Anh Hoàng Văn Pẳn, thôn Tân Sơn, tay ôm bó lá rừng, tay bật công tắc điện trên chiếc máy thái thức ăn cho gia súc đặt cạnh bờ ao. Chỉ sau mấy giây, từng đàn cá lớn, nhỏ dưới ao đã quẫy mạnh trên mặt nước đòi ăn. “... Mình thả dưới ao đủ các loại cá để tận dụng triệt để nguồn thức ăn, chất bã thải của các loài cá.
Loài cá ăn tầng nước đáy ao là Chép, Trôi, Trắm đen; loài ăn tầng giữa, tầng nước mặt là Trắm cỏ, Mè, Rô phi, Bỗng tượng... Sau 3 năm chăn thả, dưới ao đã có cá lớn tới vài ba cân để bán. Thị trường bán tại Nà Chì, mỗi kg Trắm cỏ giá từ 75.000 – 80.000 đ/kg, cá Bỗng là 200.000 đ/kg, cá Rô phi 45 – 50.000 đ/kg.
Bình quân mỗi con trắm cỏ thả nuôi từ 2 – 3 năm bán đi thu được từ 200.000 – 300.000 đ, tương đương gần nửa tấn thóc. Riêng đối với cá đặc sản Bỗng tượng, Trắm đen mỗi kg cá đổi lấy từ 3 tạ, đến 3,5 tạ thóc - ông Pẳn tâm sự. Hiện tại, dưới ao gia đình ông Pẳn đang có khoảng trên 700 kg cá các loại. Đây là một cách làm kinh tế không mới, nhưng lại rất hiệu quả tại Nà Chì hiện nay.
Ông Hoàng Văn Pẳn, thôn Tân Sơn, chăn nuôi cá mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chủ tịch UBND xã Nà Chì, Hoàng Thanh Đại cho biết, thôn Tân Sơn hiện có 52 hộ thì hầu hết các hộ đều làm theo cách nuôi cá như ông Pẳn. Con cá, cái ao giờ đây đã làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế ở Tân Sơn. Ngoài con cá dưới ao, người dân thôn Tân Sơn còn có con trâu trong chuồng làm thế mạnh. Hiện nay, thôn Tân Sơn có đàn trâu trên 240 con.
Người Tân Sơn vẫn nói vui: Đàn cá thì nhờ nước, đàn trâu thì nhờ cỏ. Cả nước và cỏ đều là nguồn lợi ưu đãi thiên nhiên có từ những cánh rừng xanh thẳm được gìn giữ, bảo vệ và phát triển trồng mới hàng năm. Cách làm ở Tân Sơn hiện nay là nuôi trâu, chăn lợn và thả cá để xoá nghèo. Anh Đại nhấn mạnh, Đảng bộ xã chủ trương xây dựng Tân Sơn là thôn “kinh tế” kiểu mẫu.
Trong đó, lấy phát triển chăn nuôi trâu, cá, đàn lợn theo hướng tập trung quy mô sản xuất hàng hoá. Bởi vì, Tân Sơn có thế mạnh về nguồn nước, về rừng, đất rừng. Người Tân Sơn chịu thương, chịu khó và làm ăn sáng tạo. UBND xã Nà Chì sẽ tập trung chỉ đạo để Tân Sơn trở thành thôn đi đầu về chăn nuôi cá, chăn nuôi đàn gia súc tập trung. Từ Tân Sơn, sẽ từng bước chỉ đạo nhân rộng cách thức làm ra các thôn lân cận trong xã để đồng bào xoá nghèo, vươn lên làm giàu.
Cách trung tâm UBND xã Nà Chì chừng 5 km về phía Tây Bắc là thôn “Làng nghề” chuyên thu mua, chế biến chè đặc sản Bản Vẽ. Giám đốc HTX chè Bản Vẽ, Hoàng Xuân Cầu cho biết, HTX có 22 thành viên góp vốn. Nhiệm vụ chủ yếu của các thành viên HTX là tổ chức thu hái chè búp tươi nguyên liệu cho đồng bào. Tiếp theo là, thu mua hết chè búp nguyên liệu cho đồng bào địa phương trong vùng và chế biến chè đặc sản.
Trách nhiệm lớn được giao cho Giám đốc HTX là quảng bá, tiếp thị và bán sản phẩm chè làm ra đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, tìm, liên doanh, liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm chè cho xã viên, bà con trong vùng để họ yên tâm phát triển sản xuất. Giám đốc Cầu cho biết, lợi thế HTX là nằm giữa vùng nguyên liệu mấy trăm ha chè của 6 thôn bản: Bản Vẽ, Bản Pó, Nậm Ánh, Nậm Sái, Nguyên Thành... Nhưng khó khăn cũng không ít đó là, trình độ thu hái chè búp tươi nguyên liệu không đồng đều của người dân.
Tuy nhiên, HTX sẽ từng bước tập huấn cách làm cho bà con làm theo đúng quy cách. Sau đó, từng bước điều chỉnh giá cả thu mua chè nguyên liệu cho phù hợp. Và tổ chức chế biến chè theo đúng tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng trước khi phân phối đến tay người tiêu dùng. Hy vọng, một ngày không xa thương hiệu chè đặc sản Bản Vẽ sẽ đến tay người uống trà trong cả nước bằng chất lượng tuyệt hảo. Ở đó, có hương thơm của núi rừng, có vị nồng nàn của cuộc sống lao động chắt chiu của người Nà Chì kết hợp lại.
Điểm mới thuyết phục trong phát triển kinh tế ở Nà Chì lần này là các mô hình kinh tế của đảng viên. Đảng viên đi trước là điều hết sức cần thiết hiện nay. Cán bộ, đảng viên không làm và làm không được, không giỏi, thì nói ai, lôi kéo ai ? Do vậy, sự mạnh mẽ trong việc lựa chọn các đảng viên, cán bộ đi trước, làm trước là điều không mới. Cái mới ở đây là, làm thế nào để mỗi cán bộ, các đảng viên làm trước thành công, mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi người, mỗi gia đình đảng viên.
Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải trăn trở tìm ra lối đi cho riêng mình. Trong đó có, cách làm, cách sống, cách ứng xử với bà con dân bản trong cộng đồng dân cư nơi họ sống, làm việc. Để từ đó, mỗi cán bộ, đảng viên trở thành các “vệ tinh” lôi kéo, thuyết phục người dân xung quanh mình làm theo, học theo.
Lời nói đi đôi việc làm của tập thể cán bộ, đảng viên xã Nà Chì sẽ tạo ra động lực thúc đẩy địa phương ngày một giàu mạnh cả về vật chất, tinh thần, phát triển thịnh vượng và bền vững.
Nguyễn Hùng (Báo Hà Giang)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.