Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu).
Chìa khoá thành công của Việt Nam nằm ở sự linh hoạt
Sáng 10/1, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
Nhìn lại năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, diễn biến thiên tai bất thường, còn Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn, đang trong quá trình hội nhập sâu với quốc tế. Vậy nên, mỗi động thái của khu vực và quốc tế đều ảnh hưởng tới Việt Nam.
Tuy nhiên, Thủ tướng vẫn đánh giá năm 2019 là năm ngành tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ về thu – chi NSNN và quản lý Nhà nước về tài chính ngân sách, đó là chỉ tiêu quan trọng đóng góp vào bức tranh thắng lợi toàn diện của nước nhà.
“Chúng ta đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng của đất nước. Bối cảnh thế giới có nhiều phức tạp như vậy, nhưng chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.
Không chỉ chú trọng tới số lượng, mà chất lượng, nhất là chất lượng tăng trưởng cũng được cải thiện. Năng suất lao động của nước ta, nhất là chỉ tiêu năng suất lao động tổng hợp (TFP) đã gia tăng. Cơ cấu lao động chuyển dịch không chỉ nhanh, tương đối chắc chắn, mà còn có nhiều tiến bộ, nhất là ở mảng công nghiệp và dịch vụ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
Phân tích sâu hơn về những thành tích ngành tài chính đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2019 là năm đầu tiên 100% các địa phương đều vượt thu ngân sách trong bối cảnh tình hình thu không quá căng thẳng như cách đây ít nhiều năm.
“Đặc biệt, các lĩnh vực thu lớn chúng ta đều vượt tốt. Vì vậy, nếu tính đầy đủ chúng ta sẽ vượt thu xấp xỉ 10%. Ngoài ra, Việt Nam không chỉ cán đích xuất nhập khẩu 517 tỷ USD mà còn xuất siêu lớn, ngược lại nếu nhập siêu lớn và kéo dài sẽ là cội nguồn của lạm phát.
Tăng trưởng tốt, nguồn thu tốt, nhưng lạm phát và các chỉ số vĩ mô lớn, quan trọng đều giữ ổn định, làm nền tảng phát triển bền vững cho cả hệ thống”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Từ đây, Thủ tướng khẳng định ngành tài chính đã đảm bảo cân đối tài chính – ngân sách nhà nước, góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô đặc biệt, là động lực phát triển vững chắc kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kể chuyện: “Thủ tướng Malaysia cách đây 20 năm khi sang thăm Việt Nam thì tưởng rằng nước ta cách xa Malaysia tới 30 năm, giờ đây ông ấy thấy Việt Nam và Malaysia giống nhau.
Về xuất khẩu, giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong quá khứ không bằng một nửa châu Phi, giờ giá trị xuất khẩu của cả châu Phi không bằng Việt Nam”.
Đóng góp vào thành tích này, Thủ tướng cho biết, ngành tài chính góp phần quan trọng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn trong nền kinh tế. Theo đó, Bộ Tài chính cùng Bộ KHĐT, Công Thương, NHNN đã chủ động phối hợp, điều hành lạm phát ở mức thấp nhất.
“Nhiều tổ chức cho rằng kinh tế Việt Nam không quá nóng dẫn tới lạm phát, không quá lạnh dẫn tới suy thoái, IMF cho rằng chìa khoá thành công của Việt Nam nằm ở sự linh hoạt.
Nợ công hiện đã ở mức dưới 55% GDP, giảm 10% so với năm 2016, dư địa huy động nguồn lực cho phát triển sắp tới là có”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Bộ Tài chính còn chậm, làm ảnh hưởng tới uy tín đất nước
Bên cạnh những kết quả toàn diện đã đạt được trong năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc nhở cán bộ ngành tài chính cần nhìn nhận và khắc phục những mặt chưa được, những hạn chế, bất cập. Nhất là không được chủ quan, thoả mãn với thành tích đạt được. Bởi đây là mong muốn và kỳ vọng của các cấp lãnh đạo với ngành tài chính.
“Từng cán bộ, công chức ngành tài chính phải nhìn lại mình. Tiếp tục đổi mới tư duy, chiến lược, thể hiện rõ tư duy kiến tạo, phục vụ, vì lợi ích chung của đất nước dân tộc. Đặc biệt, không né tránh, thoái thác nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó. Phải tiên phong trong quá trình đổi mới đất nước, đây cũng là truyền thống tốt đẹp trong lịch sử 75 năm của ngành tài chính.
Về kỷ luật, kỷ cương. Còn chậm trong đề xuất, xử lý kiến nghị của ngành, địa phương. Ví dụ có một số văn bản chậm và kéo dài. Có những việc Bộ Tài chính và một số Bộ làm chậm, gây ảnh hưởng tới uy tính đất nước. Về việc này tôi sẽ có văn bản chỉ đạo, kiểm điểm từng ngành, từng đơn vị, trong đó có Bộ Tài chính để các đồng chí rút kinh nghiệm chung. Tôi nêu ở đây để các đơn vị liên quan rút kinh nghiệm, anh nào làm chậm trễ phải được rút kinh nghiệm, bình bầu trong năm 2019, không thể nói là tốt hết”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, trao đổi với cán bộ ngành tài chính trước Hội nghị.
Đối với các lãnh đạo ngành tài chính, không chỉ nêu gương, Thủ tướng còn yêu cầu mỗi người phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống tham nhũng, tiêu cực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dặn dò: “Tôi đề nghị lãnh đạo Bộ, các Tổng cục trưởng, Cục trưởng quán triệt tinh thần tới từng cán bộ, công chức, nêu gương người đứng đầu, xử lý người có trách nhiệm, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn.
Thứ hạng nộp thuế còn xếp hạng rất thấp, đứng thứ 119/190 quốc gia. Các đồng chí phải có kế hoạch khắc phục cụ thể, tiếp tục cải thiện thứ hạng này, đảm bảo cạnh tranh tăng 10 bậc như Nghị quyết của Chính phủ. Muốn tăng 10 bậc, thuế phải tăng nhiều bậc để có môi trường kinh doanh ở trong nhóm đầu ASEAN.
Tôi mong muốn các ngành hải quan, thuế phải cố gắng, có biện pháp cụ thể hơn nữa”.
“Chúng ta vẫn còn lãng phí, hoa tươi cho nhiều hội nghị vẫn nhiều quá”
Bên cạnh quyết tâm và giải pháp để năm 2020 vượt thu ngân sách ít nhất 5%, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành tài chính phải siết chặt kỷ luật ngân sách. Trong đó, giảm chi hội nghị, hội thảo, khánh tiết, tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước để có nguồn chi cải cách tiền lương.
“Chúng ta vẫn còn lãng phí, hoa tươi cho nhiều hội nghị vẫn nhiều quá, không tiết kiệm được cái này; sự xa hoa một số lĩnh vực, ngành và doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn, phải tiết kiệm hơn, hay ô tô công vẫn nhiều”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở.
Đối với xe công Thủ tướng chia sẻ thêm về việc có khả năng sử dụng các xe ô tô sản xuất trong nước phục vụ chuyên chở các đại biểu, nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị ASEAN tới đây.
“VinFast là ô tô mang thương hiệu Việt Nam, phải được ủng hộ để mọi người dân có xe ô tô để đi, chứ không phải thi nhau mua xe đắt tiền. Lần này, Hội nghị ASEAN, các lãnh đạo cũng đều đi xe của Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Theo Thủ tướng, Bộ Tài chính cần xây dựng chính sách để nội địa hoá xe hơi cao hơn như Thaco nội địa hoá 40-50% tuỳ mẫu xe, hoặc sắp tới sẽ là VinFast. Phải ủng hộ doanh nghiệp trong nước sản xuất, tạo hệ sinh thái ô tô Việt Nam.
Nhấn mạnh lại câu chuyện nguồn thu ngân sách cần xuất phát từ sản xuất trong nước, hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành tài chính cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh phát triển. Phải làm sao cho “chiếc bánh” to hơn để có nguồn thu lớn hơn. Đây chính là câu hỏi về thể chế, chính sách mà ngành tài chính là đơn vị “cầm cân” quan trọng.
Bởi tài chính không chỉ là con số thu - chi NSNN, chỉ khư khư giữ tiền. Tài chính phải biết huy động, biết sử dụng tiền hiệu quả hơn và làm tiền đẻ ra tiền.
“Đổi mới không phải là từ cái nhà to mà chính đổi mới từ con người và thể chế. Tôi mong rằng chúng ta có bộ máy với những người giỏi, tâm huyết với sự nghiệp ngành tài chính”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.