Toàn cầu lên cơn sốt, Việt Nam lần đầu tiên thu 4,6 tỷ USD từ xuất khẩu gạo

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 12/12/2023 06:00 AM (GMT+7)
Tính toán của cơ quan chức năng ngành nông nghiệp, năm nay nước ta dự tính xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, thu về khoảng 4,6 tỷ USD - mức cao nhất trong lịch sử của ngành lúa gạo Việt, giá gạo cũng liên tiếp lập kỷ lục mới.
Bình luận 0

Giá gạo vẫn neo "đỉnh"

Chia sẻ về ngành lúa gạo năm nay, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhận xét: "Chưa  năm nào giá gạo cao như năm nay và thời gian gần đây giá lúa gạo vẫn tăng. Giá gạo Việt Nam đã ở mức cao nhất thế giới".

Đến nay, sản lượng lúa của Việt Nam đạt 41,17 triệu tấn, kế hoạch đạt trên 43 triệu tấn có tính khả thi rất cao. Theo đó, lượng gạo đủ phục vụ cho 100 triệu dân, đảm bảo đủ chế biến, dự trữ, chăn nuôi và làm giống. 

Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo dự tính đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua. Tính đến hết tháng 11/2023, nước ta đã xuất khẩu khoảng 7,75 triệu tấn gạo, thu về 4,41 tỷ USD, giá trị xuất khẩu tăng 36,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Gạo Việt lập kỷ lục lịch sử - Ảnh 1.

Chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ). Ảnh: C.T.O

Gạo Việt lập kỷ lục lịch sử - Ảnh 2.

"Gạo là một trong những nhóm hàng đóng vai trò quan trọng để ngành nông nghiệp bám đuổi mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 54 tỷ USD trong năm nay" - Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta bật tăng lên 663 USD/tấn (ngày 21/11) và neo ở mức đỉnh này. Theo đó, giá gạo Việt cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt 78 USD/tấn và 85 USD/tấn.

Song, đến ngày 7/12, giá gạo Việt giảm 5 USD/tấn, về mức 658 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo Thái Lan cùng loại lại vào đà tăng mạnh. Từ giá 585 USD/tấn (ngày 21/11) gạo Thái Lan đã vượt qua ngưỡng 600 USD/tấn và đạt mức 623 USD/tấn vào hôm 7/12.

Tính toán của cơ quan chức năng ngành nông nghiệp, năm nay nước ta dự tính xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, thu về khoảng 4,6 tỷ USD - mức cao nhất trong lịch sử của ngành lúa gạo Việt.

Nâng cao giá trị hạt gạo

Không quá chú trọng xuất khẩu theo sản lượng, những năm qua Việt Nam thực hiện tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Theo ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), Việt Nam từ một nước thiếu đói, nhận viện trợ, xin viện trợ gạo về cứu đói, nhưng với những chủ trương, chính sách đúng đắn kịp thời của Đảng, Nhà nước, sự quyết liệt của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn, sự cống hiến của các nhà khoa học nông nghiệp, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đặc biệt là sự lao động một nắng hai sương quên mình của hàng triệu người nông dân, nước ta đã tự chủ về an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, và trở thành là nước sản xuất lúa gạo có trách nhiệm, minh bạch, bền vững.

 Hiện nay Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, trong những năm gần đây đã xuất khẩu trung bình trên 6,5 triệu tấn gạo/năm, thu về cho đất nước hàng tỷ đô la hàng năm.

Trong đó, vùng ĐBSCL là vùng sản xuất lúa trọng điểm, quan trọng nhất, có những đóng góp to lớn với ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Tại đây, lúa gạo không chỉ cung cấp, đảm bảo an ninh lương thực cho dân cư 13 tỉnh ĐBSCL, TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, mà còn cung cấp khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu hàng năm của nước ta.

Tuy nhiên, theo ông Cường, chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo còn rất nhiều hạn chế trong nội tại và khách quan: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, lực lượng lao động trực tiếp chủ yếu là người già, trẻ nhỏ; chuỗi giá trị chưa có hiệu quả cao, thương hiệu gạo Việt còn yếu, chuỗi liên kết còn lỏng lẻo, quyền lợi các thành tố chưa phù hợp, người dân trồng lúa thu nhập thấp và có vai trò rất yếu trong quyết định giá hạt thóc do chính mình làm ra…

Chính vì vậy, nhằm khắc phục những hạn chế yếu kém trên, Bộ NNPTNT xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030". Đề án là trách nhiệm, tấm lòng, việc phải làm đối với bà con nông dân, với ngành lúa gạo vùng ĐBSCL của Đảng, Nhà nước và ngành NNPTNT.

"Đề án này là một sự thí điểm đầu tiên ở ĐBSCL, cũng như ở khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực sản xuất lúa. Đề án này sẽ có một số những chính sách thí điểm như về thị trường carbon, sản xuất tuần hoàn, khai thác đa giá trị trong sản xuất lúa với các chính sách cơ chế về đầu tư hoặc tín dụng với mục tiêu thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lúa gạo" - ông Cường nói.

Ông Cường cho biết, có lẽ chưa có đề án nào trình Thủ tướng Chính phủ mà thời gian bắt đầu xây dựng đến khi ban hành chỉ 6 tháng và nhận được sự quan tâm của mọi tầng lớp xã hội, chính quyền các cấp, công đồng doanh nghiệp, các tổ chức tài chính quốc tế, phát triển quốc tế và truyền thông quan tâm như vậy.

Tuy vậy, theo ông Cường, đề án được Thủ tướng Chính phủ ban hành không có nghĩa ngành lúa gạo vùng ĐBSCL có những thay đổi tức thì. "Để hiện thực hóa đề án, chúng ta phải có sự thống nhất về nhận thức, hành động, nhận thấy trách nhiệm của tất cả chúng ta và sự đồng tâm vào cuộc cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương cũng như các doanh nghiệp và người dân" - ông Cường nhấn mạnh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem