Ba đời bảo vệ vườn chim
Về Lý Thành, từ xa chúng tôi đã nhìn thấy những cánh cò trắng lượn bay trên những ngọn cây phía chân đồi. Càng đến gần, tiếng kêu, tiếng vỗ cánh cộng hưởng của hàng ngàn con chim inh ỏi, huyên náo cả một vùng.
Nơi đây không chỉ có cò trắng mà hàng chục loài chim khác như sếu, vạc, vàng anh, sáo, yểng... cũng tụ về. Anh Giang Đống (người dẫn đường) chỉ người đàn ông đang bơi dưới đập nước bảo: "Ngân đó, anh ta đang cứu hộ cò".
|
Anh Ngân cứu hộ cò non. |
Ngân dáng người vạm vỡ da dẻ đỏ như đồng hun, bế 2 chú cò con từ dưới đập lên nói với chúng tôi: "Lúc đêm, có trận gió lớn làm mấy chú cò non này rơi ra khỏi tổ. Các anh vào nhà chơi chờ một chút, tôi đưa mấy con cò này về chỗ".
Hình như đã quen với việc làm của chủ, nên hàng ngàn con chim vẫn dạn dĩ không bay đi. Vườn chim của anh Ngân chủ yếu là tre, tràm, keo, bạch đàn lâu năm. Hàng trăm tổ chim lúc lỉu trên những cành cây, vỏ trứng, phân chim trắng cả lối đi.
Khi hỏi về lịch sử vườn chim, Ngân nói, anh từng nghe ông nội kể rằng, vào tiết bạch lộ (tháng 8.1950) đột nhiên cò ở đâu bay về đậu trắng cây ở xóm 10. Lúc đó, trẻ con, người lớn xách súng cao su, có người còn lấy đất đá để ném, thế là cò bay hết. Không ngờ chỉ ít phút sau, chúng lại quay về, rồi những chiều sau đó chúng lại về và ở lại.
Theo những bậc cao niên trong làng thì ông nội, và cha anh Ngân là những người hết lòng bảo vệ đàn chim. Những năm giáp hạt đói kém, thà ăn rau, ăn sắn trừ bữa, họ cũng không bắt cò đem bán để mua gạo. Cha truyền con nối, bây giờ đến đời anh Ngân cũng hết lòng vì đàn chim trắng. Chính vì thế mà vườn chim tồn tại đến ngày hôm nay.
Tiếng khóc chim mồ côi
Anh Ngân kể: “Từ khi ông nội mất, có nhiều người vào vườn săn bắn chim. Những tay săn chim ở nơi khác cũng kéo về bắn, chim bay loạn xạ, đêm đến họ còn soi đèn bắn và bẫy nhựa. Hồi nhỏ, nhìn họ bắn chim chết, tui khóc dữ lắm. Năm 10 tuổi, tui dẫn theo đứa em, nhặt từng rổ đá ra vườn trực không cho họ bắn chim nữa”.
Đến khi lớn lên và lấy vợ sinh con cũng thế, Ngân kiên quyết bảo vệ bầy chim. Anh lấy nhiều tấm ván dùng sơn viết lên dòng chữ "Cấm săn bắn chim" cắm xung quanh vườn. Ngân đi từng nhà có trẻ con khuyên các cháu và nói với phụ huynh nhắc nhở con em họ không dùng súng cao su bắn chim. Anh đến cả trường học để nhờ nhà trường tuyên truyền về việc bảo vệ đàn chim là bảo vệ môi trường.
Đêm đó, Ngân mời chúng tôi ở lại nghe tiếng khóc của chim non. Khi không khí của miền quê đã chìm vào giấc ngủ, chúng tôi bắt đầu nghe nhiều tiếng chim non kêu, tiếng kêu chíp chíp lúc yếu ớt, lúc dồn dập xé trong đêm.
Ngân trầm buồn: "Ngày nay ở Nghệ An, huyện, xã nào cũng có người bẫy cò để bán. Tiếng cò kêu mà anh đang nghe là tiếng khóc của những con chim non mất bố, mẹ. Nghe chim non khóc vì đói, mất bố mẹ mà nhiều đêm tôi không ngủ được”.
Những khi mưa to gió lớn, Ngân lại soi đèn, mò mẫm trong đêm, lội xuống khe, đập để cứu hộ những chú cò non rơi khỏi tổ. Những con nào bị thương, anh đưa vào nhà đắp thuốc băng bó rồi sáng mai trèo lên đặt vào tổ. Tự bao giờ, Ngân trở thành người hộ vệ và là vị bác sĩ đầy trách nhiệm với đàn chim.
Có lẽ gắn bó và yêu thương đàn chim nên hơn nửa thế kỷ qua - như đến hẹn lại lên, cứ đến cữ 15-20.3 âm lịch là từng đàn cò trắng rủ nhau về vườn nhà anh Ngân trú ngụ và làm tổ cho đến tháng 9 mới tạm chia tay anh để đi tránh rét.
Hiện nay anh Ngân đang trồng thêm tràm, keo để tạo điều kiện thuận lợi cho bầy chim trú ngụ và làm tổ nhiều hơn. Tất cả việc anh làm như một duyên nợ với bầy chim trắng mà không hề có một khoản thu nhập nào.
Việc anh làm không những bảo vệ môi sinh môi trường mà còn là tấm gương giáo dục cho thế hệ trẻ về lòng nhân ái và tình yêu thiên nhiên; làm đẹp thêm cảnh quan vùng đất quê lúa nổi tiếng là địa linh nhân kiệt này. Nay vườn của anh Ngân không những chỉ có cò trắng mà nhiều loại chim khác cũng kéo nhau về làm tổ.
Mảnh đất lành và tấm lòng của anh đã trở thành mái ấm thân thiết cho các loài chim; con người anh như giao hoà với thiên nhiên tạo nên vườn chim sinh thái duy nhất ở xứ Nghệ.
Tiến Dũng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.