Thu hồi cuốn sách liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo Việt Nam - Trung Quốc

Thanh Hà Thứ tư, ngày 27/05/2015 15:20 PM (GMT+7)
Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin- Truyền thông) vừa ký công văn chính thức thu hồi triệt để cuốn sách “Đạo mộ bút ký” của tác giả Nam Phái Tam Thúc (Trung Quốc).
Bình luận 0

Trong công văn 2972/CXBIPH-QLXB ký ngày 22.5.2015, Cục Xuất bản gửi Sở Thông tin- Truyền thông các tỉnh, thành phố, yêu cầu phối hợp, kiểm tra rà soát và thu hồi triệt để cuốn sách "Đạo mộ bút ký" ngoài bìa ghi NXB Thời Đại và công ty Bách Việt ấn hành) vì phát hành bất hợp pháp.

img

Cuốn sách gây tranh cãi khi bị cho là “chứa một số chi tiết liên quan đến tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc”.

Nội dung công văn ghi rõ: Cuốn sách “Đạo mộ bút ký” của NXB Thời Đại có chi tiết các nhân vật người Trung Quốc đi tìm mộ cổ qua “đảo Tiên Nữ” (trùng với tên đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và “cụm đảo Thất Liên” (tên Trung Quốc đặt cho 7 đảo thuộc nhóm An Vĩnh, ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).

Cụ thể tại trang 267 có chi tiết: “Kế hoạch của bọn họ là bắt đầu tìm kiếm từ khu vực đảo Tiên Nữ ở gần nhất, rồi đến đảo Hà Giải bổ sung vật tư, tiếp đến ba khu vực ở cụm đảo Thất Liên, giữa đường chỉ được phép dừng lại không quá nửa giờ”.

Cũng theo công văn, trước đó, ngày 21.5.2015, NXB Thời Đại có báo cáo gửi Cục Xuất bản và khẳng định cuốn sách "Đạo mộ bút ký" được báo chí phản ánh -  là cuốn sách bất hợp pháp do Công ty cổ phần sách Bách Việt tự ý in ấn và phát hành. NXB yêu cầu Công ty Bách Việt thu hồi cuốn sách nói trên.

Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, Đạo mộ bút ký không phải trường hợp hy hữu trong việc các nhà văn Trung Quốc lồng các quan điểm về cương vực, lãnh thổ vào các tác phẩm văn học của mình. Các tác phẩm khuếch trương sự bành trướng trong lịch sử của Trung Quốc tới các quốc gia khác, vùng lãnh thổ khác (không chỉ riêng Việt Nam) xuất hiện nhiều trong văn học quốc gia này. “Và dù có đổi tên các đảo, Đạo mộ bút ký vẫn phần nào gửi gắm thông điệp sai trái về sự xuất hiện sớm và hiện diện liên tục của người Trung Quốc tại biển Đông”, nhà nghiên cứu khẳng định.
Nhà văn Trang Hạ, dịch giả chuyên về tiếng Trung, cho hay: Ở trường hợp Đạo mộ bút ký, tôi cho rằng biên tập viên của bản dịch tiếng Việt quá yếu kém, thậm chí còn không có cơ hội sửa sai. Bởi, tác phẩm này đầy tư tưởng Đại Hán. Dù bản dịch tiếng Việt khi phát hành đã đổi tên các đảo, quần đảo thì vẫn không thay đổi được bản sắc và ý nghĩa của tác phẩm. Và, tinh thần tác phẩm vẫn làm tổn thương nhận thức về chủ quyền dân tộc của người Việt Nam. - Theo Thể thao & Văn hóa

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem