Thú chơi lồng chim tiền tỉ và những điều chưa biết

Trương Phi (Dòng đời) Thứ tư, ngày 19/11/2014 08:00 AM (GMT+7)
Những chú chim quý hiếm có thể đạt giá trăm triệu, thậm chí bạc tỉ. Và người chơi chim cũng đồng thời phải chú trọng vào lồng chim cho đồng giá trị. Và có khá nhiều câu chuyện xung quanh những người yêu lồng chim, làm lồng chim mà không phải ai cũng biết.
Bình luận 0

Một chiếc lồng chim quý hiếm, tinh xảo, giá trị có thể đạt 700-800 triệu đồng là chuyện bình thường. Bất kỳ thú chơi nào cũng lắm công phu và đôi khi đắt giá một cách khó hiểu.

Lồng chim “thượng vàng hạ cám”

Đã có khá nhiều câu chuyện về thú chơi lồng chim tốn kém ở Hà Nội hay TP. HCM được đưa lên mặt báo. Nhưng có lẽ ít người hình dung ra nó đắt ở điểm nào, và một chiếc lồng chim bình thường thì giá cả ra sao, dựa vào đâu để định giá.

img 

Những chiếc lồng chạm trổ kỳ công, hàng nhập khẩu hay khảm ngọc/ngà voi sẽ luôn đắt tiền hơn nhóm còn lại. Tuy vậy, ai cũng hiểu mức giá hàng trăm triệu đồng ấy chủ yếu đắt ở nguyên liệu (ngọc, ngà voi). Một chiếc lồng chim trông bình thường cũng sẽ chênh lệch nhau từ vài triệu đến vài chục triệu đồng theo cách riêng nó.

Anh M.Q, bắt đầu chú ý đến việc nghiên cứu lồng chim từ năm 2007 cho biết: “Hầu hết lồng chim quý hiếm hay không sẽ dựa vào xuất xứ của nó, không kể ngọc ngà vì đó là chi tiết mình thêm vào thì nó đắt thôi. Còn để so sánh hai chiếc lồng được làm ra theo cách bình thường với nhau, thì khâu chạm khắc, nguyên liệu và cả cái tiếng của người làm lồng sẽ quyết định”.


Cầm trên tay chiếc lồng chim trị giá 16 triệu, anh M.Q nói rằng chiếc lồng “trung bình” này có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong giới chơi chim, người ta tìm cách săn hàng nước ngoài, đa phần là từ Trung Quốc vì nó chất lượng cao và được sản xuất theo dây chuyền công nghệ nên rất đẹp, đều.

Đến thăm anh Đ.A, chủ một cửa tiệm bán lồng chim nho nhỏ ở Thanh Đa – Bình Thạnh, TP.HCM, anh cho biết giá trị lồng chim không kể các vật liệu quý đính kèm cũng rất đa dạng. “Cửa hàng của tôi chủ yếu trưng bày lồng chim phổ thông, khi nào có người yêu cầu cụ thể việc đính ngà, đính ngọc thì sẽ lấy hàng về” – anh Đ.A nói. “Lồng chim bình thường tại đây giá thấp nhất là 2 triệu rưỡi/chiếc, cao nhất là 24 triệu. Tùy kích cỡ và vật liệu thì lồng có giá khác nhau, nhưng chưa chắc lồng càng to thì càng đắt. Nếu là lồng cu gáy nho nhỏ hoặc lồng chim làm từ nan, tre bình thường thì vài trăm ngàn cũng có”.

Làm giàu từ chiếc lồng chim

Lẽ dĩ nhiên khi có người bỏ ra vài chục, vài trăm triệu cho một chiếc lồng chim, người bán sẽ có thể làm giàu từ kinh doanh phục vụ thú chơi này.

img 
Anh Đ.A cũng một trường hợp thú vị về chuyện kinh doanh lồng chim. Vào TP.HCM từ năm 2005, anh Đ.A mê chơi chim từ nhỏ, nhưng chỉ thực sự “chuyên nghiệp” trong giai đoạn 2007-08, khi TP.HCM rộ mốt chơi chim và thi thố với nhau.

Kinh nghiệm về việc chăm sóc chim cảnh, sửa sang lồng chim đã đưa anh Đ.A nghĩ đến một phương án táo bạo của một người Nghệ An vào Nam lập nghiệp: Bỏ sang kinh doanh từ thú chơi của mình thay vì sử dụng tấm bằng Xây dựng của mình.

Anh Đ.A kể: “Cũng vì đam mê, rồi tự tìm tòi, tự sửa lồng, nghĩ cách chế ra những dụng cụ trang trí lồng... tôi bắt đầu kinh doanh. Ngoài công việc tu bổ lồng chim cho khách, bán dụng cụ, thức ăn, tôi nhận đặt lồng chim theo nhu cầu của khách”.

Những người mở cửa hàng và bán theo kiểu trung gian như anh Đ.A ít thì mỗi tháng 7-8 chiếc, nhiều thì đều đặn mỗi ngày một hoặc vài đơn hàng, vì “nhu cầu lồng chim xem vậy lại khá cao”, theo cách Đ.A nói.

Điểm đặc biệt trong nghề bán lồng chim kiểu này, là một chiếc lồng sẽ được bán ra với giá thường gấp đôi lúc lấy hàng về. Anh X.H, chủ một cửa hàng ở Q5, TP. HCM tiết lộ: “Như chiếc lồng này tôi bán 4 triệu 600 ngàn, nhưng lúc lấy vào chỉ tầm 2 triệu 700 ngàn đến 3 triệu. 

Đặc biệt nếu khách hàng yêu cầu càng nhiều chi tiết nhỏ như ngọc làm lót đế, khay ăn bằng sứ hay khảm ngà cho cửa lồng... giá trị ảo có thể tăng hơn nữa đi kèm với chi phí nguyên liệu, như một kiểu lấy thêm tiền công vậy”.
Đấy là cách bán của đại lý, đối với những nghệ nhân, người trực tiếp làm ra sản phẩm lồng chim thì số tiền thu vào cũng không nhỏ.
img 
Tại Biên Hòa có phường Tân Biên, nổi tiếng sản xuất lồng chim, những nghệ nhân như anh Tuyền, chú Thu hay chú Cẩn rất có danh trong giới. Thông thường họ mất khoảng 3-5 ngày để xong một sản phẩm tùy kích cỡ hay độ khó. Với số lượng và giá trị đơn hàng, họ có thể kiếm 50-60 triệu đồng/tháng. Nguyên liệu cần thiết chỉ là tre, nan, còn máy mài hay máy đục thì đa phần tự chế và chi phí không cao. Lấy ví dụ một ống tre nhập từ Trung Quốc với độ dài từ 0,8 đến 1 mét, sẽ có giá 500 ngàn đồng, nhưng từ đó có thể chẻ ra được vài chục bản tre để uốn tạo khuôn.

Như vậy từ những nghệ nhân khéo léo, tỉ mỉ cho đến các đại lý dẫn mối trong thành phố, mỗi tháng đều có thể kiếm vài chục triệu từ thú chơi lồng chim. Tất nhiên đấy chỉ là con số nhỏ, không kể các phi vụ bạc trăm triệu thường “lâu lâu mới có” như cách nói của anh X.H. 
Lồng chim Trung Quốc đang lấn át

Mặc dù xuất hiện nhiều làng nghề, khu vực chuyên sản xuất lồng chim, Việt Nam vẫn đang đi sau Trung Quốc trong ảnh hưởng tại thị trường này. Anh Đ.A cho biết, giữa hai chiếc lồng chim tựa nhau, thì lồng Trung Quốc luôn có giá đắt hơn ít nhất 1 triệu đồng. Nguyên nhân ngoài chi phí vận chuyển, lồng Trung Quốc còn được đánh giá cao hơn ở độ bền và độ chính xác trong từng chi tiết.

“Lồng Trung Quốc làm bằng dây truyền sản xuất, kiểu công nghiệp nên cứ nhìn sơ qua là biết ngay sự khác biệt. Lồng Trung Quốc sẽ chính xác hơn ở các nan cong, các chi tiết, mối nối. Ngoài ra thì chất liệu tre Trung Quốc cũng chắc, bền hơn tre Việt Nam”, anh Đ.A nói. Công đoạn để làm ra một chiếc lồng chim quan trọng nhất là lúc uốn khuôn tre và uốn nan. Tre tươi sau khi được chẻ ra thành nhiều bản mỏng, sẽ được nung khoảng 5-6 tiếng cho đến lúc có độ dẻo. Sau đó, các bản tre dẻo sẽ được đưa vào một khung sắt để uốn lại tùy theo đường kính vòng tròn mong muốn. Trong những yêu cầu này, tre Trung Quốc thường chắc hơn, ống dài hơn nên dễ dàng đáp ứng hơn tre Việt Nam. Ngoài ra, hiện tại những chiếc lồng đắt giá bằng gỗ đang rất được ưa chuộng, và hầu hết là xuất xứ từ Trung Quốc. Anh X.H - chủ một cửa hàng bán lồng ở Q5 cho rằng ở Việt Nam dường như anh chưa hề đặt hàng lồng gỗ trong nước, vì “Trung Quốc có công nghệ uốn gỗ, còn Việt Nam từ các xưởng nổi tiếng như làng Vác ngoài Hà Nội, phường Tân Biên ở Biên Hòa hay lồng Họa Mi ở Thủ Đức đều không có công nghệ uốn gỗ”. Những người chơi lồng chim và bán lồng chim khẳng định rằng hơn 90% lồng chim Việt Nam được làm thủ công. Điều này khiến đôi khi nhiều sản phẩm ra đời không thể nào đạt độ chính xác cao như máy móc bên Trung Quốc làm. Thường thì lồng Trung Quốc sẽ có phần sọc nan vuốt kỹ hơn, đều hơn.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem