Thờ ơ với cháy rừng

Thứ ba, ngày 16/03/2010 08:51 AM (GMT+7)
NTNN - Ở không ít nơi, ý thức giữ rừng của người dân còn rất kém. Ngay cả chủ rừng cũng để mặc rừng của mình cháy.
Bình luận 0

img
Nhiều vụ cháy rừng xảy ra thời gian gần đây có nguyên do từ việc đốt nương làm rẫy.

Đốt nương - thủ phạm chính

 

Đến nay, vụ cháy rừng Hoàng Liên gây thiệt hại lớn vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính, song hướng điều tra của các cơ quan chức năng ở Lào Cai đang nhắm đến là sự bất cẩn trong việc đốt nương làm rẫy của người dân sống trong khu vực Vườn quốc gia này.

Thời điểm chúng tôi trở lại thôn Xéo Mý Tỷ (xã Tả Van, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai) một tuần sau khi ngọn lửa được dập tắt mà thảm thực vật dưới chân vẫn nóng rẫy, nhiều gốc cây còn cháy ngầm phía trong.

Leo qua được 3 quả núi, chúng tôi giật mình khi thấy phía bên kia quả đồi có một cột khói bốc lên và  lập tức báo cho trạm kiểm lâm gần nhất. Ngay sau đó cán bộ của Trạm phải đến tận nơi mới xác định được khói là do một người dân trong thôn Xéo Mý Ty đang... đốt nương để trồng thảo quả.

Theo quy định của Vườn quốc gia Hoàng Liên, khi người dân muốn đốt nương làm rẫy phải thông báo với Chủ tịch UBND xã và cán bộ của trạm kiểm lâm trên địa bàn. Vậy mà vụ đốt nương này, trạm kiểm lâm lại không hề biết.

Vào thời điểm nguy hiểm vừa qua, đi trên cung đường nào của huyện Sapa và các huyện lân cận cũng có thể quan sát thấy bà con đốt nương làm rẫy, trong khi không hề có giải pháp phòng, chống cháy rừng nào.

Ngay cửa ngõ vào thị trấn Sapa, chúng tôi chứng kiến cảnh duy nhất một phụ nữ “quần thảo” giữa một mảng rừng do  chính chị ta đốt để làm nương, mà không có ai hỗ trợ để đề phòng bất trắc.

Người trồng rừng bỏ mặc rừng

Thực tế, khi rừng đã cháy, ngay chính chủ rừng cũng không “buồn” chữa cháy. Như  những gì ông Nguyễn Tiến Dũng -  Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn) chứng kiến qua mấy đợt chỉ huy dập lửa cứu rừng: Hầu hết các điểm cháy đều ở rất sâu và xa đường, nên công việc dập lửa gặp vô vàn khó khăn.

Tuy nhiên, đáng báo động vẫn là ý thức phòng, chống cháy rừng của người dân một số địa phương rất kém. Như  vụ cháy rừng ở thị xã Dương Quang vừa xảy ra thì chính quyền địa phương, lực lượng hỗ trợ dập lửa đã có mặt, nhưng lại không thấy các hộ dân có rừng bị cháy.

Loay hoay mãi mới tìm thấy một ông chủ rừng, chúng tôi bảo ông ấy hỗ trợ chỉ đường dập lửa, ông ta nói rằng: “Đằng nào rừng cũng cháy rồi, dập làm gì, tôi còn bận đi ăn đám tang ông chú, ở đây làng xóm họ đi ăn đám hết rồi, cháy rừng cũng kệ thôi!”.

Cần đổi mới cơ chế quản lý, bảo vệ rừng

Tất cả các vụ cháy trên hầu hết do người dân phát nương làm rẫy, xử lý thực bì, đốt bãi chăn thả trâu bò... sơ ý gây cháy lan vào rừng.

Việc đốt nương làm rẫy gây cháy rừng phần lớn là do ý thức của người dân. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề lại phụ thuộc chủ yếu vào ý thức, trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương và các nhà hoạch định chính sách.

Hiện nay, chi phí khoán bảo vệ rừng cho người dân là 1 triệu đồng/ha/năm, có nghĩa là hơn 80.000 đồng/tháng.

Với mức kinh phí này, đã được một đại biểu Quốc hội ví chỉ hơn tiền giữ một chiếc xe máy ở thành phố, nhưng phải thực hiện nhiệm vụ như khoanh nuôi; phòng chống cháy rừng, chống lâm tặc... thì khó khuyến khích người trồng rừng bảo vệ rừng.

Ngay trong các khu bảo tồn và vườn quốc gia như vườn Hoàng Liên, người dân hiện nay không được nhận kinh phí khoanh nuôi trồng rừng; việc trồng trọt chăn nuôi, phát triển kinh tế rừng bị hạn chế, thậm chí không được phép.

Rõ ràng, khi người dân không được hỗ trợ phù hợp để đầu tư phát triển kinh tế rừng theo hướng có thu nhập cao; an toàn thì việc đốt nương làm rẫy dẫn đến cháy rừng vẫn sẽ tiếp tục diễn ra và tình trạng người trồng rừng thờ ơ với cháy rừng là điều dễ thấy...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem