Thu nhập của nông dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Thứ năm, ngày 12/01/2012 13:06 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mục tiêu giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa trước sự “nhòm ngó” của các dự án, mục đích phi nông nghiệp là một thách thức khi đa số địa phương có nhiều đất 2 vụ lúa đều nghèo và đang nóng lòng phát triển công nghiệp...
Bình luận 0

Đây là nhận xét cơ bản vừa được nhóm chuyên gia của Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam đưa ra sau khi tiến hành khảo sát tình trạng thu hồi đất nông nghiệp tại 9 xã thuộc 3 tỉnh, thành phố là Nam Định, Hải Dương, Nghệ An vào cuối tháng 12.2010.

img
Mất đất,cuộc sống nhiều hộ dân khó khăn hơn rất nhiều.

Thu hồi rồi sử dụng không hiệu quả

Kết quả khảo sát thực tế tại các địa phương của nhóm nghiên cứu cho thấy: Việc thu hồi đất nông nghiệp gây ra nhiều hệ lụy do việc thu hồi tập trung vào đất lúa, đặc biệt là các loại đất trồng lúa 2 vụ. Thực tế này đáng tiếc lại diễn ra phổ biến ở hầu hết các địa phương.

Trong số rất nhiều những loại đất bị thu hồi tại 9 xã, thị trấn của 3 tỉnh, diện tích đất trồng lúa 2 vụ chiếm tới 83,9%, nếu cộng dồn cả diện tích đất trồng lúa 1 vụ thì tỷ lệ này sẽ lên tới 98,2%. Theo điều tra, Nam Định là địa phương có tỷ lệ thu hồi đất trồng lúa 2 vụ cao nhất với 100%, ở Hải Dương cũng lên tới 96,3%, riêng Nghệ An tỷ lệ diện tích đất trồng lúa 2 vụ bị mất cho các mục đích phi nông nghiệp là 50,5%.

Báo cáo sơ bộ của nhóm nghiên cứu sau khi đặt ra câu hỏi "tại sao nhiều diện tích đất trồng lúa lại bị thu hồi cho các mục đích phi nông nghiệp?" đã có câu trả lời cho vấn đề này. Những cánh đồng đa số đều thuận tiện về giao thông, có địa hình bằng phẳng; có quy mô hàng chục tới hàng trăm ha nên hoàn toàn phù hợp với nhu cầu về diện tích cho các KCN. Đặc biệt, đất nông nghiệp được định giá thấp (theo lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp) nên lựa chọn đất trồng lúa cũng “rẻ” đối với các chi phí đền bù...

Tuy nhiên, có một thực tế khó phủ nhận khi đề cập đến hiệu quả của việc thu hồi đất. Một đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: Hầu hết các KCN đều chọn các vị trí đắc địa (với phần nhiều diện tích đất nông nghiệp có giá trị, đặc biệt là đất 2 lúa), trong khi đó tỷ lệ lấp đầy các KCN còn rất thấp (chỉ khoảng 50%). Tình trạng quy hoạch “treo” diễn ra phổ biến gây lãng phí về đất đai và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, việc làm của rất nhiều hộ nông dân.

Hơn 50% số hộ bị thu hồi đất gặp khó khăn

Chỉ có 5,5% số hộ gia đình trong tổng số các hộ gia đình được thành viên nhóm nghiên cứu hỏi, khẳng định thu nhập của gia đình hiện tại cao hơn so với trước thu hồi đất. Tới 69,1% số hộ cho rằng thu nhập hiện tại của họ thấp hơn so với trước thu hồi đất. “Rõ ràng vấn đề chuyển dịch lao động, cơ cấu việc làm của người dân sau thu hồi đất hoặc không nằm trong kế hoạch của các địa phương nơi có thu hồi đất hoặc vượt quá khả năng giải quyết của các cấp chính quyền địa phương” - báo cáo đánh giá sơ bộ viết.

Thống kê của WB, giai đoạn 2001-2005 bình quân mỗi năm cả nước có hơn 73.000ha đất nông nghiệp bị thu hồi, chủ yếu tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL. Giai đoạn 2001- 2010 có gần 1 triệu ha đất nông nghiệp được chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp.

Sau thu hồi đất, sự thay đổi dễ nhận thấy nhất của các hộ gia đình chính là thay đổi về sinh kế và các nguồn thu nhập. Thu nhập từ nông nghiệp đã giảm từ gần 100% xuống 1/3 hoặc 2/3, đồng thời cũng không còn là sinh kế chính.

Thu nhập chính của các hộ gia đình lại là thu nhập từ việc làm thuê ở bên ngoài vốn bấp bênh và chứa đựng rất nhiều rủi ro. “Những hộ nông dân sau thu hồi đất thường gặp phải khó khăn liên quan tới việc chi tiêu cho nhu cầu lương thực, thực phẩm, bởi bán rẻ mua đắt đang là nghịch lý đối với người nông dân trong chuỗi giá trị của thị trường nông sản hiện nay” - nhóm nghiên cứu cho biết.

Theo báo cáo, chỉ 8,5% người dân tại các địa phương không gặp khó khăn gì sau thu hồi đất, trong khi có 50,1% gặp khó khăn do phải tăng mức chi tiêu cho lương thực, thực phẩm - điều mà trước khi mất đất khá nhiều hộ có thể chủ động được với những mức độ khác nhau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem