“Thủ phủ” dừa… nhập khẩu dừa

Thứ ba, ngày 28/03/2017 13:15 PM (GMT+7)
Tỉnh Bến Tre là địa phương có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước, với hơn 70.000ha (chỉ riêng năm 2016 tăng 2.000ha), mỗi năm cung ứng cho thị trường gần 600 triệu trái dừa. Mặc dù vậy, hiện nay một số doanh nghiệp trên địa bàn phải đi nhập khẩu dừa nguyên liệu từ các nước khác vì do nguồn cung tại địa phương bị thiếu hụt.
Bình luận 0

img

Nông dân Bến Tre vận chuyển dừa vừa thu hoạch đưa đi tiêu thụ. Ảnh: I.T

Theo Sở Công Thương tỉnh Bến Tre cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 10 doanh nghiệp chế biến cơm dừa nạo sấy, với tổng công suất thiết kế hơn 80.000 tấn/năm. Năm 2016, các doanh nghiệp này đã đưa vào chế biến khoảng gần 500 triệu trái (tương đương trên 98% sản lượng dừa nguyên liệu của tỉnh). Thế nhưng, nguồn hàng nguyên liệu tại địa phương vẫn đang bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Ông Cù Văn Thành - Giám đốc Công ty Chế biến dừa Lương Quới (tỉnh Bến Tre) cho biết: Nếu chạy hết công suất, mỗi ngày Lương Quới phải cần tới khoảng 600.000 trái dừa khô/ngày, để cung ứng cho thị trường 200 tấn cơm dừa.

“Trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện không chỉ một số doanh nghiệp chế biến có quy mô lớn thiếu nguyên liệu phải nhập khẩu, cùng với đó đã có một số doanh nghiệp chuyên nhập khẩu rồi bán lại cho các cơ sở chế biến dừa khô tại địa phương.” – ông Thành nói.

Theo tìm hiểu thì tình trạng thiếu hụt dừa nguyên liệu là do hệ quả thiên tai, xâm nhập mặn năm 2016, ảnh hưởng đến việc canh tác, sản xuất dừa nên sản lượng giảm rất nhiều. Ghi nhận tại một số huyện như: Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Bình Đại, Châu Thành…, nhà vườn đang rất lo lắng trước tình trạng dừa không đậu trái.

img

Do thiếu nguyên liệu, một số doanh nghiệp tại Bến Tre đã phải nhập dừa nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Ảnh: Báo Công an nhân dân

Được biết, huyện Giồng Trôm có tổng diện tích trồng dừa hơn 20.000ha, lớn nhất tỉnh Bến Tre. Tuy nhiên, nhà vườn tại đây đang lo “sốt vó” khi sản lượng và giá cả đều giảm mạnh. Anh Huỳnh Văn Hiệp (xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm) trầm buồn: “Hiện tại, 2,5ha đất trồng dừa của gia đình chỉ thu hoạch được khoảng 600 trái/tháng (dừa khô), trong khi bình thường thu ít nhất cũng 2.000 trái/tháng. Tình trạng trên đã kéo dài hơn 4 tháng nay. Khổ hơn là giá dừa cũng đang ở mức thấp, chỉ dao động 60.000-80.000đ/12 trái”.

Thê thảm hơn là ông Huỳnh Văn Hưng (ấp Phú Hưng, xã Phú Thuận, huyện Bình Đại) vì vườn dừa 3.000m² đã không chịu cho trái từ nhiều tháng nay. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khác khiến dừa nguyên liệu tại địa phương bị thiếu hụt là do giá dừa tươi luôn trong tình trạng sốt giá nên bà con thu hoạch bán từ rất sớm. Đồng thời, cách nay vài tháng xuất hiện tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua ồ ạt làm ảnh hưởng đến tính ổn định cung – cầu của thị trường.

Theo đánh giá, sản lượng dừa của tỉnh Bến Tre sẽ giảm mạnh ở năm 2017, điển hình theo số liệu thống kê từ Phòng NN&PTNT huyện Ba Tri thì toàn huyện có khoảng 1.800ha dừa, sản lượng hơn 20.160 trái/năm. Ước tính sản lượng này sẽ giảm 30 - 40% trong năm 2017.

Ông Nguyễn Trung Chương - Phó Chủ tịch Hiệp hội dừa tỉnh Bến Tre nhìn nhận: Với gần 2.000 cơ sở chế biến dừa, cùng 10 doanh nghiệp làm cơm dừa nạo sấy… đã góp phần mang về cho tỉnh Bến Tre hơn 150 triệu USD/năm (xuất khẩu các sản phẩm từ dừa). Hiện tại, nếu các nhà máy, các cơ sở… hoạt động hết công suất thì cần tới 900 triệu trái dừa/năm. Tuy nhiên, năm 2016 chỉ chế biến được khoảng 497 triệu trái do thiếu nguyên liệu.

img

Cây dừa thích hợp với điều kiện tự nhiên tại Bến Tre nên cho năng suất rất cao. Ảnh: I.T

Riêng năm nay, do sản lượng dừa giảm nên một số doanh nghiệp ở tỉnh có nhập dừa từ các nước khác về chế biến.

“Giá dừa của Indonesia và Philippines đều thấp hơn nhiều so với giá dừa Việt Nam, bởi chất lượng cơm dừa của 2 nước này thua xa dừa Bến Tre. Do đó, khi doanh nghiệp đi nhập khẩu dừa chỉ là giải pháp tình thế, chứ không lâu dài được bởi họ khó biết được dừa của nước ngoài trồng ở đâu, ra sao, chất lượng thế nào? Ngoài ra, cơ quan chức năng chỉ cho phép nhập dừa đã tách vỏ, trong khi dừa mà tách hết vỏ thì không để lâu được, dễ bị hỏng. Vì vậy, nông dân trồng dừa ở Bến Tre và các tỉnh ĐBSCL không quá lo lắng khi doanh nghiệp đi nhập dừa nguyên liệu”, ông Chương phân tích.

Ông Võ Thành Hạo – Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đánh giá rằng, người dân trồng dừa đã bắt đầu cảm thấy không sống bằng dừa nên không đầu tư thâm canh phát triển, bỏ phế. Nhưng, đối với dân Bến Tre, cây dừa không chỉ đơn thuần là cây kinh tế, mà gắn liền với đời sống văn hóa, truyền thống... Và đặc biệt trong điều kiện tỉnh Bến Tre chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn nên độ kháng mặn cao của cây dừa sẽ càng trở nên có ý nghĩa chiến lược.

Ngoài việc tìm mọi cách để nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến dừa, nên chăng đến lúc những hộ có ít đất cho thuê để những hộ có điều kiện đầu tư, tăng năng suất cây dừa.

Trần Lĩnh (Công an nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem