Đứt gãy chuỗi cung ứng: Gõ cửa 6 công ty mới tìm được nguyên liệu cần mua thời Covid-19
Thời Covid-19, gõ cửa 6 công ty mới tìm được nguyên liệu cần mua
Hồng Phúc
Thứ tư, ngày 15/12/2021 14:44 PM (GMT+7)
Tổng Giám đốc Bidrico cho biết, phải gõ cửa tới 6 công ty mới tìm được nguyên liệu cần mua thời Covid-19. Có trường hợp nhà cung cấp "mất tích" hoặc cung cấp không đủ nguyên liệu theo nhu cầu, không đủ lao động sản xuất...
Ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh (Bidrico), cho biết trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, khi thiếu nguyên liệu sản xuất, ông gặp nhiều khó khăn để tìm nhà cung cấp.
Ông Hiến kể trải nghiệm của mình cũng như Bidrico trong đợt dịch vừa qua tại Hội thảo "Những xu hướng chính thay đổi môi trường kinh doanh và giải pháp phục hồi cho doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm trong bối cảnh mới" diễn ra tại TP.HCM, ngày 15/12.
Theo ông, Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi thiếu một loại nguyên liệu, Bidrico tìm đến công ty thứ nhất đến công ty thứ hai, nhưng hai doanh nghiệp này từ chối.
"Trong dịch, công ty lớn chết lớn, công ty nhỏ thì chết nhỏ", ông Hiến nói và nhận định đó là lý do khiến họ không thể đáp ứng yêu cầu của đối tác.
Kiên trì tìm các nhà cung cấp thứ ba, thứ tư, thứ năm, có nơi đồng ý cam kết nhưng rồi sau đó lại thiếu nguyên liệu, nơi khác đủ nguyên liệu, lại thiếu người lao động sản xuất.
Hay mới đây, doanh nghiệp có nhu cầu đặt một mặt hàng phục vụ sản xuất, liên hệ một doanh nghiệp nước ngoài, họ thông tin phải 50 ngày sau mới có thể cung cấp.
Từ thực tế này, Tổng giám đốc Bidrico Nguyễn Đặng Hiến cho rằng các doanh nghiệp nên tạo dựng cho mình chuỗi cung ứng đa dạng, không nên quá phụ thuộc vào một hai nhà cung cấp, khi có biến cố xảy ra sẽ rất khó xoay xở.
Ông cũng đặt vấn đề nội địa hóa một số máy móc, thiết bị để doanh nghiệp trong nước có thể chủ động, không phụ thuộc nhiều vào các nhà sản xuất nước ngoài.
Tình hình sản xuất đang khá hơn
Ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết, làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành lương thực, thực phẩm bị tác động mạnh theo chiều hướng tiêu cực.
Giá nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, hơn 20%, chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm lâm vào tình trạng thiếu hụt nguyên liệu; tình trạng giãn cách xã hội khắt khe khiến thiếu hụt lao động để duy trì và vận hành hệ thống dây chuyền sản xuất.
Nhiều đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp không giao kịp tiến độ hoặc số lượng cam kết với đối tác nước ngoài gây thiệt hại lớn cho danh nghiệp cả về uy tín lẫn tài chính.
Trước năm 2020, thị trường ngành lương thực, thực phẩm Việt Nam liên tục tăng trưởng và được đánh giá đầy tiềm năng. Hiện thực phẩm đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng Việt Nam.
Tốc độ tăng trưởng bình quân là 7% trong 5 năm qua (2016-2020); trong đó năm 2016 tăng 8,2%; năm 2017 tăng 6%; năm 2018 tăng 8,2%; năm 2019 tăng 7,9%.
Do khó khăn của Covid-19, năm 2020, ngành chỉ tăng 4,5%. Sang tới năm 2021, chỉ số sản xuất của ngành đã giảm 7,8% so với cùng kỳ 2020.
Dù vậy, ông Nguyễn Đặng Hiến với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) cho biết tình hình khả quan hơn sau khi TP.HCM và cả nước nới lỏng các hoạt động phòng, chống dịch từ đầu tháng 10, hoạt động sản xuất từng bước được phục hồi.
"Thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp trong ngành đã và đang nỗ lực chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất hàng Tết", ông nói và cho biết doanh nghiệp đã sớm dự báo tình hình, chủ động trong việc sản xuất, điều phối nguồn nguyên liệu nhằm đảm bảo đủ hàng cho người dân mua sắm cuối năm, kể cả nếu thị trường có đột biến.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.