Thủ tướng Đức cam kết không bỏ rơi Ukraine nhưng sẽ ngăn chiến tranh NATO-Nga

Minh Nhật (theo AA) Thứ sáu, ngày 11/08/2023 19:19 PM (GMT+7)
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine nhưng lưu ý rằng chính phủ của ông sẽ hành động “có trách nhiệm” để tránh xung đột giữa NATO và Nga bùng nổ.
Bình luận 0
Thủ tướng Đức cam kết không bỏ rơi Ukraine nhưng sẽ ngăn chiến tranh NATO-Nga - Ảnh 1.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh AA

“Chúng tôi luôn lưu ý rằng, các quyết định mà chúng tôi đưa ra sẽ không làm leo thang căng thẳng thành một cuộc chiến giữa Nga và NATO”, ông Scholz tuyên bố hôm 10/8.

Chính trị gia Đảng Dân chủ Xã hội của Đức đã đưa ra nhận xét trong cuộc đối thoại với công dân ở thành phố Erfurt phía đông, nơi ông giải đáp các câu hỏi của những người tham gia.

Ông Scholz đổ lỗi Nga khơi mào cuộc xung đột với Ukraine. Ông cảnh báo rằng, những nỗ lực thay đổi biên giới bằng vũ lực có thể gây ra các cuộc chiến tranh tiếp theo.

Ông Scholz nhắc lại sự ủng hộ của Đức đối với Ukraine và cho biết chính phủ của ông sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại có trách nhiệm. Theo đó, nhà lãnh đạo Đức vừa cam kết tiếp tục viện trợ cho Ukraine vừa tuyên bố sẽ ngăn chiến tranh NATO-Nga bùng nổ.

Trong một diễn biến liên quan, tờ Spiegel của Đức cho biết, chính phủ nước này đang xem xét khả năng cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình tầm xa Taurus từ kho dự trữ của họ trong những tháng tới.

Spiegel báo cáo rằng, các cuộc đàm phán bí mật với đại diện của ngành công nghiệp quốc phòng Đức đang được tiến hành, vì Thủ tướng Olaf Scholz muốn thực hiện các sửa đổi kỹ thuật đối với tên lửa này để ngăn Kiev sử dụng nó tấn công lãnh thổ Nga ngoài Crimea.

Theo Spiegel, ông Scholz "rất lo ngại" về sự leo thang của chiến tranh, trong khi văn phòng của Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius đã yêu cầu nhà sản xuất Taurus tích hợp hạn chế về mục tiêu vào tên lửa.

Spiegel tuyên bố rằng ông Scholz sẽ không chấp thuận việc chuyển giao tên lửa Taurus cho đến khi ông tin chắc, tên lửa đã được cải tiến kỹ thuật phù hợp. Giới công nghiệp cho rằng việc hạn chế hoạt động của hệ thống này là hoàn toàn có thể thực hiện được, nhưng sẽ mất vài tuần.

Các nguồn tin nói rằng mặc dù trước đây Thủ tướng Đức tuyên bố chỉ sẵn sàng cung cấp Taurus cho Ukraine với điều kiện Mỹ cung cấp tên lửa tầm xa ATACMS cho Kiev, nhưng điều kiện này hiện không còn đóng vai trò quan trọng nữa.

 Chính quyền Biden cho đến nay vẫn từ chối cung cấp tên lửa ATACMS cho Ukraine. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem