“Thủ lĩnh” của bà con Khmer nghèo

Thứ năm, ngày 23/01/2014 08:32 AM (GMT+7)
Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng gần 10 năm qua, chị Kim Thị Ánh ở ấp Hòa Lạc B, xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành (Trà Vinh) luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, là “thủ lĩnh” giúp nông dân Khmer vươn lên thoát nghèo.
Bình luận 0
Chỗ dựa của dân nghèo

Đi nhiều, tiếp xúc nhiều, chị thấy chị em phụ nữ ấp mình thiệt thòi quá. Có người bị chồng đánh mỗi ngày mà không biết tâm sự với ai. Có người không có vốn mua bán phải vay nặng lãi nên cực khổ làm ra bao nhiêu bị chủ nợ lấy hết. Có người muốn chăn nuôi, cải thiện kinh tế gia đình mà chẳng có vốn… Trong khi đó, các chương trình, chính sách hỗ trợ của Chính phủ khá nhiều mà thiếu người phụ trách. Vì vậy, chị Ánh tự nhủ với lòng mình là phải làm mọi cách giúp đỡ chị em địa phương thoát cảnh cơ cực.

Chị Ánh là chỗ dựa đáng tin cậy của bà con Khmer nghèo.
Chị Ánh là chỗ dựa đáng tin cậy của bà con Khmer nghèo.

Năm 2005, được sự vận động của chị em trong Hội Phụ nữ xã nên chị Ánh đồng ý tham gia làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Hòa Lạc B. Nhiệt tình, năng nổ, không ngại khó, ngại khổ cùng với quyết tâm nên chị Ánh luôn hoàn thành nhiệm vụ của cấp trên giao.

Chỉ vào vách nhà treo đầy bằng khen, chị Ánh nói: “Mấy cái giấy khen, bằng khen này rất có giá trị tinh thần với chị, vì nó chứng minh công sức của mình bỏ ra đã mang lại hiệu quả. Thế nhưng, thành quả mà chị hài lòng nhất chính là nhiều chị em phụ nữ trong ấp tự tin hơn trong cuộc sống gia đình, cải thiện kinh tế, tăng thu nhập nhờ biết sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay của Nhà nước”.

Năm 2010, chị Ánh được vinh dự kết nạp Đảng. Đến năm 2012, chị được bà con trong ấp tin tưởng bầu chọn làm Bí thư kiêm Trưởng ấp Hòa Lạc B. Anh Lâm Tuấn, người dân ấp Hòa Lạc B cho biết: “Chị Ánh rất lo cho bà con trong ấp. Ai thắc mắc gì về chuyện trong ấp là chị có mặt, giải thích cụ thể cho mọi người. Nhờ có chị Ánh mà bà con trong ấp có cuộc sống ngày một sung túc hơn”.

Đảm việc nước, giỏi việc nhà


Trước khi làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Hòa Lạc B, gia cảnh của chị Ánh hết sức gian truân. Năm 30 tuổi chồng chị bỏ đi, một mình chị phải oằn lưng mưu sinh đủ thứ nghề để lo cho 3 đứa con nhỏ. “Đau khổ, sợ hãi nhưng các con là niềm động viên lớn nhất của tôi. Do vậy, tôi hạ quyết tâm phải nuôi các con lớn lên, phải thương yêu chúng gấp đôi để chúng không bị thiệt thòi vì thiếu cha” – chị Ánh bộc bạch.


"Chị Kim Thị Ánh rất nhiệt tình trong công tác, chăm lo tốt cho bà con nên rất được bà con trong ấp tín nhiệm”.

Ông Trần Minh Thiện - Phó Chủ tịch UBND xã Lương Hoà A

Mấy công ruộng của cha chị cho không thể đủ chi phí cho 4 mẹ con, nên chị quyết định gửi con cho ngoại rồi đi mua bán thêm. Ban đầu không có vốn, chị mua lúa chịu, chở từng bao ra nhà máy xay lúa thành gạo.

Tấm cám, chị mang về nuôi heo, gà. Gạo thành phẩm, chị bán ở chợ Cầu Xây mỗi sáng. Bán ở chợ không hết, chị đội đến từng nhà để bán cho bằng hết. Tích góp từng đồng lãi có được, chị chuyển sang mua bán lúa. Chị đến các cánh đồng, mua lúa rồi sang lại cho thương lái kiếm lời.

Nghĩ đến cuộc đời vất vả của mình, nghĩ đến tương lai các con, chị quyết không để chúng bỏ học. Chị làm lụng bất kể đêm ngày, miễn sao có đủ tiền lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Không phụ lòng của mẹ, cả 3 người con của chị Ánh giờ đã tốt nghiệp lớp 12 và ai nấy đều có việc làm ổn định.
Thanh Giang - Đức Khánh (Thanh Giang - Đức Khánh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem