Hôm 8/2, Tổng thống Zelensky bắt đầu chuyến thăm bất ngờ tới Vương quốc Anh và sau đó tới Pháp, nơi ông dùng bữa tối muộn với Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz trước hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) hôm 9/2.
Tuy nhiên không giống như năm ngoái, khi Thủ tướng Ý lúc đó là Mario Draghi thảo luận với ông Macron và ông Scholz về Ukraine, thì năm nay bà Meloni đã không được mời.
Phát biểu với các phóng viên khi đến dự hội nghị thượng đỉnh Brussels hôm 9/2, bà Meloni, người nhậm chức vào tháng 10 năm ngoái, cho biết bà nghĩ hành động này là "không phù hợp".
"Tôi nghĩ sức mạnh của chúng ta trong cuộc chiến này là sự đoàn kết", bà nói thêm. Sau đó, bà đã gặp ông Zelensky bên lề cuộc họp EU.
Khi được hỏi về những bình luận của bà Meloni, Tổng thống Macron trả lời các phóng viên: "Như các bạn đã biết, Đức và Pháp có một vai trò đặc biệt trong vấn đề Ukraine trong suốt 8 năm".
Tuy nhiên, mọi chuyện đã khác khi ông Draghi, cựu chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, làm thủ tướng. Ông Draghi đã cùng ông Macron và ông Scholz đến Kiev bằng tàu hỏa vào tháng 6 năm ngoái và đóng vai trò lãnh đạo cùng họ trong việc định hình sự phản đối của EU đối với Nga sau chiến dịch ở Ukraine.
Bà Meloni cũng cam kết duy trì lập trường ủng hộ Ukraine, bất chấp sự nghi ngờ của một số đồng minh trong liên minh của bà. Bà nói với các phóng viên hôm 9/2 rằng giúp đỡ Kiev là cách tốt nhất để mang lại hòa bình.
Nhấn mạnh việc sẵn sàng hỗ trợ Kiev, Ý và Pháp đã hoàn tất các cuộc đàm phán kỹ thuật vào tuần trước về việc cung cấp chung hệ thống phòng không SAMP/T-MAMBA cho Ukraine vào đầu năm nay.
Tuy nhiên, phong cách chính trị theo chủ nghĩa dân tộc của bà Meloni đã khiến bà mâu thuẫn với cả ông Macron và ông Scholz về một loạt vấn đề và mối quan hệ thân thiết mà ông Draghi đã tạo dựng được với Paris và Berlin dường như chỉ còn là một ký ức xa vời.
Tháng 11 năm ngoái, Paris cáo buộc chính phủ mới của bà Meloni vi phạm luật pháp quốc tế khi từ chối tiếp nhận người tị nạn và người di cư được cứu bởi một con tàu cứu hộ từ thiện. Thay vào đó, con thuyền đã phải cập bến ở Pháp.
Đầu tuần này, các bộ trưởng Pháp và Đức đã cùng nhau bay tới Washington để thảo luận về những khoản trợ cấp gây tranh cãi của Mỹ với các đối tác, ngoại trừ Ý, nhà sản xuất lớn thứ hai ở EU sau Đức.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.