Thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM: Người dân, chuyên gia nói gì?

Linh San Thứ bảy, ngày 16/04/2022 11:58 AM (GMT+7)
Đề xuất thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Phần lớn người dân, chuyên gia cho rằng cần phải cân nhắc, xem xét mức phí cũng như tính hiệu quả.
Bình luận 0

Khởi động kế hoạch thu phí ô tô vào trung tâm

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (GTVT) vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM đề xuất lập dự án "Thu phí xe ô tô lưu thông vào trong khu vực trung tâm thành phố".  

Dự án này trước đó đã được Sở GTVT đề xuất chi 500 triệu đồng ngân sách thành phố để lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2022 – 2023. Dự án dự kiến khởi công từ năm 2023 và hoàn thành năm 2025. Tuy nhiên, đề xuất này chưa được UBND TP.HCM xem xét, cân đối vốn để thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư.

Nhằm sớm triển khai giải pháp này trong khi thành phố chưa thể cân đối kế hoạch vốn đầu tư công, Sở GTVT đã kiến nghị UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu xem xét, quyết định, đồng thời hướng dẫn Công ty Cổ phần công nghệ Tiên Phong (ITD) lập hồ sơ đề xuất dự án theo quy định pháp luật hiện hành.

Thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM: người dân, chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

TP.HCM tiếp tục đề xuất thu phí ô tô vào nội đô. Ảnh: L.S

Được biết, đây là lần thứ hai kiến nghị trên được gửi chính quyền thành phố, sau khi ITD đề xuất thực hiện dự án theo hình thức PPP, hợp đồng BLT (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ). Việc này nhằm đẩy nhanh đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát xe cá nhân trên địa bàn, đã được UBND TP.HCM phê duyệt.

Đại diện ITD cho biết, việc thu phí vào trung tâm TP có mục tiêu làm giảm ùn tắc giao thông trên các trục đường chính theo thời gian, địa điểm và từng tuyến đường. Đồng thời, thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng, giảm ô nhiễm môi trường, bổ sung nguồn ngân sách bảo trì đường bộ cho TP.

Theo đề xuất của ITD, hệ thống thu phí xây dựng bao quanh quận 1, 3, theo công nghệ thu phí đa làn không dừng, với một trung tâm xử lý thông tin, điều hành việc thu phí. 

Phương án thiết kế, hệ thống cổng thu phí bố trí trên các tuyến: Hoàng Sa men theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến đường Nguyễn Phúc Nguyên giao Cách Mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng. Một số cổng bố trí trên các đường thường ùn tắc như Trường Sơn, Cộng Hòa (quận Tân Bình).

Doanh nghiệp dự kiến tổng mức đầu tư dự án gần 2.280 tỷ đồng. Trong đó, chi phí ban đầu khoảng 478 tỷ đồng và gần 1.800 tỷ cho chi phí vận hành của 10 năm sau đó. Nhà đầu tư tự bỏ kinh phí lập đề xuất dự án cũng như thu xếp vốn để thực hiện theo hợp đồng.

Thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM: người dân, chuyên gia nói gì? - Ảnh 3.

Theo đề xuất, mức phí thấp nhất 40.000 đồng cho ôtô con. Ảnh: L.S

Thời gian thu dự kiến áp dụng trong các khung giờ cao điểm, mức phí thấp nhất 40.000 đồng cho ô tô con và 70.000 đồng với xe tải, xe khách, bao gồm cả ô tô biển xanh. Taxi đăng ký tại TP.HCM sẽ được giảm phí, tạm tính 20.000 đồng mỗi xe. Xe buýt cùng các loại phương tiện thuộc nhóm ưu tiên như cứu hoả, cứu thương... được miễn phí. Việc thu phí chỉ áp dụng với xe vào khu trung tâm.

Cần cân nhắc tính hiệu quả, mức thu

Trước đề xuất thu phí ô tô vào trung tâm thành phố, giới chuyên gia, người dân đã có nhiều ý kiến trái chiều. TS. Phạm Sanh - chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về giao thông, đô thị cho rằng, TP.HCM cần phải có lộ trình, nghiên cứu rõ ràng để tránh "vết xe đổ" của một số nước khác.

Theo ông Sanh, hiện nay, nhiều nước áp dụng mô hình này, trong đó có nước thành công nhưng cũng không ít nơi thất bại. Theo lý luận của đề án này, khi thu phí thì người dân hạn chế chạy xe vào trung tâm. Tuy nhiên, khi đó dân sẽ chạy đi đâu, làm thế nào để kinh tế xã hội thành phố vẫn phát triển, trung tâm vẫn hoạt động bài bản.

Thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM: người dân, chuyên gia nói gì? - Ảnh 4.

Cần nghiên cứu kỹ đề án hạn chế xe cá nhân vào trung tâm để tránh nguy cơ chuyển kẹt xe từ nơi này qua nơi khác. Ảnh: L.S

Nếu người dân không đi ô tô mà đi xe buýt thì phương tiện công cộng đã đủ đáp ứng nhu cầu? Phương án hỗ trợ phương tiện công cộng ra sao? Một vấn đề đáng lưu ý đó là việc nếu chặn chỗ này thì buộc người dân phải chuyển hướng khác để lưu thông, như vậy sẽ có nguy cơ chuyển kẹt xe từ nơi này qua nơi khác, tăng thêm các loại chi phí...

"Việc thu phí thông minh thì cần phải tính toán các thiết bị này liên kết với các trạm thu phí của Bộ Giao thông thế nào, nếu không người dân phải mua nhiều thiết bị gây lãng phí. Ngoài ra, để người dân bỏ xe cá nhân và đi xe công cộng vào trung tâm thì cần tính toán các bãi đậu xe ở dọc các vành đai để người dân có chỗ gửi xe đi công cộng. Phát triển mạng lưới giao thông công cộng phù hợp để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân", T.S Phạm Sanh chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Tạ Long Hỷ (Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, Giám đốc taxi Vinasun) cho rằng, với mỗi xe taxi ra vào vành đai mà thu 20.000 đồng một lượt thì người chịu thiệt là hành khách. "Người ta đi taxi hết 20.000, qua vành đai bắt nộp thêm 20.000 nữa thì chắc chắn người dân không chịu, khi đó họ sẽ phản ứng. Cần xem lại mức phí để tránh ảnh hưởng người dân", ông Hỷ nói.

Thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM: người dân, chuyên gia nói gì? - Ảnh 5.

Nhiều người đề xuất xem xét mức phí thu. Ảnh: L.S

Anh Trần Minh Hiếu (36 tuổi, tài xế Grab) cho hay tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, giờ triển khai thu phí ô tô vào trung tâm là đánh trực tiếp vào túi tiền của người dân. "Thu phí khiến người dân e ngại khi di chuyển vào trung tâm thì ảnh hưởng đến "chén cơm" của tài xế chúng tôi", anh Hiếu nói.

Đồng ý với chủ trương thu phí ô tô, ông Nguyễn Trí Hùng (38 tuổi, nhân viên văn phòng quận 1) cho hay mục đích chính của việc này là giúp thành phố thông thoáng hơn, giảm kẹt xe. Tuy nhiên, theo ông Hùng, cơ quan quản lý cần xem lại, giải quyết một số bất cập, bao gồm: Xem xét việc kết nối giao thông nếu người dân đi xe công cộng vào trung tâm. Hệ thống xe buýt công cộng phải bố trí phù hợp, thời gian mỗi chuyến phải rút ngắn lại. Ví dụ tối đa 5 phút/ chuyến và tránh chồng tuyến. 

"Hiện nay, trên cùng một tuyến đường rất nhiều chuyến xe cùng chạy, điều này dẫn đến việc kẹt xe vì mặt đường thành phố nhiều nơi khá hẹp. Chừng nào giải được bài toán bất hợp lý về thời gian và chi phí, trong đó, vấn đề thời gian mới là cốt lõi thì tôi nghĩ mọi người sẽ có sự đồng thuận cao", ông Hùng chia sẻ.

Hiện nay, TP.HCM đang quản lý hơn 8,4 triệu phương tiện, trong đó khoảng 819.000 ô tô và hơn 7,6 triệu xe máy. Bình quân mỗi ngày TP.HCM có 79 ô tô và 309 xe máy đăng ký mới.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem