Thu hút khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam: Bài học từ quốc tế

Thứ năm, ngày 05/01/2023 06:33 AM (GMT+7)
Sau dịch Covid-19, ngành Du lịch đã có sự phục hồi mạnh mẽ ở mảng nội địa, nhưng du lịch quốc tế vẫn chưa được như mong muốn.
Bình luận 0
Thu hút khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam: Bài học từ quốc tế - Ảnh 1.

Đổi mới công tác quảng bá, xúc tiến để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam

Nhiều chuyên gia đã chỉ rõ những vướng mắc, khó khăn và đề xuất giải pháp cụ thể để thu hút khách quốc tế tới Việt Nam.

Tốc độ khôi phục du lịch quốc tế của Việt Nam còn thấp

Bàn về việc tháo gỡ những khó khăn để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng: “Nhận diện rõ các điểm nghẽn, thực trạng trong thu hút khách du lịch quốc tế và đưa ra các giải pháp khắc phục là rất cần thiết trong thời điểm hiện nay. Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế, Bộ VHTTDL đã ngay lập tức vào cuộc, chỉ đạo báo Văn Hóa tổ chức Hội thảo Hợp tác Hàng không - du lịch: Kết nối điểm đến toàn cầu. Đây là động thái rất tích cực của ngành”.

Theo ông Lực, sự phục hồi du lịch diễn ra chưa đồng đều giữa các địa phương trong nước. Ví dụ như Đà Nẵng, vốn là một trong những trung tâm du lịch lớn của nước ta nhưng phục hồi yếu; nội địa mới chỉ đạt 50%, du lịch quốc tế chỉ đạt 17% so với trước dịch.

Hiện nay, du lịch toàn cầu đang phục hồi ở mức 30% so với trước khi dịch bệnh xuất hiện, châu Á - Thái Bình Dương trên 30%, Đông Nam Á khoảng 47%, trong khi đó, Việt Nam chỉ được có gần 20%, thấp hơn mức phục hồi chung của thế giới và khu vực.

Mổ xẻ nguyên nhân, làm rõ những mặt được và chưa được, ông Lực cho rằng, mặc dù mở cửa sớm nhưng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn ít, sản phẩm du lịch chưa đổi mới, sáng tạo; chuyển đổi số, phát triển du lịch bền vững còn chậm; truyền thông, quảng bá còn hạn chế... Về khách quan, phát triển hạ tầng du lịch chưa được quan tâm ưu tiên đầu tư thích đáng; du lịch có mối liên kết với nhiều ngành kinh tế, địa phương nhưng lại chưa có tổ chức quản lý phát triển liên ngành, liên kết vùng để tăng tính lan tỏa, phối hợp; chính sách visa thiếu cạnh tranh; tổng thu du lịch phụ thuộc phần lớn vào khách quốc tế…

“Thế giới đang đo lường bằng chỉ số doanh thu và GDP của lĩnh vực du lịch, đi lại vì hai lĩnh vực này liên quan chặt chẽ với nhau. Mức đóng góp chung của du lịch với nền kinh tế thế giới là 10,3% GDP; tạo ra khoảng 11% việc làm toàn cầu. 

Tuy nhiên, hệ số lan tỏa của ngành Du lịch là rất lớn, gấp tới 1,5-3,5 lần. Ở Việt Nam, 2 lĩnh vực du lịch và đi lại đóng góp khoảng 9,2% GDP; giá trị kinh tế khoảng 7% và hệ số lan tỏa khoảng 1,6 lần. Đây là câu chuyện liên ngành và những con số trên chứng tỏ liên kết để phát triển của Việt Nam rất kém”, ông Cấn Văn Lực cho biết.

Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Singapore có mức độ hội nhập lớn trong khu vực, phụ thuộc nhiều vào du lịch quốc tế. Ông Lực đặt vấn đề: “Năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế nhưng doanh thu từ du lịch quốc tế là 55%, chiếm phần lớn tổng thu toàn ngành; trong khi 85 triệu lượt khách nội địa chỉ đem lại 45% tổng thu. Vậy, cần phải đa dạng hóa sản phẩm, thị trường du lịch để khai thác cân bằng, hiệu quả du lịch quốc tế và nội địa”.

