Thủ tướng giao mục tiêu xuất khẩu nông sản 55 tỷ USD năm 2024, Bộ NNPTNT đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm

K.Nguyên Thứ sáu, ngày 05/01/2024 19:22 PM (GMT+7)
Về các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, bàn kế hoạch năm 2024 của ngành nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ NNPTNT đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành từ 3,5-4,0%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản từ 55 tỷ USD trở lên.
Bình luận 0

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ; năm 2023, toàn ngành nông nghiệp đã thống nhất từ nhận thức đến hành động, tổ chức thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy kinh tế nông nghiệp, hội nhập quốc tế, bám sát thực tiễn, quyết liệt, linh hoạt, nỗ lực vượt qua khó khăn… 

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, xứng đáng là trụ đỡ của nền kinh tế.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2023, ngành nông nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện. Theo đó, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng giao mục tiêu xuất khẩu nông sản 55 tỷ USD năm 2024, Bộ NNPTNT đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ấn tượng với những kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ của ngành nông nghiệp. Ảnh: Bảo Thắng

Thủ tướng giao mục tiêu xuất khẩu nông sản 55 tỷ USD năm 2024, Bộ NNPTNT đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm - Ảnh 2.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản duy trì ở mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. 

Trong đó một số mặt hàng tăng cao kỷ lục như: Rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%, gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân, ngon nhất thế giới; điều đạt 3,63 tỷ USD, tăng 17,6%. Việt Nam đã sản xuất và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản theo hướng chế biến sâu, giá trị cao. Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đổi mới; nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững ngành.

Bộ NNPTNT cũng đã tập trung xây dựng, trình ban hành và tổ chức triển khai có hiệu quả nhiều đề án, chương trình, cơ chế, chính sách quan trọng cho phát triển ngành: Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn; Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao; chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi; chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; chính sách phát triển thủy sản…

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, để đạt được những kết quả trên, ngành nông nghiệp đã nhất quán chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy đến hành động sang kinh tế nông nghiệp; quán triệt phương châm chỉ đạo của Chính phủ: Quyết tâm phải lớn, nỗ lực phải cao, hành động phải quyết liệt, hiệu quả.

Thủ tướng giao mục tiêu xuất khẩu nông sản 55 tỷ USD năm 2024, Bộ NNPTNT đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm - Ảnh 3.

Chế biến sản phẩm dứa để xuất khẩu tại Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Ảnh: Huy Hùng

Quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và tăng cường công tác phối hợp thông qua sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ số. Thực thi những giải pháp đột phá, linh hoạt để định hướng sản xuất kinh doanh, như mở cửa thị trường, đồng thời gia tăng thị trường nội địa, áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn, chất lượng…

Cùng với đó, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, bám sát tình hình thực tiễn để chủ động xây dựng các kịch bản, chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra. Chủ động thông tin kịp thời, chính xác về tình hình nông nghiệp, nông thôn, củng cố niềm tin trong nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội.

6 nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2024

Về các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành từ 3,5-4,0%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản từ 55 tỷ USD trở lên.

Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng đề nghị ngành vượt qua những khó khăn, thách thức "biến không thành có, biến khó thành dễ", bám sát phương châm chỉ đạo của Chính phủ với 16 chữ: Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững"; quán triệt nghiêm túc các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Để đạt được mục tiêu Thủ tướng giao, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NNPTNT sẽ tập trung vào 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Một là, tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi. Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi; kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để bảo đảm kế hoạch sản xuất; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống thiên tai để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Tổ chức triển khai và thu hút các nguồn lực thực hiện Đề án phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.

Hai là, định hướng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường; bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; xây dựng nông thôn mới thực chất, hiệu quả, gắn với phát triển kinh tế nông thôn.

Ba là, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu; hỗ trợ các địa phương kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch.

Bốn là, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Thu hút các nguồn lực đầu tư hiện đại hóa hạ tầng nông nghiệp, trong đó có hạ tầng thủy sản góp phần sớm gỡ thẻ vàng đối với khai thác thủy sản.

Năm là, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua tháo gỡ rào cản, nút thắt cơ chế, chính sách, gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường.

Sáu là, đổi mới phương thức, nội dung, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhất là truyền thông chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh vào nông nghiệp, nông thôn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem