Thoát nỗi lo về thu nhập

Kiều Thiện Thứ tư, ngày 01/04/2015 16:04 PM (GMT+7)
Chúng tôi đến với những nông dân nghèo ở xã Pá Ma - Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai, Sơn La và chứng kiến cảnh bà con nơi đây đã có nhiều giải pháp thiết thực để cải thiện cuộc sống và sản xuất. 
Bình luận 0

Giải ngân kịp thời

Ông Điêu Văn Thực, nông dân bản Kích cho biết: Nhờ đồng vốn của Ngân hàng CSXH nên nhiều hộ đã thoát khỏi nỗi lo về thu nhập, tạo được những việc làm tốt hơn. Mỗi hộ khi vay đều có cách làm riêng và không ai tiêu vốn vay bừa bãi. Nhà tôi cũng đã mua thêm được 1 cặp bò, nâng đàn bò sinh sản của nhà lên 4 con, như vậy vừa bõ công chăn thả, vừa có thu nhập hàng năm nhờ bán bê con.

img
Nhiều nông dân nghèo ở xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai, Sơn La đã thực hiện chuyển đổi sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhờ đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH. Ảnh: Kiều Thiện

Bà Tòng Thị Tươi - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH Sơn La cho biết: “Trong năm qua, cán bộ, nhân viên toàn chi nhánh đã tăng cường nắm bắt thông tin từ cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp thành lập và nâng cao chất lượng các tổ dịch vụ vay vốn trên toàn địa bàn. Nhờ vậy hoạt động của cả hệ thống được nâng lên. Không chỉ đạt doanh số cho vay cao, chúng tôi cũng đạt doanh số thu nợ tới 487 tỷ đồng, vượt 3% so với năm trước. Kết thúc năm 2014, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH Sơn La đã lên tới 2.284 tỷ đồng, tăng 219 tỷ so với năm trước, không phát sinh nợ xâm tiêu, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,3% tổng dư nợ. Đó là kết quả của một sự đồng thuận cao, thống nhất, đoàn kết và nỗ lực chứ không đơn giản chỉ là đồng vốn cho vay…”.

“Với doanh số cho vay năm 2014 lên tới 706 tỷ đồng, tăng 0,5% so với năm trước, hiệu quả đồng vốn đạt cao, Ngân hàng CSXH tỉnh Sơn La đã được ghi nhận là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong khối ngân hàng khu vực” - bà Tráng Thị Xuân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết.

Bám dân để cho vay và thu nợ

Đến với địa bàn huyện Vân Hồ mới thành lập, chúng tôi thấy anh Nguyễn Ngọc Điệp - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Vân Hồ cùng các nhân viên chi nhánh này đang trên đường đến với bà con các bản xã vùng sâu như: Liên Hòa, Suối Bàng, Mường Men. Xe máy của họ lỉnh kỉnh đủ thứ hộp, bao, vali, túi xách, ba lô… Anh Điệp bảo: Chúng tôi đi cơ sở là thế đấy, trông cứ như đi buôn chuyến. Nhưng ngoài những trang thiết bị, tiền nong thì chúng tôi phải mang theo quần áo, thức ăn, nước uống… bởi các bản này cách xa trung tâm huyện tới 50-70km, đường sá không thuận lợi, dân lại nghèo. Khi vào với dân để tuyên truyền, vận động, tư vấn dài ngày, chúng tôi chỉ xin ngủ nhờ, còn mọi thứ sinh hoạt là mình phải đóng góp, phải chủ động…

Trao đổi với anh Điệp, chúng tôi biết thêm: Việc cho vay vốn ở cơ sở không phải dễ dàng. Nguồn vốn ưu đãi cũng có mức độ và nó phải được thực hiện đúng theo quy định, trong khi có những địa bàn nhu cầu vay vốn rất cao nhưng cũng có địa bàn người dân chưa thật sự hiểu về nguồn vốn này. Khi giải ngân rồi, muốn thu được nợ thì cán bộ ngân hàng cũng phải bám dân tiếp.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem