Theo chương trình làm việc, chiều nay, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Được bán nợ xấu dưới giá trị sổ sách
Một trong những điểm đáng lưu ý được quy định tại Điều 5 dự thảo Nghị quyết. Theo đó, dự thảo Nghị quyết yêu cầu phải bảo đảm phản ánh giá trị thị trường tại thời điểm xử lý, giá đó có thể cao hoặc thấp hơn giá trị của khoản nợ trước đây.
Thực tế, do biến động của thị trường, giá bán khoản nợ, tài sản bảo đảm thực tế có thể thấp giá trị sổ sách của khoản nợ.
Quy định này nhằm khẳng định rõ ràng trách nhiệm của người bán theo hướng nếu bán theo đúng quy định pháp luật, kể cả việc bán thấp hơn giá ghi số thì người bán không phải chịu trách nhiệm. Người gây ra hậu quả dẫn đến nợ xấu vẫn phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật có liên quan.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng (Ảnh: MH)
Pháp luật hiện hành (Nghị định 53/2013/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung Nghị định này, Thông tư 19/2013/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung Thông tư này và Thông tư 09/2015/TT-NHNN) cho phép bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường.
Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về quyền bán nợ xấu thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ xấu. Do đó, để đảm bảo hiệu quả việc xử lý nợ, dự thảo Nghị quyết quy định: TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC được bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường, kể cả việc bán nợ xấu với giá thấp hơn giá trị sổ sách của khoản nợ.
Thêm đối tượng được mua nợ xấu
Điều 6 dự thảo Nghị quyết cho phép VAMC được mua các khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro đang hạch toán ngoài bảng và chuyển đổi các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua theo giá trị thị trường.
Điều này giúp các TCTD giảm được số nợ xấu bán cho VAMC bằng trái phiếu đặc biệt để xử lý dứt điểm nợ xấu và cải thiện chất lượng tài sản của TCTD; Chất lượng tài sản của TCTD được cải thiện một cách bền vững hơn.
TCTD bán nợ theo giá trị thị trường thu được nợ bằng tiền mặt để phục vụ cho việc mở rộng đầu tư, tín dụng mới; giải phóng vốn bị đọng trong các khoản nợ xấu, giảm chi phí cơ hội và cải thiện khả năng sinh lời của TCTD.
Khi bán được các khoản nợ xấu đang hạch toán ngoài bảng, các TCTD sẽ có thêm thu nhập bất thường và nâng cao khả năng: trích lập dự phòng rủi ro đối với tổn thất do chuyển các khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua theo giá trị thị trường và trích lập dự phòng cho việc xử lý các khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng, tạo động lực khuyến khích các TCTD bán nợ xấu theo giá trị thị trường.
Đồng thời, việc cho phép chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua bán theo giá trị thị trường sẽ giúp tạo lập thị trường mua bán nợ theo giá thị trường, bảo đảm nguyên tắc thị trường trong xử lý nợ xấu.
Kinh nghiệm của Malaysia, Hàn Quốc... cho thấy, các nước chỉ đặt vấn đề xử lý nợ xấu mà không có phân biệt nợ xấu “đang hạch toán trong bảng hay ngoài bảng trên bảng cân đối kế toán của TCTD”, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.
Dự thảo Nghị quyết cũng mở rộng đối tượng mua bán nợ là các tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho các tổ chức, cá nhân bao gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.
Theo quy định hiện tại thì VAMC được mua nợ xấu của các TCTD, nhưng không thể bán được nợ cho bên thứ ba (ngoài DATC, AMC của các TCTD) nếu bên thứ ba không có đăng ký kinh doanh về ngành nghề mua bán nợ.
Trong khi đó các TCTD bán nợ không bị giới hạn này (TCTD được bán nợ cho các tổ chức khác, cá nhân không kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ).
“Điều này ảnh hưởng đến mục tiêu xử lý nhanh nợ xấu, do đó, cần thiết phải có quy định để mở rộng đối tượng được mua nợ xấu của VAMC bao gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng mua, bán nợ. Malaysia, Hàn Quốc... không giới hạn đối tượng được mua nợ xấu của TCTD và công ty xử lý nợ”, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết tính đến 31.12.2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế; nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ này sẽ là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.