Mức khai thác nguồn cây tự nhiên quá lớn đã làm mất dần nguồn gien quý này ở nước ta, dẫn đến loài thạch tùng răng cưa không đáp ứng được nhu cầu về nguồn nguyên liệu cho sản xuất dược phẩm trong nước
Hiện nay, trước những tác động lớn của biến đổi khí hậu, dịch bệnh và sự khai thác quá mức của con người, việc nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gien các loài cây trồng nói chung, các loại cây dược liệu nói riêng đang là vấn đề được giới khoa học và xã hội quan tâm.
Thông đất hay thạch tùng răng cưa (Huperzia serrata) thuộc họ thông là loại dược liệu quý của cây thuốc Việt Nam, một trong những cây dược liệu Sách Đỏ đang được nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gien quý hiếm.
Nguồn gien tự nhiên suy giảm nghiêm trọng
Thạch tùng răng cưa thuộc loài thân cỏ mọc ở đất, thân cao từ 15 cm - 40 cm, đường kính khoảng 2 mm, lá hình bầu dục, mũi mác, mép lá có răng cưa, rễ dạng chùm. Thạch tùng răng cưa đã được tìm thấy trên các vùng cao tại một số khu vực như Lào Cai, Lâm Đồng, Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Nghệ An, Tây Nguyên, Quảng Trị... Trong đó, Lâm Đồng và Lào Cai là 2 khu vực có điều kiện khí hậu và môi trường sống thích hợp hơn cho sự phát triển của loài thạch tùng răng cưa so với các khu vực khác trong cả nước.
Thạch tùng răng cưa nuôi cấy mô. Ảnh: LÊ THỊ LAN ANH
Cây thạch tùng răng cưa trong tự nhiên hiện đang được săn lùng và tận thu do có chứa huperzine A (HupA) có tác dụng trong việc chữa trị các bệnh về trí nhớ, đặc biệt là bệnh Alzheimer ở người già. HupA là một lycopodium alkaloit có nguồn gốc từ loài thạch tùng răng cưa; HupA thương mại vẫn chủ yếu được chiết xuất từ toàn bộ lá của loài thạch tùng răng cưa.
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, số lượng người có vấn đề về suy giảm trí nhớ nói chung, người mắc bệnh Alzheimer nói riêng đang ngày một tăng cao, nhu cầu về thuốc thảo dược có chứa hoạt chất HupA vì thế không ngừng tăng, đây có thể là nguyên nhân chính dẫn đến việc khai thác quá mức làm suy giảm nghiêm trọng nguồn gien loài cây dược liệu quý này trong tự nhiên.
Trong năm 2013 và 2016, nghiên cứu định danh tại hiện trường đã xác định được chỉ còn khoảng 100 - 300 cá thể tại các khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam, bao gồm: Vườn Quốc gia Hoàng Liên (tỉnh Lào Cai), Vườn Quốc gia Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Khu Bảo tồn quốc gia Ngọc Linh (giữa tỉnh Quảng Nam và Kon Tum) và Vườn Quốc gia Bidoup (tỉnh Lâm Đồng).
Thạch tùng răng cưa có đặc tính sinh trưởng chậm, khả năng sinh sản kém, lại do mức khai thác nguồn cây tự nhiên quá lớn đã làm mất dần nguồn gien quý này ở nước ta, dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu về nguồn nguyên liệu cho sản xuất dược phẩm trong nước.
Nhân giống bằng nuôi cấy mô
Cây thạch tùng răng cưa sinh trưởng tốt trong rừng với đất mùn ẩm ướt, ở độ cao 350 - 1.700 m (so với mực nước biển), lượng mưa trên 1.500 mm/năm, độ ẩm trên 78%; phân bố tập trung ở những khu vực có độ ẩm cao, thường theo đám nhỏ tại những điểm bằng phẳng cục bộ trong rừng. Biết được đặc điểm sinh trưởng và phát triển của loài này, chúng ta sẽ có những kiến thức cần thiết để canh tác cây dược liệu này tốt hơn, phát triển vùng trồng dược liệu thuận lợi hơn.
Thạch tùng răng cưa mọc trong tự nhiên. Ảnh: TƯ LIỆU
Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về nhân giống thạch tùng răng cưa bằng hình thức giâm hom thân và nuôi cấy mô, nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gien loài cây này.
Tuy nhiên, với phương pháp giâm hom, phải cần một lượng lớn mẫu cây mẹ mới cho ra được một lượng lớn cây con; trong khi đó, số lượng cá thể trong tự nhiên chỉ còn chưa đến 1.000 cây. Bằng tiến bộ khoa học, phương pháp nuôi cấy mô đã cải thiện được vấn đề này; từ một mẫu ban đầu, qua các bước nhân nhanh và tạo cây hoàn chỉnh với hệ số nhân từ 5 - 10, trong thời gian ngắn, ta có thể cho ra được hàng ngàn cây giống có chất lượng, bảo đảm cung cấp cho các vùng chuyên canh cây dược liệu.
Do cây phát triển tốt trong môi trường bóng mờ, ẩm ướt, đất có nguồn chất hữu cơ phong phú, độ mùn cao nên cần có những biện pháp canh tác đất phù hợp, cải tạo đất trồng, đồng thời tăng độ phủ bóng và độ ẩm nơi trồng để tạo điều kiện thích hợp nhất cho cây phát triển.
Nắm được những điểm mấu chốt này, việc sở hữu một khu vườn tràn ngập thạch tùng răng cưa sẽ nằm trong tầm tay của các nhà trồng thông minh.
Giá trị cao, nguồn cung hiếm
Hiện nay, thạch tùng răng cưa đang được săn lùng ráo riết trên thị trường cây dược liệu, song nguồn cung gần như không có, do số lượng ngoài tự nhiên rất khan hiếm. Giá bán cây tươi trên thị trường hiện dao động trong khoảng 3-5 triệu đồng/kg. Với sự khan hiếm ngày càng nghiêm trọng của loại cây này ngoài tự nhiên, giá dược liệu này sẽ còn bị đẩy đi khá xa trong tương lai, nhất là khi các thương lái của thị trường Trung Quốc luôn lùng mua sạch bất cứ nơi nào xuất hiện. Trồng cây dược liệu nói chung, cây thạch tùng răng cưa nói riêng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.