Phóng viên, nhà báo ngày càng khẳng định sứ mệnh của nền báo chí cách mạng
Cùng dự buổi làm việc có các Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh và đại diện một số đơn vị.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, báo chí là công cụ truyền thông trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, là phương tiện thông tin thiết yếu, là "món ăn" tinh thần không thể thiếu đối với đời sống xã hội, đối với người dân.
Trong đó Hội Nhà báo Việt Nam có vai trò quan trọng trong đoàn kết, tập hợp, nâng cao bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo, góp phần tạo nên sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự vui mừng, xúc động khi chứng kiến sự cống hiến bền bỉ, dẻo dai của các nhà báo, điển hình là các nhà báo lão thành trong suốt thời gian qua.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, báo chí là "món ăn" tinh thần không thể thiếu trong đời sống xã hội, với nhân dân. Ảnh: Phạm Đông
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao những kết quả của Hội Nhà báo Việt Nam và những thành tích, đóng góp của các phóng viên, nhà báo. Hội Nhà báo Việt Nam đã tích cực quán triệt triển khai, thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là công tác chính trị, tư tưởng, báo chí tuyên truyền; đồng thời lắng nghe ý kiến của nhân dân, phản ánh ý kiến của nhân dân, ý chí nguyện vọng của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Đồng thời chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp các nhà báo, xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, có nhiều chuyển biến tích cực trong phản biện xã hội; tổ chức tốt giải báo chí Quốc gia, hội báo toàn quốc, hội báo xuân.
Hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng, các cơ quan báo chí trên toàn quốc nói chung được Thủ tướng đánh giá có sự đổi mới, tạo sự chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu, luôn bám sát tình hình thực tiễn. Đội ngũ phóng viên, nhà báo ngày càng trưởng thành về mọi mặt, khẳng định vai trò, sứ mệnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Thủ tướng cho biết, xuyên suốt chiều dài lịch sử, báo chí truyền thông luôn đồng hành cùng đất nước, có đóng góp lớn lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự đóng góp, cống hiến của các thế hệ nhà báo, phóng viên trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Ảnh: Phạm Đông
Nhiều nhà báo, phóng viên đã không quản ngại hiểm nguy, gian nan, có mặt ở mặt trận để truyền tải thông tin từ chiến trường đến hậu phương, từ hậu phương đến chiến trường.
"Chúng ta có rất nhiều nhà báo hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến cứu quốc, vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Nhiều người đã anh dũng hy sinh để lại trong chúng ta biểu tượng của tinh thần trách nhiệm, tình yêu quê hương đất nước. Rất xúc động… Chúng ta có rất nhiều tấm gương. Khi Tổ quốc cần, nhà báo sẵn sàng" – Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.
Theo Thủ tướng Chính phủ, nhìn lại 2 năm trước, khi cả thế giới phải đối mặt với dịch Covid-19 với đầy khó khăn, thách thức, càng thấy rõ vai trò của báo chí. Báo chí đã góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận, chia sẻ, đồng cảm trong nhân dân về các biện pháp chống dịch, tiêm chủng, đoàn kết, tương thân, tương ái trong lúc khó khăn.
Báo chí cũng phản ánh những thành tựu, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân với tinh thần đoàn kết để Việt Nam đạt được những điểm sáng về tăng trưởng, phục hồi kinh tế sau dịch; nhân dân có niềm tin vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước.
"Những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, phản ánh hiện thực cuộc sống là nhờ báo chí" - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhìn nhận.
Khắc phục tình trạng "báo hóa" tạp chí, chạy theo thị hiếu tầm thường
Theo Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh những thành tựu đạt được thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế của báo chí thời gian qua. Thủ tướng chia sẻ với khó khăn, thách thức mà các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí, truyền thông và những người làm báo trên cả nước đang phải đối mặt, nhất là sự sụt giảm về doanh thu, thu nhập, sự cạnh tranh khốc liệt với các nền tảng xuyên biên giới và mạng xã hội.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị đẩy mạnh hoạt động tập hợp lực lượng, xây dựng đội ngũ những người làm báo, chú trọng bồi dưỡng phẩm chất chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho hội viên để "phụng sự Tổ quốc", "phụng sự nhân dân", "phụng sự giai cấp và nhân loại" như lời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn.
Đồng thời xây dựng và phát triển đội ngũ người làm báo nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, sâu sắc về khoa học và công nghệ, nhân văn. Tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, qua đó giúp chấn chỉnh những "lệch chuẩn" về đạo đức nghề nghiệp, thúc đẩy giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí.
Báo chí phải đồng hành cùng dân tộc, làm tốt hơn nữa chức năng định hướng tư tưởng, là vũ khí sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Bám sát các nhiệm vụ chính trị của đất nước, cơ quan, địa phương, đơn vị để phản ánh, nhất là 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị khắc phục tình trạng "báo hóa" tạp chí, biểu hiện "tư nhân hóa báo chí". Ảnh: Phạm Đông
Phát huy, tôn vinh các giá trị cốt lõi của dân tộc ta như tính nhân văn; nét đẹp chân - thiện - mỹ; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; ý chí và nghị lực, dám đối diện và vượt qua những khó khăn, thử thách; khả năng sáng tạo to lớn của nhân dân.
Mặt khác, báo chí tập trung phát hiện những vấn đề nóng, nhạy cảm, mới xuất hiện, các nút thắt, điểm nghẽn đang được dư luận quan tâm, đi vào những vấn đề khó, phức tạp trong nước và quốc tế; phản ánh sinh động, khách quan, đa chiều, toàn diện, khoa học, sâu sắc và có giải pháp cho từng vấn đề. Khắc phục tình trạng "báo hóa" tạp chí, biểu hiện "tư nhân hóa báo chí", chạy theo thị hiếu tầm thường.
Đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa tương xứng với tuyên truyền về kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là 6 nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Báo chí phải đóng góp đắc lực, hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và chấn hưng nền văn hóa Việt Nam, từ việc giữ gìn, bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt tới việc đấu tranh, đẩy lùi các biểu hiện lệch chuẩn, phi văn hóa, phản văn hóa, đồng thời, lan tỏa, truyền tải các sản phẩm văn hóa, các giá trị văn hóa trên báo chí.
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, báo chí phải góp phần vào công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; xây dựng cơ quan hành chính các cấp hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm…
Thủ tướng đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam chủ động hơn nữa trong định hướng cho đội ngũ báo chí tăng cường nghiên cứu chính sách và tích cực tham gia công tác truyền thông chính sách; thúc đẩy đổi mới sáng tạo về nội dung, cách làm truyền thông chính sách một cách chủ động, kịp thời, phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả định hướng thông tin, dư luận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.