Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Ngành lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26

Anh Thơ (thực hiện) Chủ nhật, ngày 01/01/2023 12:24 PM (GMT+7)
Năm 2022, trị giá xuất khẩu lâm sản ước đạt 16,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2021, xuất siêu khoảng 14 tỷ USD. Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Quốc Trị, con số này cho thấy, các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam ngày càng chủ động thích ứng, đổi mới; nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước đáp ứng được nhu cầu chế biến.
Bình luận 0
Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Ngành lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Quốc Trị đánh giá, các doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ ngày cảng chủ động thích ứng, đổi mới công nghệ để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Ảnh: Đ.H

Xuất khẩu gỗ tiếp tục lập kỷ lục

Dù đối mặt với nhiều khó khăn song xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2022 tiếp tục lập kỷ lục, vượt mục tiêu đặt ra ban đầu. Thứ trưởng có thể chia sẻ rõ hơn về kết quả này?

Năm 2022 là một năm có nhiều biến động, đặc biệt, chúng ta chịu nhiều ảnh hưởng từ tình hình chung của thế giới. Tuy vậy, ngành lâm nghiệp đã có một năm thành công, với những dấu ấn nổi bật, trong đó có thể kể đến 3 điểm nhấn như sau: Độ che phủ rừng duy trì ở mức 42%; về diện tích rừng trồng mới, đạt khoảng 260.000ha. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 16,9 tỷ USD, đạt 104% kế hoạch đề ra, xuất siêu khoảng 14 tỷ USD.

Thu dịch vụ môi trường rừng cũng đạt kết quả khả quan, đến thời điểm hiện tại đã đạt trên 3.686 tỷ đồng, đạt 122,9% kế hoạch thu năm 2022 và bằng 120,6% so với cùng kỳ năm 2021. Công tác bảo vệ rừng chuyển biến rõ rệt diện tích thiệt hại do phá rừng giảm, công tác phòng chống cháy rừng được nâng cao (giảm 64% số vụ và 97% thiệt hại so với năm 2021). 

 Đáng chú ý, năm 2022, ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản gặp nhiều khó khăn do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine, dịch Covid-19 và các vụ kiện thương mại. Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu lâm sản cả năm 2022 ước đạt trên 16,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2021, vượt mục tiêu kế hoạch xuất khẩu 16,3 tỷ USD.

gop/ Việt Nam sẽ tham gia thị trường các-bon thế giới - Ảnh 1.

Xuất khẩu gỗ năm 2022 tiếp tục lập kỷ lục. Trong ảnh: Chế biến gỗ ghép cong tại Công ty Nhật Nam (Bình Dương). Ảnh: K.N

Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) đã được ký kết ngày 22/10/2020 giữa Bộ NNPTNT và Ngân hàng Thế giới (WB). Với thỏa thuận này, Việt Nam sẽ chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO2e ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 cho WB với tổng số tiền 51,5 triệu USD.

Dự báo tình hình thị trường xuất khẩu gỗ trong năm 2023 sẽ như thế nào, thưa Thứ trưởng?

- Mặc dù năm 2022 ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản hoàn thành, vượt mục tiêu nhưng nhiều tín hiệu cho thấy, bước sang năm 2023, ngành sẽ gặp một số khó khăn trong việc xuất khẩu sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ. Điều này xuất phát từ nhu cầu về những sản phẩm này tại thị trường Mỹ, EU giảm vì người dân thắt chặt chi tiêu do lạm phát.

Chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp bền vững đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu xây dựng ngành lâm nghiệp thực sự trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật; thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững rừng và diện tích đất được quy hoạch cho lâm nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, ngành lâm nghiệp sẽ ưu tiên những giải pháp gì, thưa Thứ trưởng?  

Để tiếp tục triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2050, trong thời gian tới ngành lâm nghiệp tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả, ưu tiên một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, đó là: tiếp tục rà soát, hoàn thiện, đổi mới chính sách, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư vào phát triển rừng; tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân về bảo vệ, phát triển rừng.

Đặc biệt, ngành lâm nghiệp sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng, sản xuất lâm nghiệp, tập trung vào lĩnh vực giống chất lượng cao; thâm canh tăng năng suất, chất lượng rừng, chế biến gỗ và lâm sản.

Một trong những giải pháp cũng được ưu tiên là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng lâm nghiệp đồng bộ, hiện đại hoá ngành lâm nghiệp và dịch vụ logistics, phát triển ngành chế biến gỗ hiện đại.

gop/ Việt Nam sẽ tham gia thị trường các-bon thế giới - Ảnh 3.

Hình thành thị trường các-bon

Tại COP26, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; cùng 141 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất và cùng gần 50 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Tại COP27, Việt Nam tiếp tục tái khẳng định cam kết này. Ngành lâm nghiệp sẽ triển khai mạnh mẽ những nhiệm vụ, giải pháp gì để góp phần thực hiện cam kết, thưa Thứ trưởng?  

Mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 là xu thế phát triển tất yếu của thế giới hướng tới đạt mục tiêu giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ. Tại Hội nghị COP26, lần đầu tiên thế giới đưa ra được lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ. Để thực hiện lộ trình này, đòi hỏi tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải chuyển đổi mạnh mẽ sang phát triển phát thải thấp. Ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu đã chuyển sang một giai đoạn mới, đòi hỏi Việt Nam phải tham gia sâu và thực chất vào nỗ lực chung của toàn cầu.

Lâm nghiệp là ngành có vai trò đặc biệt quan trọng trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu trên cả 2 trụ cột là thích ứng và giảm thiểu để thực hiện và hoàn thành các cam kết của Việt Nam tại COP26 và COP27.

Ngành lâm nghiệp đã chủ động, tích cực và có sự chuẩn bị để sẵn sàng góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam như việc đưa một số nội dung cam kết vào Chiến lược phát triển lâm nghiệp, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, các chương trình đề án của ngành và hoàn thiện hệ thống chính sách.

Để thực hiện các cam kết trên, ngành lâm nghiệp cần tổ chức triển khai tốt, hiệu quả Chiến lược phát triển lâm nghiệp, Quy hoạch, các chương trình, đề án của ngành, đồng thời thúc đẩy triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau.

Một là, chủ trì tổ chức triển khai Kế hoạch quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hai là, xây dựng Kế hoạch giảm phát thải ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó có lĩnh vực lâm nghiệp để phân bổ mục tiêu giảm phát thải và tăng hấp thụ các-bon rừng, đồng thưa đưa ra các giải pháp, lộ trình cụ thể để thực hiện.

Ba là, tổ chức triển khai Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia nhằm quản lý bền vững về diện tích và chất lượng rừng, bảo đảm hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo tồn bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bốn là, lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp nhằm giảm phát thải và tăng hấp thụ các-bon rừng trong triển khai Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững.

Năm là, xây dựng và triển khai một số dự án giảm phát thải và tăng hấp thụ các- bon rừng để huy động nguồn tài chính bổ sung cho ngành lâm nghiệp để đầu tư vào bảo vệ, phát triển rừng, hạn chế tình trạng lấn chiếm đất rừng, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, ổn định sản xuất, đồng thời góp phần hình thành thị trường các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon thế giới.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem