Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Những ai yêu thư pháp có lẽ không còn xa lạ với cái tên Lê Thiên Lý hay Tiên sinh Lê. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông thôn ở huyện Kiến Thụy (Hải Phòng). Các hoạt động thời trẻ của ông không liên quan đến thư pháp nhưng đều gắn với nghệ thuật, văn thơ kháng chiến.
Bén duyên với thư pháp khi đã bước vào tuổi ngũ tuần trong một lần tham quan triển lãm 20 bức tranh thư pháp của cố thư pháp gia Lê Xuân Hòa (1913 - 2008) tại Hà Nội, qua 2 thập kỷ, những đóng góp của ông cho thư pháp Việt là vô cùng to lớn. Gần đây nhất, ông chính thức được xác lập kỷ lục Việt Nam với danh hiệu "Người trình diễn vũ điệu múa bút lông cỡ đại và viết chữ thư pháp khổ lớn trên sân khấu nhiều lần nhất tại Việt Nam (từ năm 2012 đến nay)".
Lật giở những tư liệu nghiên cứu của mình về nghi thức múa bút, ông Lý nói: "Nhắc đến điệu múa bút này phải nhắc đến vua Lê Thánh Tông. Từ năm 1495, ngài đã lập ra Tao Đàn nhị thập bát tú (騷壇二十八秀) hay còn gọi là Hội thơ Tao đàn, gồm 28 nhà thơ là 28 vị Tiến sĩ do chính nhà vua làm chủ súy. Khi các vị ngồi lại với nhau để làm, viết thơ, trước tiên sẽ có một nghi thức nhỏ là kính bút, chào vua bằng một điệu múa bút. Cũng từ đây, điệu múa bút ra đời mang ý nghĩa thể hiện sự tôn kính trời đất, tôn thờ vua cha và đề cao sự hiếu học.
Mỗi động tác trong điệu múa bút đều có một hàm ý riêng, đó là một điều rất ấn tượng với tôi. Khi càng hiểu sâu hơn, tôi quyết định nghệ thuật hóa nghi thức này lên để có thể mang lên trình diễn tại những sân khấu, để nhiều người hiểu sâu hơn về thư pháp, không chỉ là thưởng thức và còn là để ngẫm, mở rộng tam quan...".
Nếu như trước kia, nghi thức múa bút chỉ dùng những chiếc bút lông nhỏ thì ông Lý đã đổi sang sử dụng chiếc bút lông cỡ đại, phần chuôi gắn miếng vải đỏ tượng trưng cho đuôi của nét chữ hay sự mềm mại trong thư pháp. Động tác trong điệu múa cũng phải thể hiện từng tầng ý nghĩa như đưa bút lên cao vút là "suối cao", xoáy xuống dưới là "biển sâu", vòng sang ngang là "nhạc thánh thót"... Trong điệu múa phải bao hàm cả ngũ hành, những gì cốt lõi nhất của đất trời, người múa bút phải thổi được cái hồn thiêng, sự cung kính vào trong đó. Giờ đây, điệu múa bút thư pháp cũng như thành "thương hiệu riêng" của thư pháp gia Lê Thiên Lý.
Kỷ lục mới nhất của thư Pháp gia Lê Thiên Lý là "Người trình diễn vũ điệu múa bút lông cỡ đại và viết chữ thư pháp khổ lớn trên sân khấu nhiều lần nhất tại Việt Nam (từ năm 2012 đến nay)". Ảnh: Đào Trang
Tình yêu thư pháp của ông Lý không ngừng nghỉ bao giờ. Lúc nào ông cũng đau đáu về việc lưu giữ và bảo tồn thư pháp Việt. Càng hiểu sâu về thư pháp, ông lại càng muốn đưa thư pháp gần gũi hơn đến mọi người nhưng không làm mất đi giá trị vốn có của nghệ thuật này.
Hướng phát triển của ông trong thư pháp là tìm lối viết thư pháp Việt hoàn toàn mới để thoát khỏi lối mòn của 5 lối viết thư pháp truyền thống: Triện thư, Lễ thư, Khải thư, Thảo thư, Hành thư. Nhiều thể chữ ông áp Đỉnh thư bằng chữ Quốc ngữ (mô phỏng hình ảnh về cái đỉnh bằng chữ Quốc ngữ).
Ông Lý cho biết: "Đối với thể thư pháp này, vốn đã có từ lâu đời, đây là thể chữ rất tôn kính và trang trọng, thường được sử dụng, treo trong chùa chiền. Vua Minh Mạng từng nói: "Đỉnh (鼎) là để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại. Thực là đồ quý trọng ở nhà tôn miếu…".
Tuy nhiên, thể thư pháp này mới chỉ được viết bằng chữ Hán, nhiều người xem, thậm chí là người biết về tiếng Hán cũng đôi khi khó mà dịch được. Tôi đã nghĩ tại sao không thay bằng chữ Quốc ngữ, vẫn giữ được nét tôn nghiêm của chữ Đỉnh, vừa đề cao tầm quan trọng của chữ viết dân tộc, lại dễ hiểu và nắm bắt ý nghĩa. Vậy là cho đến giờ tôi đã có hơn mười năm nghiên cứu để cho ra thể chữ mới này".
Nhà thư pháp Lê Thiên Lý với thể thư pháp mới tên gọi Đỉnh thư. Ảnh: Đào Trang
Không có quá trình nghiên cứu nào là dễ dàng, ông Lý cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tạo hình con chữ. Khó nhất với ông là những từ ngắn, ít âm tiết, làm sao để tạo ra hình cái đỉnh hoàn thiện. Có nhiều từ ông phải nghiền ngẫm, tìm ghép đến cả tuần mới ra, tìm ra được cách tạo hình rồi, ông còn tỉ mỉ điều chỉnh cho các nét thẳng, mềm linh hoạt, cốt sao cho nhìn vào ai cũng thấy được tự nghiêm cẩn nhưng vẫn thanh thoát, tao nhã. Vậy mới thấy, cái tâm và cái tầm của thư pháp gia Lê Thiên Lý.
Đến nay, thể thư pháp mới này đã được ông đưa vào trong giảng dạy tại lớp học thư pháp miễn phí của mình. Đây cũng là một cách ông lưu giữ thư pháp. Tiếp nối thế hệ đi trước, những người học trò của ông cũng đã đạt nhiều thành tựu khi có tới 9 học viên được vinh danh là nghệ nhân làng nghề thành phố Hải Phòng, hàng trăm môn sinh đã, đang và sẽ mang nét đẹp văn hóa dân tộc lan tỏa đến khắp mọi miền trong và ngoài nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.