Giải pháp ngắn hạn và dài hạn để thu hút khách quốc tế

Thu hút khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam: Bài học từ quốc tế - Ảnh 2.

Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) khuyến nghị phục hồi du lịch sau đại dịch cần tập trung vào việc quản lý khủng hoảng và giảm thiểu tác động. Trong đó, các quốc gia cần duy trì việc làm cho lao động tự do ngành du lịch; hỗ trợ thanh khoản doanh nghiệp, rà soát thuế, phí, quy định phù hợp; thúc đẩy phát triển kỹ năng số, xây dựng chiến lược quản lý khủng hoảng. 

Cung cấp gói kích thích và hỗ trợ phục hồi với các gói hỗ trợ để tạo thuận lợi cho việc đi lại, đảm bảo tính bền vững của môi trường du lịch… Chuẩn bị cho tương lai bằng việc đa dạng hóa sản phẩm và thị trường; đầu tư vào du lịch thông minh và chuyển đổi số; tăng cường quản trị, phát triển nguồn nhân lực và du lịch bền vững. Các khuyến nghị này được tổng kết từ thành công của các quốc gia đã phục hồi tốt du lịch sau dịch Covid-19 như Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ….

Ông Cấn Văn Lực đưa ra những gợi ý giải pháp ngắn hạn để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam như: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023. Tiếp tục mở cửa du lịch quốc tế an toàn, đặc biệt là sớm thay đổi chính sách và thủ tục cấp visa… cho phù hợp tình hình mới và tăng năng lực cạnh tranh với khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp du lịch về chương trình phát triển du lịch trong bối cảnh mới; nhất là các vấn đề liên quan đến y tế, sức khỏe, an toàn, tiện lợi… Hỗ trợ đào tạo đội ngũ quản lý, nhân viên du lịch trong bối cảnh mới. Tháo gỡ nút thắt về vốn, thanh khoản của doanh nghiệp lữ hành, lưu trú…

Giải pháp trung hạn, dài hạn tập trung vào thể chế, chính sách phát triển du lịch. Trong đó, sớm triển khai Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; cập nhật, bổ sung các định hướng, chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế cuối tháng 12.2022 vừa qua.

Hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế số, du lịch số, bao gồm cả mô hình hỗn hợp (trực tiếp và trực tuyến), du lịch không chạm, du lịch MICE… Ban hành Chiến lược chuyển đổi số ngành Du lịch đến 2030; tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

Về lâu dài, kiện toàn tổ chức, bộ máy quản lý Nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; có chính sách hỗ trợ đào tạo, phát triển nhân lực du lịch (gồm cả lịch sử, văn hóa, ngoại ngữ, kỹ năng xử lý tình huống…).

Có cơ chế, chính sách cụ thể để tăng cường liên kết vùng, ngành để giải quyết, phát triển các vấn đề chung, lan tỏa theo chuỗi giá trị. Có phương án tổng hợp, đánh giá, lượng hóa đóng góp của ngành Du lịch, đặc biệt là giá trị gia tăng, hệ số lan tỏa… trên cơ sở dữ liệu lớn của ngành.

Nội tại ngành Du lịch cũng phải có những thay đổi cho phù hợp với tình hình mới, trong đó, tạo liên kết đa dạng các sản phẩm du lịch có liên quan với nhau (du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái; du lịch chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp làm việc từ xa…). 

Tăng trải nghiệm khách hàng qua sản phẩm, chất lượng dịch vụ, nền tảng số, địa điểm du lịch, an toàn. Tích cực nghiên cứu, phân tích và dự báo nhu cầu, thị hiếu khách hàng, từ đó thiết kế và cung cấp sản phẩm chất phù hợp. Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương phù hợp với lợi thế tài nguyên du lịch và văn hóa. Đổi mới công tác tiếp thị, quảng bá du lịch phù hợp bối cảnh mới, thiết thực, hiệu quả.


THÚY HÀ (báo Văn hóa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem