>> Xem phần đầu nội dung phiên chất vấn tại Quốc hội sáng 24-11 tại đây
Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) chất vấn: Về tái cơ cấu Vinashin, với tuyên bố Vinashin sẽ làm ăn có lãi, tự vay, tự trả. Nhưng họ trả thế nào nếu mức lãi suất vay phải trả sẽ là 15 ngàn tỷ đồng mỗi năm, và trong vòng 5 năm tới, với mức lãi suất ngân hàng hiện nay, số lãi sẽ lên tới 160-170 ngàn tỷ đồng mỗi năm. Trong khi đó, năm vừa rồi, doanh thu của Vinashin mới là 15 ngàn tỷ đồng và vẫn còn lỗ 1.100 tỷ đồng.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp Quốc hội sáng 24-11. Ảnh: Sỹ Lực |
Theo bà Loan, kể cả sau tái cơ cấu, Vinashin không thể trả nếu không được bơm tiền từ bên ngoài hoặc bán đất. Vinashin sẽ trả thế nào? Nếu lãi mẹ đẻ lãi con thì xử lý ra sao? Hơn nữa nếu khoanh nợ cho Vinashin thì số lãi ngân hàng 15 ngàn tỷ đồng mỗi năm ai sẽ chịu trách nhiệm?
PVN cũng đang đầu tư dàn trải sang đủ ngành, thậm chí cả taxi và giờ là đóng tàu, chỉ khác PVN có tiền do nhà nước cấp và đang rất rộng tay. Vì sao 50% đại biểu không đồng ý mà Chính phủ vẫn đồng ý cho PVN được 5.000 tỷ đồng?
|
Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội). Ảnh: Sỹ Lực |
Đại biểu Lê Minh Tiến (Quảng Trị) chất vấn về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ về tầm nhìn và chất lượng quy hoạch nói chung. Vai trò của người phê chuẩn các quy hoạch, kém hiệu quả chậm tiến độ ở đâu? Liên quan đến việc quy hoạch, khi nào Việt Nam có quy hoạch gốc, quy họach chuẩn, đó là quy hoạch về nguồn nhân lực quốc gia? Thủ tướng chỉ đạo quy hoạch này như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) chất vấn về trách nhiệm trong vụ Vinashin: Thủ tướng nói có trách nhiệm của Chính phủ và đang kiểm điểm, nhưng các báo cáo đều không chỉ rõ ai phải chịu trách nhiệm. Các thành viên Chính phủ đều không thừa nhận trách nhiệm. Thủ tướng vừa nhận trách nhiệm, nhưng tôi không hiểu Chính phủ đã nghiêm túc như thế nào. Tôi không đồng tình với cách nhận trách nhiệm với tư cách người đứng đầu Chính phủ, nhưng còn trách nhiệm của những người được giao chủ sở hữu Vinashin?
|
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn). Ảnh: Sỹ Lực |
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cũng chất vấn Thủ tướng: Ai đã chỉ đạo một số bài công kích đại biểu Quốc hội đăng trên website Chính phủ? Đây không phải là một hành động khôn ngoan, có để người ngoài hiểu lầm không?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời: Là người đứng đầu Chính phủ, tôi nhận trách nhiệm và cũng nói rõ, từ Thủ tướng, Phó Thủ tướng tới các thành viên Chính phủ liên quan đang kiểm điểm. Kết luận cụ thể chúng tôi sẽ công khai.
Theo người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng là người được giao thực hiện quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ đã có nghị định để cụ thể hóa quyền chủ sở hữu, theo đó, HĐQT là người đại diện trực tiếp tại doanh nghiệp.
Thủ tướng có trách nhiệm: Ra quyết định thành lập doanh nghiệp theo đề nghị. Thứ hai, phê duyệt quy hoạch chiến lược phát triển. Thứ ba: Quyết định cử công chức đại diện quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp. Báo cáo Chính phủ cũng nêu ra, tuy có nhiều cố gắng nhưng cơ chế, thể chế quản lý của chủ sở hữu đối với việc sử dụng vốn, thanh tra, giám sát còn nhiều lúng túng, nhiều kẽ hở.
Việc để lại cho dầu khí 3.500 tỷ đồng, Thủ tướng cho rằng chúng ta thiếu năng lượng nên cần tìm các nguồn năng lượng. Chủ trương PVN ra nước ngoài đầu tư là chủ trương đúng. Giếng chúng ta tham gia đầu tư tại Nga đã có dầu. Để thực hiện dự án của PVN có hiệu quả, chúng tôi hứa sẽ làm đúng chủ trương của Đảng, nhà nước.
Đối với chất vấn về những bài công kích đại biểu Quốc hội trên website Chinhphu.vn, Thủ tướng khẳng định: Tôi thường xuyên quan tâm chỉ đạo báo chí qua các cơ quan chức năng với tinh thần báo chí thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tôi không chỉ đạo, quản lý trực tiếp một tờ báo nào.
Còn website Chính phủ có chức năng là một tờ báo điện tử thuộc Văn phòng Chính phủ, do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc chịu trách nhiệm, phải thực hiện đúng quy định của pháp luật. Cũng như các tờ báo khác, nếu đăng tải sai chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì phải chịu trách nhiệm. Nói là "khôn ngoan" hay "không khôn ngoan" thì tôi không biết nói thế nào. Tôi đề nghị đại biểu Thuyết xem có đúng pháp luật hay không.
Trả lời băn khoăn của đại biểu Lê Minh Tiến về lĩnh vực quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch nguồn nhân lực, Thủ tướng cho biết: Cho tới nay chúng ta chưa làm được, mặc dù đã có một bước tiến dài trong vấn đề quy hoạch kinh tế - xã hội và chuyên ngành. Hiện, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đang tư vấn cho Chính phủ chương trình quy hoạch nhân lực theo từng ngành, từng lĩnh vực rồi sẽ tổng hợp lại thành chương trình nhân lực chung.
Đại biểu Vũ Hoàng Hà (Bình Định) chất vấn: Tình hình KT-XH cuối năm có nhiều bất lợi, quản lý điều hành vĩ mô có gì sai sót, chúng ta không thể đổ hết cho khách quan khi mà giá vàng, ngoại tệ nhảy múa 3-4 lần mỗi ngày. Thủ tướng có giải pháp gì?
|
Đại biểu Vũ Hoàng Hà (Bình Định). Ảnh: Sỹ Lực |
Về vấn đề Vinashin, Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cấu trúc, nhưng mục tiêu hoàn toàn lệ thuộc vào bên ngoài. Nếu thị trường bên ngoài thay đổi thì đề án này có khả thi không?
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 10 có nói sẽ xử lý nghiêm, minh bạch, công khai những cá nhân có trách nhiệm, việc xử lý có đảm bảo như trong Nghị quyết hay không? Thủ tướng thì nhận trách nhiệm còn các thành viên Chính phủ trả lời trước Quốc hội lại cho rằng "vô can", thái độ của Thủ tướng như thế nào đối với các thành viên này?
Đại biểu Võ Thị Hồng Thái (Bạc Liêu) lo lắng và bức xúc về tình trạng thiếu điện. Đại biểu Bạc Liêu ghi nhận ngành điện đã có nhiều cố gắng trong đầu tư phát triển, tuy nhiên hiện vẫn còn ba điểm nghẽn là chậm huy động vốn, cơ chế tài chính không đảm bảo (gần 10 dự án không thu xếp được vốn), giá điện thấp) khiến thiếu điện. Những giải pháp Thủ tướng đưa ra phù hợp nhưng khó thực hiện. Bao giờ Chính phủ trình Quốc hội sửa luật Điện lực, tại sao không tập trung phá điển nghẽn để đến năm 2015 huy động được 50.000 MW cho nền kinh tế?
Trả lời chất vấn về tình trạng đầu tư nhỏ giọt, không đạt mục tiêu các chương trình dự án, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng chúng ta đã có những thành tựu. Mặc dù việc đầu tư có tăng, nhưng so với nhu cầu, mong muốn thì chưa đạt. Có những cái vốn bố trí còn ít, Chính phủ mong được đồng bào chia sẻ. Với trách nhiệm của mình, tôi đã làm hết sức để huy động nguồn lực thích hợp, cao nhất có thể cho nông nghiệp, nông thôn.
Khủng hoảng vừa qua tác động lớn đến KT-XH trong nước. Về 6 điểm còn yếu kém của nền kinh tế, Chính phủ cũng đã báo cáo trước Quốc hội, trong đó có những vấn đề thuộc về trách nhiệm điều hành của Chính phủ. Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện tốt những nhiệm vụ Quốc hội giao.
Về vấn đề Vinashin, Thủ tướng khẳng định Chính phủ đã nói rõ nguyên nhân, trách nhiệm. Là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận trách nhiệm và đang tiến hành kiểm điểm làm rõ trách nhiệm những thành viên khác: "Chúng tôi sẽ không làm qua loa, mà làm nghiêm túc, đúng quy trình của Đảng, quy định của Nhà nước".
Chủ trì phiên họp Chính phủ vừa rồi, Thủ tướng sẽ báo cáo trước hội nghị T.Ư 14, kết quả thế nào sẽ công khai. Các Bộ trưởng đã trình bày trước Quốc hội nhưng Bộ trưởng nào liên quan đến đâu, trách nhiệm thế nào sẽ được làm rõ, đúng với thực tế.
>> Xem tiếp nội dung Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn Quốc hội sáng 24-11 tại đây
Nhóm PV
Vui lòng nhập nội dung bình luận.