“Thoát nạn” vì doanh nghiệp sợ tốn kém

Thứ ba, ngày 03/05/2011 06:35 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành một văn bản cho phép một doanh nghiệp khai quật di tích khảo cổ có niên đại hơn 3.000 năm. May là việc này chưa diễn ra vì doanh nghiệp thấy... quá tốn tiền.
Bình luận 0

Văn bản sai “kỹ thuật”

Chiều 27.4, ông Trương Đăng Tuyến - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Khánh Hòa cho biết, văn bản của UBND tỉnh cho phép doanh nghiệp khai quật di chỉ Văn Tứ Đông (VTĐ) đã sai về mặt "kỹ thuật".

img
Khai quật di chỉ Văn Tứ Đông

Theo ông Tuyến, thực chất vấn đề không phải như vậy. Sở VHTTDL và Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa mới là đơn vị chủ trì, đứng ra xin phép Bộ VHTTDL phối hợp với Bảo tàng Lịch sử VN khai quật, di dời di chỉ. Công ty CP đầu tư Dầu khí Nha Trang (DKNT) chỉ là đơn vị chịu trách nhiệm về mặt kinh phí của việc khai quật. Như vậy mới đúng luật.

Tuy nhiên, cũng theo ông Tuyến, do kinh phí để khai quật di chỉ VTĐ quá lớn nên việc khai quật đang phải đàm phán lại.

Trước đó, ngày 13.4 UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản số 1694/UBND-VX cho phép Công ty DKNT, chủ dự án sân golf và biệt thự sinh thái Cam Ranh, được tổ chức khai quật, di dời di chỉ VTĐ hiện đang nằm trong quy hoạch của dự án về Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng giao cho công ty này xây dựng kế hoạch, tiến độ công việc trình Sở VHTTDL, thời gian hoàn thành trong tháng 4.2011. Sở VHTTDL, Bảo tàng tỉnh, Công an tỉnh... có trách nhiệm giám sát, tư vấn nhằm giúp chủ đầu tư khai quật, di dời di chỉ VTĐ theo đúng quy định hiện hành.

Được biết, di chỉ VTĐ được nhóm các nhà khảo cổ thuộc Viện Khảo cổ học VN phát hiện vào cuối năm 2005, khai quật vào tháng 7.2006 và được xác định thuộc loại hình di tích Cồn sò điệp (hay còn gọi là "đống rác bếp"), có niên đại 3.000- 3.500 năm.

img
Các hiện vật thu được.

Tại đây đã tìm thấy các di vật như rìu đá hình xẻng, đồ trang sức... và đặc biệt là các di vật về hoạt động khai thác hải sản, điệp hương và sò điệp...

Các nhà khảo cổ học còn điều tra và phát hiện ra tổng cộng 8 di chỉ đồng dạng nằm ven vịnh Cam Ranh rất độc đáo vì hiện nay ở vùng Đông Nam Á chỉ còn duy nhất một cụm di chỉ này.

Doanh nghiệp “chùn tay”

Di chỉ VTĐ hiện nằm trong khuôn viên quy hoạch Dự án sân golf và biệt thự sinh thái do Công ty DKNT làm chủ đầu tư. Theo đúng luật, di chỉ đã được cắm cọc bảo vệ. Khu vực di chỉ rộng 2.500m2 nên vùng bảo vệ chính thức phải là 20.000m2 (2ha) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thực hiện dự án sân golf của Công ty DKNT.

Đây chính là lý do để công ty này đề nghị được bỏ kinh phí khai quật và đưa di vật về Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa, sau đó, công ty sẽ xây dựng một nhà trưng bày trong khuôn viên dự án để quảng bá về di sản văn hóa cho du khách. “Nhã ý” này của Công ty DKNT đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý.

Tuy nhiên, gần đây, khi Viện Khảo cổ học đưa ra bảng dự trù kinh phí hàng tỷ đồng cho việc khai quật toàn bộ 1.200m2 di chỉ VTĐ thì Công ty DKNT bắt đầu “nhụt chí” và đề nghị chỉ đóng góp 500 triệu đồng.

TS Trần Quý Thịnh thuộc nhóm nhà khoa học Viện Khảo cổ học VN đã phát hiện và khai quật di chỉ VTĐ, cho biết: Lẽ ra đứng về mặt chuyên môn, tôi sẽ không đồng ý cho khai quật, di dời di chỉ VTĐ nhưng do vừa rồi chúng tôi đã phát hiện ra 8 di chỉ đồng dạng khác ven vịnh Cam Ranh nên để phục vụ cho phát triển kinh tế địa phương, chúng tôi ủng hộ chủ trương này.

Trong tuần này sẽ lại có cuộc họp giữa Sở VHTTDL, Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa, Công ty DKNT và Viện Khảo cổ VN để thống nhất lại, nếu không khai quật, chúng tôi đề nghị khoanh vùng bảo vệ.

PGS-TS Tống Trung Tín -  Viện trưởng Viện Khảo cổ học: “Thế là sai luật”

Sao UBND lại có thể cho phép doanh nghiệp làm việc khai quật và di dời di chỉ được! Như thế là sai luật! Lẽ ra, tỉnh phải có công văn gửi Bộ VHTTDL với sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn. Phát triển kinh tế là cần nhưng Luật Di sản phải được tôn trọng.

TS Phạm Quốc Quân - Giám đốc Bảo tàng Cách mạng VN: “Phải có ứng xử văn hóa”

Tại nhiều công trình như Thủy điện Sơn La, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất... Chính phủ đều cho các cơ quan chuyên môn thực hiện các hoạt động khảo cổ học, vừa giải quyết vấn đề mặt bằng, vừa tư liệu hoá tất cả những gì liên quan đến di chỉ ở đó. Khi dời nó đi rồi thì làm sao còn cơ hội để làm việc đó nữa. Trong việc này không có sự đóng góp của khảo cổ học là không được! Tuân thủ luật pháp, ứng xử văn hoá của doanh nghiệp và nhà chuyên môn... là những điều kiện rất quan trọng. (Hoàng Thi - ghi) 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem