Thu phí là công cụ hữu hiệu để kiểm soát vỉa hè và xoá sổ “luật ngầm”

Chinh Hoàng Thứ năm, ngày 03/08/2023 16:33 PM (GMT+7)
Nếu không có gì thay đổi thì từ 1/9 tới đây, TP.HCM sẽ áp dụng thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường. Một phần lòng đường, vỉa hè ở những vị trí đủ điều kiện tại TP.HCM sẽ được cho thuê làm điểm giữ xe, kinh doanh, tổ chức các hoạt động văn hóa...
Bình luận 0

Quyết định về quản lý, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường ký ngày 26/7, thay thế các nội dung cũ thuộc Quyết định số 74 đã áp dụng 15 năm qua.

Quyết định mới chưa nêu mức phí cụ thể cho các trường hợp sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè. Sở Giao thông Vận tải sẽ phối hợp các bên liên quan xây dựng, báo cáo UBND TP trước khi trình HĐND quyết định.

Thu phí là công cụ hữu hiệu để kiểm soát vỉa hè và xoá sổ “luật ngầm” - Ảnh 1.

Nhiều khu ở TP.HCM lấn chiếm lòng lề đường, làm chợ để buôn bán. Ảnh: Chinh Hoàng

Theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải, mức phí dự kiến áp dụng theo 5 khu vực, dựa trên giá đất bình quân. Trong đó, mức phí thuê lòng đường và vỉa hè mỗi m2 để giữ xe là 50.000 - 350.000 đồng một tháng. Giá thuê 20.000 - 100.000 đồng/m2 cho hoạt động khác.

Dự kiến mỗi năm nguồn thu phí dùng tạm lòng đường, vỉa hè khoảng 1.522 tỷ đồng, được nộp vào ngân sách để duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố. Việc thu và đóng phí được thực hiện theo các quy định về Luật Phí và lệ phí.

Thu phí là công cụ hữu hiệu để kiểm soát vỉa hè và xoá sổ “luật ngầm” - Ảnh 2.

Bãi giữ xe tại bệnh viện Đại học Y Dược lấn ra đến mặt đường. Ảnh: Quang Sung

TP.HCM đang có hơn 4.800 tuyến đường rộng từ 5 m trở lên, trong đó có gần 2.600 tuyến không có vỉa hè. Tình trạng mua bán, họp chợ tự phát trên vỉa hè, dưới lòng đường diễn ra phổ biến, ảnh hưởng giao thông, mỹ quan đô thị. 

Thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường ở TP.HCM là một quyết định cần được dư luận và người dân ủng hộ, thậm chí phải giục triển khai nhanh.

Bởi thực tế, theo ông Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM, nhiều nước trên thế giới đã làm điều này từ hàng chục năm trước. Cụ thể như Singapore, Philippines, Malaysia, Thái Lan đã thu từ cách đây 15 - 20 năm. Và đến thời điểm này, việc thu phí ở các nước này đã đi vào quỹ đạo và là công cụ quản lý vỉa hè, lòng đường rất tốt.

Ví như ở Thái Lan, người ta kẻ những ô vuông, rộng 1,6 m x 2,4 m đủ để một xe trái cây hoặc một xe bán quán ăn. Ai muốn bán và bán bao nhiêu tiếng trong ngày hay bán cả ngày đều phải đăng ký và trả một số tiền tương ứng.

Thực tế ở TP.HCM, mặc dù đến thời điểm này, thành phố mới tính đến chuyện thu phí người sử dụng vỉa hè, lòng đường. Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Minh Hoà thì lâu nay, người sử dụng vỉa hè, lòng đường vẫn phải đóng phí theo "luật ngầm".

"Luật ngầm" cũng có rất nhiều luật. Mà dễ thấy nhất là những cá nhân hoặc nhóm người đứng ra tự khoanh vùng thu phí trên lòng đường để giữ xe và vô tư "ăn chặn" của người dân từng bị báo chí phanh phui trong thời gian qua. Dĩ nhiên số tiền thu được bằng "luật ngầm" sẽ không về ngân sách thành phố mà đã chảy vào túi của một người hoặc nhóm người nào đó. Đây là điều rất phi lý.

Thu phí là công cụ hữu hiệu để kiểm soát vỉa hè và xoá sổ “luật ngầm” - Ảnh 4.

Đường 2/9 (phường 8, TP.Vũng Tàu) có vạch kẻ nhằm phục vụ việc thu phí đậu xe dưới lòng đường. Ảnh: Báo BRVT

Nếu việc thu phí được triển khai, TP.HCM sẽ có thêm nguồn bổ sung ngân sách. Tuy nhiên, mục tiêu khác còn quan trọng hơn cả ngân sách là tạo ra công cụ hữu hiệu để ổn định trật tự vỉa hè, lòng đường cũng như những tồn tại phi lý lâu nay làm thành phố "mang tiếng". Thành phố chắc chắn sẽ bớt nhốn nháo khi người dân vừa buôn bán vừa lo canh chừng lực lượng chức năng đến dẹp đuổi như trước đây.

Tất nhiên để làm tốt, quy củ như các nước đã làm thì TP.HCM cũng cần học tập các quy trình triển khai liên quan đến điều tra xã hội học, rồi thí điểm từng phần để rút kinh nghiệm.

Một vấn đề khác không thể không nhắc tới là cần phải đảm bảo sự công bằng và minh bạch. Mức phí nơi nào, bao nhiêu cần công bố công khai trên mạng để người dân ai cũng biết. Tiền sau khi thu xong được bao nhiêu, làm gì cũng phải công khai để người dân tin rằng "phí" ấy của mình chắn chắn sẽ được dùng vào những việc ích nước, lợi dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem