Từ chuyện “Chú voi con ở Bản Đôn” bị biến tấu: Xử lý xâm phạm bản quyền còn quá dễ dãi?

Hà Tùng Long Thứ sáu, ngày 12/04/2024 14:00 PM (GMT+7)
Vi phạm bản quyền trong âm nhạc, từ lâu đã trở thành câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Tuy nhiên, khi sự bùng nổ của công nghệ và môi trường số đã góp sức cho tình trạng này ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp.
Bình luận 0

Báo động về tình trạng xâm phạm bản quyền trong âm nhạc

Mới đây, chuyện bài hát nổi tiếng "Chú voi con ở Bản Đôn" của nhạc sĩ Phạm Tuyên bị biến tấu từ giọng trưởng sang giọng thứ, làm mất đi ý nghĩa gốc của bài hát… nhưng lại được lan tỏa chóng mặt đã đặt ra những vấn đề mới về vi phạm bản quyền trong âm nhạc. Theo đó, chuyện vi phạm bản quyền trong âm nhạc giờ đây không còn là việc sao chép ca từ, giai điệu, nhịp điệu… mà ở dạng thức khác đó là biến thể bài hát thành sản phẩm âm nhạc phái sinh nhưng chưa được sự cho phép của tác giả.

Từ chuyện “Chú voi con ở Bản Đôn” bị biến tấu: Xử lý xâm phạm bản quyền còn quá dễ dãi?- Ảnh 1.

Bài hát "Chú voi con ở Bản Đôn" của nhạc sĩ Phạm Tuyên bị biến thể thành một tác phẩm phái sinh. Ảnh: FBNV

Theo Văn phòng Luật sư NPLaw (Luật Ngọc Phú), tại khoản 7 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009 quy định: Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh được xem là hành vi làm phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc.

Thực tế thì chuyện biến thể bài hát thành tác phẩm phái sinh trong lịch sử âm nhạc rất phổ biến. Một số tác phẩm phái sinh nổi tiếng như: nhạc kịch "Những người khốn khổ" được chuyển soạn từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Victor Hugo, album "Classics In The Air" của Paul Mauriat chơi lại các trích đoạn cổ điển nổi tiếng theo phong cách hòa tấu hiện đại…

Chia sẻ với Dân Việt, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, trong âm nhạc cổ điển, người sáng tác dựa vào chủ đề của một tác phẩm đã có từ trước để sáng tạo ra một tác phẩm mới được gọi là biến tấu. Giới âm nhạc cổ điển coi biến tấu là một thể loại âm nhạc.

Ở Việt Nam, nhạc sĩ Trọng Bằng cũng từng có tác phẩm biến tấu "Vang mãi bản tình ca" lấy cảm hứng từ tác phẩm gốc "Tình ca" của nhạc sĩ Hoàng Việt với mục đích tưởng nhớ tác giả của một tác phẩm bất hủ. Một số tác phẩm giao hưởng – thính phòng cũng dựa trên chủ đề một ca khúc quen thuộc, chẳng hạn chủ đề ca khúc "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" của nhạc sĩ Văn Cao được khai thác để sáng tác thành một tác phẩm khí nhạc viết cho dàn nhạc giao hưởng. Có điều, khi biến tấu hay phát triển dựa trên tác phẩm gốc như thế, các tác giả cũng sẽ ghi rất rõ nguồn gốc hoặc đã có sự đồng ý của tác giả gốc.

Việc làm sản phẩm phái sinh ở làng nhạc hiện nay đang rất phổ biến và cũng rất bát nháo. Điều này càng dấy lên những báo động về tình trạng xâm phạm bản quyền trong âm nhạc. Điều đáng nói, chưa có cơ quan độc lập nào kiểm soát sản phẩm âm nhạc phái sinh và sản phẩm này cũng được bảo hộ nên lại càng có nhiều kẽ hở cho nhiều chủ thể vi phạm.

Phải dứt điểm trong xử lý vi phạm bản quyền âm nhạc

Theo Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, hiện nay, hàng loạt trang nghe nhạc trực tuyến, mạng xã hội, ứng dụng nghe nhạc… cho đăng tải rất nhiều sản phẩm âm nhạc thuộc thể loại nhạc chế, nhạc phái sinh. Điều này khiến cho việc bảo vệ bản quyền âm trên không gian mạng càng trở nên phức tạp. Đáng nói là các trang mạng này đang tạo điều kiện cho các chủ thể vi phạm nghiêm trọng các quy định về bản quyền âm nhạc đã được quy định rất rõ trong Luật Sở hữu trí tuệ.

Từ chuyện “Chú voi con ở Bản Đôn” bị biến tấu: Xử lý xâm phạm bản quyền còn quá dễ dãi?- Ảnh 3.

Vi phạm bản quyền trong âm nhạc đang ngày càng tinh vi, phức tạp. Ảnh: SGGP

NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ với Dân Việt rằng, môi trường số hiện nay đang bị lợi dụng để việc xâm phạm bản quyền tác giả diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp. Và việc xử lý các vấn đề này vẫn chưa triệt để, dứt khoát... thậm chí còn hơi dễ dãi dẫn đến tình trạng vi phạm chưa dừng lại. 

Khoản 2 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi 2009 nhấn mạnh, tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ quyền tác giả nếu không gây phương hại đến quyền tác giả. Đặc biệt đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.

Sự ra đời của tác phẩm phái sinh không được gây tổn hại đến quyền lợi của tác giả tác phẩm gốc. Bao gồm cả quyền tài sản và quyền nhân thân.

"Tự sửa chữa, cắt xén tác phẩm gốc mà không xin phép tác giả là vi phạm bản quyền âm nhạc. Điều đáng nói là những sản phẩm này lại có rất đông người nghe và lan truyền rất mạnh trên mạng xã hội. Việc này làm phương hại đến tác giả và tác phẩm. Tôi thấy, bây giờ người ta dễ dàng lấy tác phẩm gốc để chế lại, biến tấu thành sản phẩm khác mà tác giả đành bất lực đứng. Tuy nhiên, thực tế là chúng ta vẫn chưa tìm ra được giải pháp nào thật sự hiệu quả bởi xử lý được vụ này lại tòi ra vụ khác. Vi phạm vụ sau tinh vi hơn vi phạm vụ trước. Đôi khi có cảm giác như việc xử phạt vi phạm bản quyền còn quá dễ dãi, qua loa... nên không tạo được sự nghiêm minh", NSND Phạm Ngọc Khôi nói.

NSND Phạm Ngọc Khôi cũng nói thêm rằng, để có thể xử lý được tình trạng này cần phải có những quy định rất chặt chẽ và nhiều giải pháp đồng bộ. Các quy định này phải được cập nhật thường xuyên trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để bắt kịp sự thay đổi của thực tiễn. 

Ngoài ra, hiện nay, công nghệ ngày càng phát triển, nhất là trí tuệ nhân tạo đã giúp cho việc phát hiện những vi phạm bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc dễ dàng hơn nên cần phải được đầu tư, áp dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh xử lý theo khía cạnh pháp lý thông qua Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam hoặc các đối tác để xử lý dứt điểm đối với các vụ việc có mức độ nghiêm trọng.

Đại diện Văn phòng Luật sư NPLaw (Luật Ngọc Phú) cho rằng, theo quy định tại Điều 20 Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ, cụ thể tại khoản 2 quy định như sau: "Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, các điều 25, 25a, 26, 32 và 33 của Luật này. 

Trường hợp làm tác phẩm phái sinh mà ảnh hưởng đến quyền nhân thân quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật này còn phải được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả". 

Do đó, cá nhân hoặc tổ chức muốn làm phái sinh tác phẩm phải được sự đồng ý của tác giả. Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, hành vi xâm phạm quyền làm tác phẩm phái sinh sẽ bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số đối với hành vi vi phạm.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, mức phạt quy định tại Điều 12 Nghị định 131/2013/NĐ-CP là mức phạt đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm, khung phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần khung phạt tiền đối với cá nhân. Do đó, tổ chức có hành vi xâm phạm quyền làm tác phẩm phái sinh sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem