Thú vị ở Hà Tĩnh: Giúp dân bán lúa, người dùng được ăn bún ngon

Thứ bảy, ngày 30/06/2018 13:30 PM (GMT+7)
Sau 3 năm thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả, Hợp tác xã thương mại dịch vụ (HTX TMDV) chế biến nông sản Hạnh Cường (xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) đã trở thành “bà đỡ” giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, từ khâu thu mua đến sản xuất lúa gạo và cung ứng ra thị trường tiêu dùng.
Bình luận 0

Đây là thời điểm chính vụ đối với các xã viên HTX TMDV chế biến nông sản Hạnh Cường. Không chỉ bận rộn với công việc thu mua lúa, tất cả các thành viên trong HTX đều phải dốc sức để phơi khô, bảo quản và tích trữ nguồn lúa chất lượng, sẵn sàng cho một năm chế biến gạo.

img

Vào vụ thu mua, HTX TMDV chế biến nông sản Hạnh Cường phải thuê thêm nhân công thời vụ để kịp thời thu gom lúa cho bà con nông dân.

Bà Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc HTX, chia sẻ: “Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên công việc thu mua suôn sẻ hơn. Chứ như các năm trước, có khi phải thu mua chạy lũ cho bà con không kể ngày hay đêm, vất vả không nói hết. Những lúc như vậy, mình làm là vì trách nhiệm, vì thương bà con chứ không còn vì lợi nhuận nữa”.

Dù đã cuối vụ thu mua nhưng mỗi ngày, kho hàng của HTX TMDV chế biến nông sản Hạnh Cường vẫn xuất đi hàng trăm tấn lúa. 16 lao động của HTX đều phải tăng ca để kịp với tiến độ thu mua. Bên cạnh đó, hoạt động chế biến gạo cũng vận hành nhịp nhàng, mỗi ngày cho ra lò khoảng 100 tấn gạo để "ra Bắc, vào Nam" phục vụ cho các cơ sở chuyên sản xuất bún bánh.

img

HTX TMDV chế biến nông sản Hạnh Cường vừa đầu tư băng chuyền hiện đại phục vụ thu mua chế biến.

Thị trường tiêu thụ gạo của HTX Hạnh Cường ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước nhưng tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Đắc Lắc, Lâm Đồng, Gia Lai. Gạo của HTX chủ yếu là gạo Khang dân – giống lúa gạo chủ lực của bà con nông dân Hà Tĩnh.

Bà Nguyễn Thị Thuận – thành viên HTX cho biết: “Gạo Khang dân hạt nhỏ thon, trắng trong, ít gãy, rất thích hợp để làm bún, bánh phở, mỳ, bánh cuốn, gạo quán cơm, gạo nhà hàng, nấu rượu bia, hay làm nguyên liệu thực phẩm. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường ở lĩnh vực này nên HTX đầu tư dây chuyền xay xát, chế biến gạo quy mô, hiện đại. Đây không chỉ là cách giúp bà con tiêu thụ nông sản mà còn nâng cao giá trị sản phẩm”.

img

Công nhân đóng gói gạo thành phẩm để xuất ra thị trường.

Từ chỗ chỉ sản xuất ở mặt bằng 150m2 với 1 dây chuyền công suất 3 tấn/giờ, HTX đã mở rộng quy mô kho bãi hơn 600 m2 với hệ thống băng chuyền hiện đại. Tổng mức đầu tư kho bãi khoảng hơn 2 tỷ đồng. Đến nay, đơn vị đang tìm hiểu và đặt mua dây chuyền xay lúa ra gạo thành phẩm công suất lớn nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng hạt gạo.

Không chỉ là “bà đỡ” giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản, HTX Hạnh Cường còn tạo việc làm thường xuyên cho 16 lao động với mức thu nhập từ 7 – 10 triệu đồng. Hoạt động thu mua và chế biến của HTX đưa về doanh thu hơn 60 tỷ đồng/năm.

img

Dây chuyền sản xuất gạo của HTX công suất nhỏ, hiện không đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ thị trường nên HTX đang đặt mua dây chuyền mới.

Hiện nay, khó khăn nhất đối với HTX là việc xây dựng thương hiệu cho gạo Khang dân Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, hệ thống kho bãi mặc dù đã được mở rộng nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thu mua, dự trữ và chế biến gạo.

"Mặc dù hoạt động đã 3 năm nay nhưng chúng tôi vẫn chưa tiếp cận được các nguồn vốn lãi suất thấp dành cho HTX. Vì vậy, thời gian tới, HTX mong muốn được hỗ trợ từ các ngành chức năng, chính quyền địa phương về việc thuê mặt bằng, vay vốn và hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng thương hiệu để HTX ngày càng hoạt động có hiệu quả hơn" - Giám đốc HTX TMDV chế biến nông sản Hạnh Cường Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh.

Trâm Phương (Báo Hà Tĩnh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem