"Thừa thầy kém, thiếu thợ giỏi"

Tùng Anh Thứ hai, ngày 16/11/2015 16:21 PM (GMT+7)
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD ĐT Phạm Vũ Luận xung quanh chất vấn của các đại biểu chiều 16.11 về việc đào tạo đại học (ĐH) đang ngày càng trầm trọng hơn vấn đề… thừa thầy, thiếu thợ.
Bình luận 0

Theo ông Luận giải thích, nguyên nhân của việc đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội dẫn đến việc cử nhân thất nghiệp nhiều, thừa thầy, thiếu thợ… .là hậu quả của việc phát  triển “nóng” quy mô các trường ĐH - CĐ theo Nghị quyết 14 của Chính phủ từ năm 2005. Trong đó nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2020 sẽ phấn đấu đạt chỉ tiêu 450 sinh viên/vạn dân. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện thì gặp những vướng mắc nêu trên, Bộ GD ĐT đã kiến nghị ban hành Quyết định 37 điều chỉnh chỉ tiêu xuống còn 256 sinh viên/ vạn dân.

“Từ đó đến nay, Bộ GD-ĐT đã có những động thái mạnh mẽ trong việc điều chỉnh lại mạng lưới, cơ cấu các trường ĐH, CĐ: thanh kiểm tra các điều kiện thành lập, đóng, mở ngành; yêu cầu các trường thực hiện chỉ tiêu về giảng viên/ sinh viên; số m2 sàn/ sinh viên; điều chỉnh quy mô đào tạo tại chức; chấm dứt đào tạo từ xa ở một số ngành nghề” – ông Luận nói.

img

Đào tạo ĐH CĐ hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động (minh họa)

Ngoài ra, ông Luận cho biết thêm, việc gắn kết đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động cũng được làm mạnh mẽ. Trong thành phần hội đồng các trường ĐH- CĐ tới đây sẽ bắt buộc phải có mặt đại diện các doanh nghiệp hoặc chuyên gia nước ngoài nhằm góp phần thẩm định, đánh giá chất lượng đào tạo của các trường, vì vậy tương lai việc đào tạo chắc chắn sẽ “khớp” với nhu cầu thị trường hơn.

“Một lần nữa tôi khẳng định là chúng ta không thừa thầy, thiếu thợ. Chúng ta chỉ thừa thầy kém, thiếu thợ giỏi mà thôi. Quan trọng là chúng ta tìm hướng đổi mới đào tạo để có được nhiều thầy giỏi, thợ giỏi hơn” – ông Luận nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem