Chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị khôi phục hang Cốc Bó và điều chỉnh đường Hồ Chí Minh

Thiếu tướng Hoàng Kiền Thứ ba, ngày 17/08/2021 07:00 AM (GMT+7)
Nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 -25/8/2021), Thiếu tướng Hoàng Kiền, Anh hùng LLVTND, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam đã có bài viết kể về kỷ niệm sâu sắc với Đại tướng, gửi Báo Dân Việt.
Bình luận 0

Cần phải khôi phục lại hang Cốc Bó

Vào một buổi sáng tháng 7/2005, tôi đang trong phòng làm việc, Đại tá Nguyễn Huyên (1931-2019), Thư ký của Đại tướng Võ nguyên Giáp gọi điện thông báo: Anh Văn (tức Đại tướng) giao cho Tư lệnh Công binh lên kiểm tra lại hang Cốc Bó về báo cáo. Tôi cứ băn khoăn mãi, đã hai lần hai đồng chí lên kiểm tra về báo cáo với cấp trên là hang Cốc Bó không việc gì. 

Chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị khôi phục hang Cốc Bó và điều chỉnh đường Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng năm 1994. (Ảnh Triều Đương, Báo Cao Bằng).

Sau khi nhận điện của Đại tá Nguyễn Huyên, tôi trao trao đổi với Thiếu tướng Mai Ngọc Linh, Chính uỷ Binh chủng, sau đó gọi điện cho Đại tá Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung Tâm tư vấn khảo sát thiết kế công trình quốc phòng của Binh chủng Công binh vào trao đổi, giao nhiệm vụ. Đại tá Sơn đưa ngay một tổ mang theo máy quay camera lên đo đạc khảo sát, quay phim toàn bộ khu vực Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng và trọng tâm là hang Cốc Bó, tôi lên sau. Khi khảo sát về, xem lại băng hình, chúng tôi cũng không phát hiện ra điều gì lạ trong hang, đều cho là hang vẫn như cũ.

Hôm sau, chúng tôi lên báo cáo Đại tướng. Đại tướng dành ra cả một buổi sáng để nghe báo cáo, xem trên màn hình toàn cảnh khu vực Pác Bó và chi tiết trong hang Cốc Bó. Cùng ngồi dự có Phu nhân Đại tướng, Đại tá Nguyễn Huyên, anh Võ Hồng Nam (con trai Đại tướng). Đại tướng chăm chú theo dõi màn hình, rồi nói : Khối đá to ở giữa hang kia là bị đánh sập từ nóc xuống. Đại tướng trầm ngâm suy nghĩ rồi gõ tay xuống mặt bàn nhắc đi nhắc lại ba lần: Tại sao họ lại đánh sập cái hang này?

Hang Cốc Bó bị quân xâm lược dùng bộc phá đánh sập nóc hang trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Sau gần 30 năm, nhiều người thăm quan sờ vào làm nhẵn mòn mặt mảng đá, nếu không có camera quay lại để Đại tướng xem và chỉ ra thì cũng không ai biết là hang bị sập.

Chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị khôi phục hang Cốc Bó và điều chỉnh đường Hồ Chí Minh - Ảnh 3.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần làm việc với Thiếu tướng Hoàng Kiền để nghe báo cáo việc khôi phục hang Cốc Bó. (Ảnh NVCC).

Đại tướng giảng giải cho chúng tôi: Ngày 28/01/1941, Bác Hồ sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, qua Trung Quốc trở về Việt Nam. Tôi đón Bác và Pác Bó là địa điểm dừng chân đầu tiên. Hai Bác cháu nằm trong hang Cốc Bó, tâm sự 7 đêm, Bác nằm trên chiếc phản gỗ còn tôi nằm trên cái chiếu trải dưới đất ngay bên cạnh. Chính hòn đá họ đánh sập đè lên chỗ Bác và tôi nằm.

Bác nói: Chú Văn ạ, người làm cách mạng trước hết là phải dĩ công vi thượng (có nghĩa là phải đặt lợi ích cách mạng lên trên hết). Đại tướng nhìn chúng tôi rồi chậm rãi nói tiếp: Suốt đời tôi không bao giờ quên lời căn dặn này. Cả đời tôi luôn cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vì nước, vì dân theo lời dặn của Bác.

Đại tướng khẳng định: Đây là di tịch lịch sử số 1, Di tích lịch sử hàng đầu của nước ta. Không có hang này thì không có Cách mạng Tháng Tám, không có Quốc khánh Ngày 2/9, không có nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ra đời. Cần phải khôi phục lại nguyên trạng hang này.

Chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị khôi phục hang Cốc Bó và điều chỉnh đường Hồ Chí Minh - Ảnh 4.

Lê khởi công khôi phục hang Cốc Bó năm 2006. (Ảnh NVCC).

Đề nghị điều chỉnh đường Hồ Chí Minh

Đại tướng nói: Bộ đội Công binh rất giỏi, các đồng chí đã làm rất nhiều công trình quan trọng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, và trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đặc biệt các đồng chí đã xây dựng hệ thống công trình bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Bác Hồ và Trung ương Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Giao cho Tư lệnh Công binh chỉ đạo thực hiện, cố gắng làm cho nhanh khôi phục lại hang như hiện trạng ban đầu. Về kinh phí tôi sẽ viết thư gửi Thủ tướng (Thủ tướng lúc đó là ông Phan Văn Khải) giải quyết.

Chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị khôi phục hang Cốc Bó và điều chỉnh đường Hồ Chí Minh - Ảnh 5.

Hang Cốc Bó nơi Bác Hồ nghỉ và làm việc. (Ảnh Trọng Hiếu).

Tôi thưa với Đại tướng: Với nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và vinh dự này, Bộ Tư lệnh Công binh xin chấp hành nghiêm. Phu nhân Đại tướng ngồi bên cạnh góp lời: Các chú làm được, nhưng kinh phí không phải dễ đâu! Bây giờ kinh tế thị trường rồi, thủ tục phức tạp lắm.

Đại tướng không nói gì, giao cho anh Võ Hồng Nam thảo bức thư tay, rồi ông ký. Anh Nam đã cầm thư đi gặp các Bộ có liên quan, Văn phòng Chính phủ rồi trực tiếp gặp Thủ tướng Phan Văn Khải xin kinh phí và đã được giải quyết.

Nhiệm vụ khôi phục tôn tạo hang Cốc Bó được tổ chức khẩn trương. Công tác khảo sát thiết kế Bộ Tư lệnh Công binh giao cho Trung tâm tư vấn khảo sát thiết kế công trình quốc phòng triển khai ngay, khó nhất là thiết kế trần hang giống như cũ mà không có tư liệu hình ảnh để tham khảo. Anh em phải nghiên cứu, tìm hiểu thu thập qua đồng bào trong khu vực.

Chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị khôi phục hang Cốc Bó và điều chỉnh đường Hồ Chí Minh - Ảnh 7.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng đội 12/1994. (Ảnh Nhà báo Trần Hồng).

May mắn, các cán bộ đã gặp được ông cụ Hoàng Văn Lục, người trực tiếp nấu cơm tại hang và bà cụ Hoàng Thị Khìn, cụ nấu cơm từ bản mang lên cho Bác Hồ, trong thời gian Bác ở đây. Hai cụ vẫn còn nhớ rất kỹ hình dáng của vòm hang khi xưa, mô tả cho hai cán bộ ghi chép lại. Từ đó thiết kế theo phương pháp 3D, lắp lại tảng đá ngược lên trần hang hoàn thiện cơ bản kiến trúc. Sau đó tổ chức cuộc hội thảo tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, có các nhà khoa học về kiến trúc, lịch sử, văn hoá dự để tham gia ý kiến. Bản vẽ kiến trúc hang đã được thông qua, tiếp theo là thiết kế kỹ thuật, thi công.

Bộ Tư lệnh Công binh giao nhiệm vụ cho Công ty xây dựng Lũng Lô, Binh chủng Công binh đảm nhiệm thi công. Không được đánh bộc phá, phải dùng máy khoan đá ép hơi chẻ nhỏ mảng đá sập, đưa ra ngoài. Dựng khung thép ghép chống lên rồi bơm vữa bê tông bù lại tảng đá đã sập, các trang thiết bị, lực lượng được chuẩn bị chu đáo.

Việc khôi phục hang bắt đầu được thực hiện từ cuối năm 2006, Bộ đội Công binh đã tích cực lao động suốt ngày đêm để sớm hoàn thành công trình. Còn lại phần việc phun nhũ đỉnh hang, do tầm quan trọng và ý nghĩa của công trình, nên Bộ Tư lệnh Công binh và Sở VH-TT và DL tỉnh Cao Bằng thống nhất chọn một Công ty mỹ thuật hàng đầu của nước ta thực hiện.

Sau khi hoàn thành, Đại tá Nguyễn Thanh Sơn đã lên báo cáo và chiếu hình ảnh trong hang sau khôi phục cho Đại tướng xem, ông rất hài lòng khen bộ đội Công binh làm rất giỏi, hang giống như ban đầu.

Sau việc khôi phục hang Cốc Bó, Đại tướng nói thêm, đường Hồ Chí Minh đã được xác định từ Hà Nội vào đến Cà Mau đang chuẩn bị triển khai xây dựng, Tư lệnh Công binh thấy thế nào. Tôi thưa : Bác đã vạch ra Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh chi viện sức người sức của cho chiến trường đánh Mỹ, con đường thống nhất non sông đã thành huyền thoại. Nay chúng ta xây dựng Đường Hồ Chí Mình dọc suốt chiều dài đất nước là một chủ trương rất đúng đắn ạ.

Đại tướng nói: Làm như thế là chưa đủ, mà phải từ Pác Bó cho tới Cà Mau. Sau ba mươi năm đi tìm đường cứu nước, Bác về Pác Bó, từ đây mới vạch ra các chủ trương, đường lối lãnh đạo cách mạng Việt Nam thành công. Tôi sẽ viết thư cho Bộ Chính trị và Thủ tướng về việc này. Chúng tôi ngồi nghe mở mang thêm tầm nhìn. Kết quả sau này đã điều chỉnh lại đường Hồ Chí Minh bắt đầu từ Pác Bó tới Cà Mau như Đại tướng đã nêu.

Chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị khôi phục hang Cốc Bó và điều chỉnh đường Hồ Chí Minh - Ảnh 9.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với các cháu của trường Tình Thương tại nhà riêng năm 2007. (Ảnh Nhà báo Trần Hồng).

Tổ chức giao cho việc gì mà làm tốt là vinh dự

Đêm 21/12/2012, tôi điện cho anh Võ Hồng Nam là ngày mai vào thăm Đại tướng, anh Nam hẹn 10 giờ đón ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đêm hôm đó tôi thức trắng đêm viết bài thơ kính tặng Đại tướng, với tên là ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP, bài thơ khá dài.

Sáng hôm sau tôi mang bài thơ lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nơi Đại tướng đang điều trị. Do quá nhiều đoàn vào thăm, Đại tướng mệt nên Bộ Quốc phòng chỉ đạo hôm nay 22/12 không cho khách vào thăm. Anh Nam điện về cho mẹ nói sự việc như vậy, bà Đặng Bích Hà bảo đưa các anh về nhà chơi. Được Phu nhân của Đại tướng cùng vợ chồng anh Võ Hồng Nam tiếp, tôi đã đọc bài thơ cho gia đình nghe. Phu nhân Đại tướng nói với anh Nam, chú ấy sửa xong, con đem bài thơ vào viện đọc cho Ba nghe.

Nhân dịp gia đình nói chuyện về Đại tướng, tôi hỏi: Khi Đại tướng được phân công là Phó Thủ tướng, có phụ trách thêm dân số và kế hoạch hoá gia đình, Đại tướng có nói gì không ạ?. Phu nhân Đại tướng nói: Khi ti vi đưa tin, gia đình biết và đều nói sao Ba nhà mình lại nhận việc ấy. Lúc Đại tướng về đến nhà, cả nhà đều hỏi sao Ba lại nhận việc ấy, Đại tướng không phân bua gì mà nói: Tổ chức giao cho việc gì mà làm tốt là vinh dự rồi, ông không nói thêm câu nào. Qua câu chuyện này để thấy một nhân cách lớn của một nhà văn hoá lớn.

Trước khi tôi ra về, anh Võ Hồng Nam dẫn sang thăm phòng tiếp khách của Đại tướng, thấy một pho tượng điêu khắc bằng gỗ đặt trên bàn, tôi đến xem. Anh Nam giới thiệu, đây là một tác phẩm điêu khắc bằng gỗ mít do một cựu chiến binh người Ý Yên - Nam Định tự làm rồi mang lên tặng Đại tướng.

Anh Nam kể: Hôm bác cựu chiến binh đó đến cổng nhà Đại tướng, vệ binh không cho vào, thế là hai bên to tiếng. Đại tướng nghe thấy, hỏi rồi mời bác ấy vào. Sau đó Đại tướng dặn vệ binh: Từ nay trở đi bất cứ ai đến đều mời vào, mệt mấy tôi cũng tiếp. Người ta từ miền Nam ra, miền núi xuống, đồng bằng tới, có quý mình họ mới đến, không cho vào thì họ nghĩ thế nào? Nhân cách lớn, nhà văn hoá lớn của Đại tướng thể hiện cả từ việc rất nhỏ.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó nằm trên địa bàn xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đây là địa điểm từng gắn với hoạt động của Bác Hồ trong giai đoạn đầu trở về Tổ quốc lãnh đạo Cách mạng (1941 - 1945).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem