệt. Năm 1979, người cựu chiến binh này đã sống sót trong tình huống rất hy hữu khi quân Trung Quốc dùng hỏa lực tấn công vào hang Keng Riềng, sát hại 26 người.
Bình luận 0

Năm 2021, chuyến trở lại Cao Bằng của cựu chiến binh Bùi Công Lợi (quê xã Hòa Cuông, Trấn Yên, Yên Bái- năm 1979, ông là lính của Trung đoàn 567, lúc đó thuộc Tỉnh đội Cao Bằng) có điều đặc biệt hơn so với những lần về tham dự họp mặt của các cựu chiến binh Trung đoàn 567 dịp 17/2 những lần trước đó.

Lần này ông Lợi về Cao Bằng để tham dự lễ khánh thành nhà bia Keng Riềng (huyện Quảng Hòa). Tại hang Keng Riềng vào ngày 2/3/1979 (tức ngày 5/2 âm lịch), quân Trung Quốc đã dùng B41, ĐKZ, súng phun lửa để tấn công sát hại 26 người, trong đó có 20 thương binh nặng thuộc Trung đoàn 567 đang chờ chuyển tuyến trên, số còn lại là y tá, có cả học sinh cấp III lên giúp thương binh. Ông Lợi lúc đó là thương binh đã thoát chết trong tình huống rất hy hữu trước cuộc tấn công này.

43 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979 -17/2/2022): Chuyện người thương binh sống sót trong tình huống hy hữu (Bài 3) - Ảnh 1.

Tấm bia ghi lại lịch sử về tinh thần chiến đấu anh dũng của 2 nữ y tá để bảo vệ thương binh tại hang Keng Riềng. Ảnh L.K

Thắp nén nhang cho đồng đội rồi ông Lợi dảo bước một vòng quanh khu vực hang Keng Riềng để hồi tưởng lại ký ức năm xưa về cuộc chiến đấu không cân sức của 2 nữ y tá tại hang Keng Riêng để bảo vệ thương binh trước đông đảo quân xâm lược tràn tới; việc mình đã thoát chết trong tình huống rất hy hữu.

Cựu chiến binh Bùi Công Lợi sinh năm 1957, nhập ngũ tháng 2/1975. Năm 1976, ông là lính của Trung đoàn 567- Tỉnh đội Cao Bằng.

Ngày 17/2/1979, khi quân Trung Quốc nổ súng tấn công xâm lược Việt Nam, tại Cao Bằng, Trung đoàn 567 đã anh dũng chiến đấu cầm chân địch trong 12 ngày đêm vô cùng ác liệt tại đèo Khau Chỉa (Quảng Hòa).

43 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979 -17/2/2022): Chuyện người thương binh sống sót trong tình huống hy hữu (Bài 3) - Ảnh 2.

Nhà tưởng niệm các liệt sĩ được xây dựng phía dưới cửa hang Keng Riềng, phía trên là vòm cửa hang. Ảnh L.K

"Tôi chiến đấu tại đèo Khau Chỉa đến ngày thứ 9 thì bị thương với 5 vết ở đùi và mu bàn chân, được đưa ra trạm cứu thương ở thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hòa). Nhưng sau đó quân Trung Quốc đánh vu hồi tấn công vào thị trấn nên số thương binh được đưa đến hang Keng Riềng (cách thị trần khoảng 1km) rồi chuyển tiếp lên tuyến trên. Tôi ở trong số anh em thương binh được đưa về hang muộn nhất tối hôm trước.

Khoảng 5 giờ 30 hôm sau, quân Trung Quốc đã phát hiện và đã tấn công vào hang Keng Riềng. Lính Trung Quốc đã bắn vào cáng thương của tôi khi hai dân quân đang khiêng. Bị hất từ cáng thương xuống đất, theo đà dốc tôi lăn đi mấy vòng rồi rơi xuống hố phân ven đường đầy nước. Tôi chìm xuống giữa lớp phân lợn lẫn rác rưởi nổi lều bều", cựu chiến binh Bùi Công Lợi nhớ lại.

43 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979 -17/2/2022): Chuyện người thương binh sống sót trong tình huống hy hữu (Bài 3) - Ảnh 3.

Cựu chiến binh Bùi Công Lợi và bà Tống Thị Thanh là 2 trường hợp thoát chết trong tình huống hy hữu tại hang Keng Riềng. Ảnh L.K

Nằm dưới hố phân đầy nước và rác kết dày từng đám, ông Lợi chỉ để hở nửa khuôn mặt để thở và không dám cựa mình vì sợ bọn địch phát hiện ra. Hố phân ngay cạnh đường đi, ông có cảm giác quân địch ngay trên đầu mình. Ông nghe rõ từng tiếng bước chân chạy huỳnh huỵch của quân Trung Quốc lên phía cửa hang.

Tiếp theo đó là những tiếng nổ đanh thép từ trong hang bắn ra từng phát một, ông Lợi biết đó là khẩu súng CKC của y tá Đinh Thị Tuyến và Nguyễn Thị Huệ đang bắn xuống. Những tên địch lên trước bị trúng đạn đổ gục, có tên bị thương được dìu xuống, bọn địch vừa bắn vào cửa hang vừa la hét ầm ĩ, rồi chúng lui ra xa cửa hang.

Một lát sau quân địch đã dùng B41, ĐKZ, súng phun lửa bắn lên cửa hang. Nằm giấu mình dưới hố ông Lợi không còn nghe thấy tiếng của khẩu CKC từ trong hang bắn ra nữa. Ông nghĩ có lẽ anh chị em trong hang đã hy sinh cả rồi. Một lúc sau đó, ông nghe tiếng mấy loạt AK nổ trong hang và tiếng quân địch gọi nhau loạn xạ. Ông đoán bọn địch đã lên hang và xả những loạt đạn vào những thi thể đã bị biến dạng vì hỏa lực và súng lửa.

Nằm dưới hố phân đến khoảng 7 giờ tối, khi xung quanh không có động tĩnh gì, ông Lợi mới dám bò lên. Nơi đây giờ chỉ là một sự yên ắng đến ghê rợn bao trùm, không khí đặc quánh với mùi thuốc súng và mùi tanh của máu.

Ông Lợi đoán có lẽ bọn địch đã rút hết, lúc này ông mới nghĩ tới mình vừa thoát chết trong một tình huống rất hy hữu. Ít ngày sau ông được các trinh sát tìm thấy và đưa về trạm cứu thương. Phải mất gần 1 năm điều trị ông Lợi mới có thể đi lại được.

Năm 1981, ông ra quân rồi đi học y sĩ và công tác trong ngành y cho đến năm 2017 nghỉ hưu.

Ngày 18/3/2021, Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 567 đã tổ chức lễ khánh thành nhà bia tưởng niệm tại hang Keng Riềng, có đại diện chính quyền địa phương tới dự và cắt băng khánh thành.

Hang này là nơi thương binh của Trung đoàn 567 được đưa tới, sau đó chuyển tiếp lên tuyến trên. Vào ngày 2/3/1979 (tức ngày 5/2 âm lịch), quân Trung Quốc đã phát hiện và tấn công sát hại 26 người, trong đó có 20 thương binh nặng, số còn lại là y tá, có cả học sinh cấp III lên giúp thương binh.

Với lòng tri ân, tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh, đáp ứng mong mỏi của gia đình thân nhân các liệt sĩ, cũng là để chứng tích về sự đau thương không bị lãng quên, Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 567 ở Cao Bằng đã kêu gọi xã hội hóa để xây dựng một nhà bia tưởng niệm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem