Thu “vàng” từ nuôi chim yến, nhiều nơi xây nhà yến tiền tỷ trong khu dân cư

Thiên Ngân Thứ ba, ngày 27/06/2023 18:13 PM (GMT+7)
Với sản lượng tổ yến đạt khoảng 200 tấn/năm, mang lại giá trị khoảng 200 triệu USD/năm nên nuôi chim yến đang là nghề rất triển vọng và có thế mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, theo Bộ NNPTNT, nghề nuôi chim yến hiện còn nhiều bất cập cần sớm khắc phục.
Bình luận 0

Nghề nuôi yến bộc lộ nhiều bất cập

Theo thống kê của Bộ NNPTNT, hiện cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến. Số lượng nhà nuôi yến toàn quốc tăng mạnh trong những năm qua. Các địa phương có số lượng nhà yến tăng nhanh nhất là Kiên Giang, Khánh Hòa, Lâm Đồng. 

Tỉnh có số lượng nhà yến lớn nhất hiện nay là Kiên Giang (2.995 nhà yến), tiếp đến là Bình Định (1.722 nhà yến). Các vùng kinh tế có 100% số tỉnh có hoạt động nuôi yến gồm: Vùng ĐBSCL (13 tỉnh), Đông Nam Bộ (6 tỉnh), Nam Trung Bộ (8 tỉnh) và Tây Nguyên (5 tỉnh).

Tuy nhiên theo Bộ NNPTNT, việc nuôi yến còn nhiều bất cập. Trong đó, về quy hoạch, cơ sở nuôi chim yến phần lớn nằm xen lẫn trong khu dân cư (hơn 90%); ở một số tỉnh, người dân đầu tư xây dựng nhà yến kiên cố, chi phí lên tới tiền tỷ ngay trong khu vực đông dân cư như ở Kiên Giang, TP.HCM… 

Điều đáng lưu ý là từ cuối năm 2019, việc xây mới nhà nuôi yến phát triển tràn lan khiến chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn khó kiểm soát nên làm ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội và an ninh, trật tự ở địa phương.

Quản lý nuôi chim yến hiệu quả để thu “vàng” - Ảnh 1.

Tại Sóc Trăng, có hộ xin phép xây nhà ở nhưng biến thành nhà nuôi yến. Ảnh: Đức Xuân

Theo Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, sản lượng yến dự kiến đạt 350-400 tấn, với giá trị khoảng trên 1 tỷ USD. Đây thực sự là một nghề quan trọng và có hiệu quả kinh tế cao trong ngành chăn nuôi.

Hiện nay, Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đều giao cho UBND tỉnh xin ý kiến của HĐND tỉnh quy định vùng nuôi chim yến. Nhưng đến thời điểm này, đại đa số các tỉnh chưa có quy định nói trên, khiến người nuôi yến khó khăn trong việc xây mới nhà nuôi yến.

Còn có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân đến các tỉnh tư vấn xây dựng nhà yến nhưng mục đích chính là thu tiền tư vấn, bán vật tư làm nhà yến mà không quan tâm đến việc xây nhà yến xong, yến có đến ở hay không. Việc này có thể gây thiệt hại rất lớn cho người dân và ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý ngành.

Việc thống kê nhà yến, sản lượng tổ yến ở nhiều tỉnh chưa cập nhật. Các cơ sở nuôi yến còn chưa kê khai thực về diện tích nhà yến, sản lượng tổ yến, nên khó khăn cho các cơ quan quản lý các cấp.

Kỹ thuật nuôi chim yến cũng còn hạn chế ở trình độ, nghiệp vụ quản lý vì chưa được tập huấn, đào tạo chuyên môn. Rất nhiều trường hợp đầu tư xây nhà tốn kém hàng tỷ đồng mà không dẫn dụ được chim yến, hoặc vào rồi nhưng chúng lại bỏ đi nên rất lãng phí. 

Chim yến với đặc thù là chim hoang dã, sống thành đàn lớn, bay lượn trên cao nên rất khó kiểm soát dịch bệnh hơn các loại gia cầm khác khi dịch cúm gia cầm xảy ra.

Hoàn thiện chính sách, kiểm soát chất lượng

TS Nguyễn Văn Trọng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho biết, nuôi chim yến là một nghề cho sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế rất cao, giá bán có lúc 1.500 - 2.000 USD/kg tổ yến tinh chế. Nghề này đang phát triển rất nhanh, nhưng cũng gây ra nhiều hệ lụy về kinh tế, xã hội do chủ yếu làm tự phát, thiếu kỹ thuật trong xây dựng và vận hành nhà yến.

Ví dụ như tại Kiên Giang, theo Sở NNPTNT tỉnh, trên địa bàn hiện có hơn 2.450 hộ nuôi chim yến, với gần 3.000 nhà nuôi chim yến, tập trung trên địa bàn TP.Rạch Giá và Hà Tiên, các huyện Châu Thành, Hòn Ðất, Kiên Lương.

Quản lý nuôi chim yến hiệu quả để thu “vàng” - Ảnh 3.

Sản lượng tổ yến (yến sào) của Việt Nam đạt khoảng trên 130-150 tấn/năm. Sản phẩm yến sào Việt Nam đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand… Ảnh: Nguyên Vỹ

Quản lý nuôi chim yến hiệu quả để thu “vàng” - Ảnh 4.

Sản lượng yến sào thu hoạch năm 2022 của Kiên Giang ước khoảng 17,5 tấn, giá bán yến thô từ 15 - 25 triệu đồng/kg. Nhưng do nhà nuôi yến xây dựng nhiều trong nội ô đô thị, dẫn đến gây ô nhiễm môi trường và tiếng ồn phát ra từ thiết bị dẫn dụ, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi, chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. 

Mục tiêu đến năm 2024 hoàn thành công tác di dời, chấm dứt hoạt động các cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi.

Thời gian qua, Bộ NNPTNT cũng đã có nhiều nỗ lực trong công tác hoàn thiện pháp lý và kiểm soát chất lượng để có những lô yến đầu tiên được xuất khẩu mang lại giá trị cao. 

Trước đó, các chương trình hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã được tiến hành, như bản ghi nhớ xuất nhập khẩu sản phẩm tổ yến giữa Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam với Công ty Đông Nam Yến Đô (Trung Quốc). 

Tính đến ngày 19/6/2023, đã có 35 doanh nghiệp với khoảng gần 3.000 cơ sở nuôi chim yến (trong tổng số gần 24.000 cơ sở nuôi chim yến cả nước) đang tích cực chuẩn bị để sớm xuất khẩu các sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc.

Để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm yến chính ngạch, Bộ NNPTNT đang đề xuất về cơ chế để các bộ, ngành liên quan tập trung, ưu tiên các nguồn lực để chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến. 

Theo Bộ NNPTNT, việc gắn mã số đối với từng cơ sở nuôi chim yến là hết sức cần thiết, nhằm quản lý được tổng thể các nhà yến trên Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia do Bộ NNPTNT quản lý. Mặt khác, mã số này cũng sẽ dùng để truy xuất thông tin sản phẩm lưu thông trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem