Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Vừa hợp tác, vừa đấu tranh với Trung Quốc

Hải Phong Thứ năm, ngày 20/11/2014 06:23 AM (GMT+7)
Được đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) đề nghị nói ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ về quan điểm của Chính phủ trong quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc sau khi giàn khoan Hải Dương 981 được rút khỏi vùng biển nước ta, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cô đọng thành 6 chữ “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh”.
Bình luận 0

Vẫn lúng túng trong quy hoạch liên kết vùng

Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội chiều 19.11, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đặt câu hỏi về giải pháp nào của Chính phủ để có thể phát triển hiệu quả kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trên cơ sở liên kết vùng.

img

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định việc nhấn quán theo đường lối đối ngoại kiên trì. 

Trả lời, Thủ tướng khẳng định: Chính phủ từ lâu đã nhận rõ sự cần thiết của liên kết vùng để khai thác tiềm năng, lợi thế vùng, liên kết hợp tác để đầu tư có hiệu quả hơn, khắc phục tình trạng lãng phí. “Liên kết vùng còn để cùng ứng phó, khắc phục những khó khăn, thách thức đặt ra mà một địa phương không làm được. Vì thế, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch–Đầu tư chủ trì xây dựng quy chế liên kết các vùng trong cả nước, trong đó có vùng ĐBSCL, với 4 nội dung cần liên kết, hợp tác gồm: Liên kết hợp tác để đầu tư có hiệu quả các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trên cơ sở quy hoạch chung, trước hết là đầu tư giao thông, thủy lợi, cảng biển, cơ sở sản xuất...; thứ hai là liên kết hợp tác để phát huy 3 lợi thế: Lúa gạo, thủy sản, trái cây. Ba sản phẩm lợi thế này tỉnh nào cũng có nên liên kết hình thành chuỗi giá trị từ giống, gieo trồng tới tiêu thụ, vừa có lợi cho nông dân, vừa nâng cao hiệu quả; thứ ba là liên kết hợp tác để sử dụng bền vững nguồn nước sông Cửu Long và ứng phó hiệu quả với lũ ĐBSCL. Thứ tư liên kết hợp tác để khắc phục những khó khăn về giáo dục, về phát triển khoa học công nghệ và đảm bảo an ninh quốc phòng...

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thừa nhận “sự cần thiết của liên kết vùng thì đã rõ, nhưng cơ chế ra sao, tổ chức thế nào để liên kết thì còn vướng. Chúng tôi đã làm dự thảo nhiều lần, lấy ý kiến, nhưng cả tôi và Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đều thấy quy chế mà ban hành chắc cũng khó khá thi nên vẫn lúng túng. Vấn đề này chắc cần phải thảo luận thêm”.

Quan tâm tới đất ở, đất sản xuất cho hơn 300.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thiếu đất, ĐB Danh Út (Kiên Giang) cho rằng hiện nay các nông lâm trường tuy được giao nhiều đất rừng nhưng sử dụng còn lãng phí và đề nghị Thủ tướng đề xuất giải pháp cho vấn đề này. Không trả lời thẳng vấn đề, nhưng Thủ tướng phân tích: Đây là trăn trở day dứt của Chính phủ. Để giải quyết vấn đề này, phải có nhiều biện pháp nhưng trước hết Chính phủ nhận thấy, đồng bào DTTS sống gắn bó với rừng, nên giải pháp là giao rừng cho người dân. Chính phủ đã thảo luận dự thảo nghị định của Bộ NNPTNT về chính sách phát triển rừng, gắn với đó là giảm nghèo cho đồng bào DTTS. Ngoài ra, tôi cũng đã yêu cầu xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh hơn. Trước tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào DTTS là trên 50%, nay đã giảm xuống còn 34%.

Phản đối việc Trung Quốc bồi đắp biển, xây đảo ở Biển Đông

Quan điểm
img
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng • 
  Vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Không chỉ với Trung Quốc mà với tất cả các nước. Vừa đấu tranh để có hòa bình, giữ vững độc lập chủ quyền, vừa hợp tác để cùng phát triển mà vẫn bảo vệ lợi ích chính đáng của quốc gia  
Quan tâm tới vấn đề chủ quyền quốc gia trên biển, ĐB - Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm của Đảng và Nhà nước về vấn đề Biển Đông một cách ngắn gọn, dễ hiểu nhất. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: Chúng ta phải thực hiện đường lối đối ngoại kiên trì và nhất quán theo tinh thần được thể hiện trong điều 12 Hiến pháp 2013.

 

“Trên cơ sở đó, với Trung Quốc, chúng ta coi họ là một nước láng giềng, dù mưa nắng hay bão lũ cũng mãi mãi là láng giềng. Chúng ta mãi mong muốn Việt Nam và Trung Quốc chân thành hợp tác để gìn giữ hòa bình ổn định, hợp tác cùng phát triển, thực hiện một cách thực chất, hiệu quả phương châm 16 chữ, tinh thần 4 tốt để đem lại lợi ích cho cả hai nước, giải quyết thỏa đáng những vấn đề còn tranh chấp, còn ý kiến khác nhau”- Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết: “Để nói ngắn gọn, dễ hiểu nhất về quan hệ giữa hai nước, tôi xin dùng 6 chữ: Vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Không chỉ với Trung Quốc mà với tất cả các nước. Vừa đấu tranh để có hòa bình, giữ vững độc lập chủ quyền, vừa hợp tác để cùng phát triển mà vẫn bảo vệ lợi ích chính đáng của quốc gia”.

Trả lời câu hỏi của ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) đề nghị cho biết quan điểm của Chính phủ trước việc Trung Quốc liên tục cải tạo các đảo nằm trong quần đảo Trường Sa với âm mưu “không đánh mà thắng để độc chiếm Biển Đông”, Thủ tướng chia sẻ: Đảo Gạc Ma và một số đảo trong quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1988. Sau đó, chúng ta đã cùng các nước ASEAN ký với Trung Quốc tuyên bố chung DOC.

“Về việc Trung Quốc bồi đắp biển, theo thông tin báo chí nêu là bồi đắp lớn ở đảo Chữ Thập với khoảng 49ha, lớn hơn đảo Ba Bình, lập trường của chúng ta là phản đối việc này vì Trung Quốc đã vi phạm Điều 5 tuyên bố DOC về thái độ ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông. Lập trường này chúng ta đã nêu rõ nhiều lần. Tôi cũng đã khẳng định lập trường, chủ trương này một cách công khai, rõ ràng ở nhiều hội nghị quốc tế mà tôi tham dự”- Thủ tướng bày tỏ.

    Không thành lập Bộ Kinh tế biển

Trả lời đề xuất của ĐB Đỗ Văn Đương về việc nên lập thêm Bộ Kinh tế biển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng không cần thiết vì “nếu thành lập một bộ về biển, tất cả lĩnh vực kinh tế biển, đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia trên biển, khai thác dầu khí, thủy sản trên biển đều tập trung cho một bộ chắc khó làm lắm”. 

Thủ tướng dẫn chứng: Hiện nay, quản lý nhà nước về biển là Bộ TNMT, còn từng lĩnh vực giao cho từng bộ. Như khai thác thủy sản là Bộ NNPTNT, vận tải biển thì giao Bộ GTVT, khai thác dầu khí thì có Bộ Công Thương... Cho nên các lĩnh vực kinh tế biển khó chia tách rạch ròi hay tổng hợp lại giao cho một bộ được. 
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM): 

 Về phiên trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ, các đại biểu Quốc hội luôn kỳ vọng có thể gửi tới Thủ tướng những câu hỏi mang tầm chiến lược, mang tầm vĩ mô của cả đất nước và cũng muốn nghe được trả lời của Thủ tướng, nhưng các phiên chất vấn Thủ tướng có quá ít thời gian. Các phiên chất vấn trước cũng vậy, chỉ còn khoảng 1 tiếng đồng hồ nhưng có rất nhiều đại biểu đăng ký. Tôi cũng muốn đặt câu hỏi chất vấn Thủ tướng nhưng biết sẽ chẳng đến lượt nên không bấm nút nữa. 

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): 

So với những đại biểu đăng ký thì thời gian trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ là ít. Nhưng một số câu hỏi mà đại biểu Quốc hội đưa ra được Thủ tướng trả lời thẳng thắn, ngắn gọn và rõ ý. Về báo cáo Thủ tướng đọc trước khi trả lời chất vấn, tôi nghĩ do Thủ tướng vừa phải tổng hợp nên không thể làm được nhanh.  

Cử tri Trần Đức Ninh (TP. HCM): 

Tôi thấy phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất thẳng thắn. Thủ tướng không ngại chỉ ra những yếu kém trong lĩnh vực kinh tế, tình trạng tham nhũng, lãng phí và bất cập trong công tác quản lý. Những giải pháp hạn chế yếu kém trong quản lý nợ công, thu chi tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô… cũng rất rõ ràng và kiên quyết, có thời hạn cụ thể. Tôi tin rằng Chính phủ với những quyết sách đã đề ra gần đây sẽ giải quyết tốt những tồn tại đang cản trở sự phát triển của nền kinh tế. 

Cử tri Nguyễn Văn Hải (Thái Nguyên):
 Phiên trả lời chất vấn đã được Thủ tướng giải trình rất chi tiết về nguyên nhân, chỉ ra những thiếu sót và kết quả xử lý nợ xấu trong thời gian qua. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đưa ra hàng loạt những giải pháp mang tính đồng bộ. Tôi là cử tri, khi nghe các thông điệp như vậy của người đứng đầu Chính phủ thì rất tin tưởng.  Mong rằng những giải pháp này sẽ thường xuyên được Thủ tướng kiểm tra, điều hành để thực hiện một cách có hiệu quả.

Ngọc Lương- PV (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem