Thừa Thiên Huế, Nam Định hiến kế ngăn chặn các nguy cơ khiến văn hóa thụt lùi

Hà Thúy Phương Thứ hai, ngày 27/02/2023 13:10 PM (GMT+7)
Tại Hội thảo nhân kỷ niệm 80 năm "Đề cương về văn hóa Việt Nam", ngày 27/02/2023, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định Lê Quốc Chỉnh đã đưa ra giá trị thực tiễn của Đề cương văn hóa Việt Nam khi áp dụng vào các địa phương.
Bình luận 0

Tập trung khai thác và phát huy giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể  

Phát biểu tham luận tại Hội thảo cấp Quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển" diễn ra sáng nay (27/2), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, vận dụng ba nguyên tắc vận động để xây dựng nền văn hóa mới được nêu ra trong Đề cương về văn hóa Việt Nam là "Dân tộc hóa", "Khoa học hóa, "Đại chúng hóa"...  cùng với đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế rất quan tâm đến văn hóa. Làm cho văn hoá thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc của nhân dân. 

Tỉnh Thừa Thiên Huế và Nam Định vận dụng tư tưởng của "Đề cương về văn hóa Việt Nam" có hiệu quả? - Ảnh 1.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ. Ảnh: thuathienhue

Đồng chí Phan Ngọc Thọ khẳng định, đối với các di tích lịch sử và văn hóa, ý thức bảo vệ của người dân được nâng cao, do đó công tác bảo tồn, tôn tạo di tích ở các địa phương được tiến hành thuận lợi hơn. Các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng phục vụ hoạt động văn hóa, văn nghệ. Festival Huế là một sự kiện văn hóa điển hình tiêu biểu, trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế, là dịp để giới thiệu và quảng bá hình ảnh, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Huế nói riêng một cách sinh động, hấp dẫn nhất. Hiện nay, Thừa Thiên Huế được đánh giá là địa phương có môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, giữ tốt bản sắc văn hóa truyền thống.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết, trong tiến trình xây dựng Huế là thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường và thông minh theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị; tỉnh xác định, thực hành văn hóa Huế từ trong mỗi gia đình - nhà trường - xã hội, từ cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội, để Huế luôn gìn giữ những bản sắc văn hóa của mình nhưng vẫn tiếp thu những cái mới, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, vừa làm giàu bản sắc văn hóa, vừa hội nhập một cách chủ động, tích cực: 

Tôn vinh Ẩm thực Huế - với những món ăn Huế phong phú, mang hương vị của sản phẩm nơi đồng ruộng, đầm phá, núi sông, song cũng không kém phần sang trọng, tinh tế với cách bài trí món ăn mang đậm tính chất cung đình. 

Xây dựng thương hiệu "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam" - nơi tập trung các loại hình trang phục áo dài phong phú và đẹp nhất. Áo dài đã sinh ra từ Huế, tỏa sáng ở Huế, trở thành biểu trưng của một chế độ văn minh "Y quan rực rỡ", biểu tượng cho sự thống nhất về văn hóa của một dân tộc dòng dõi con Rồng cháu Tiên. 

"Khai thác và phát huy giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể di tích cố đô Huế là giải pháp tốt nhất để bảo tồn di tích, làm cho di tích sống, hòa vào cuộc sống của xã hội đương đại, có tác dụng giáo dục và nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, tạo nguồn sinh lợi để bảo tồn di tích, góp phần phát triển kinh tế - xã hội...", Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế khẳng định.

Theo ông Phan Ngọc Thọ, nằm trong lòng của"một kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị", phần lớn các di tích của Huế đều là những kiến trúc nghệ thuật được bố trí hài hòa với thiên nhiên trong những không gian rộng lớn, việc chỉnh trang đô thị cũng được Huế triển khai đồng bộ và quyết liệt, nâng cấp các trục đường giao thông nội thị; chỉnh trang, tôn tạo 2 bên bờ sông Hương, nạo vét sông Ngự Hà và tu bổ kè Hộ Thành Hào; giải tỏa dân cư ở các khu vực di tích (Thượng Thành và Eo Bầu), từng bước trả lại các giá trị cảnh quan vốn có của Cố đô Huế. 

Hoạt động lễ hội thường xuyên được thực hiện, như: Lễ Phật đản, Vu Lan, Thành đạo, Lễ hội Quán Thế Âm, Lễ cầu quốc thái dân an, Lễ tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông, Đại lễ cầu siêu các Anh hùng liệt sĩ, cử 9 hồi Đại hồng chung nhân ngày Thương binh - liệt sĩ 27/7 hằng năm tại các tự viện, trình diễn vũ hội lục cúng hoa đăng... 

Những hoạt động này được tổ chức trang trọng, thu hút đông đảo tín đồ, nhân sĩ, trí thức, sinh viên, nhân dân trong và ngoài tỉnh tham dự, đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, và duy trì nét đẹp văn hóa trong đời sống sinh hoạt thường ngày từ văn hóa ứng xử, giao tiếp, văn hóa trang phục, lễ hội, phong tục tập quán đến văn hóa ẩm thực, đồng thời truyền dạy thế hệ trẻ ngày càng được biết đến nền văn hóa dân tộc, quê hương.

Tỉnh Thừa Thiên Huế và Nam Định vận dụng tư tưởng của "Đề cương về văn hóa Việt Nam" có hiệu quả? - Ảnh 2.

Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định Lê Quốc Chỉnh. Ảnh: TTXVN

Trong tham luận "Vận dụng tư tưởng của Đề cương Văn hóa Việt Nam tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở tỉnh Nam Định”, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định Lê Quốc Chỉnh cũng cho biết, tỉnh Nam Định đã đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. 

Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có nhà văn hóa; 100% thôn, xóm có nơi sinh hoạt văn hóa. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được quan tâm phát triển, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ngày càng phát triển cả về lượng và chất, đi vào chiều sâu. 

Toàn tỉnh hiện có 87% hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 97% thôn, xóm, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa; trên 85% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư, bài trừ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội, khơi dậy lối sống văn hóa lành mạnh, tinh thần đoàn kết giúp nhau cùng phát triển kinh tế ngày càng lan tỏa rộng khắp.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, coi trọng công tác giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, xây dựng văn hóa, con người Nam Định được đẩy mạnh. Tỉnh Nam Định có gần 1.400 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 314 di tích cấp quốc gia, di tích cấp tỉnh, 10 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó 01 di sản văn hóa phi vật thể được Unesco ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bảo tàng tỉnh đang trưng bày, bảo quản hơn 25.000 tài liệu, hiện vật; có 05 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Để bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, tỉnh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các cơ quan đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất các phương án bảo tồn. Theo đó, đã có nhiều đề tài về văn hóa thời Trần, văn hóa tôn giáo, danh nhân văn hóa… được nghiên cứu ở mức độ đề tài cấp tỉnh, cấp quốc gia và được áp dụng vào thực tiễn nhằm bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa.

Một số công trình xây dựng nhà lưu niệm được tỉnh chỉ đạo cải tạo, nâng cấp; các địa phương trong tỉnh cũng tăng cường xây dựng các nhà truyền thống, phòng truyền thống, nhà trưng bày nhằm lưu giữ và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa của quê hương, giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp lòng yêu nước và nhân cách cho thế hệ trẻ.

Tỉnh Thừa Thiên Huế và Nam Định vận dụng tư tưởng của "Đề cương về văn hóa Việt Nam" có hiệu quả? - Ảnh 3.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ảnh: BTC

Các kế sách mang tính chiến lược để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh

Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định Lê Quốc Chỉnh khẳng định, việc tập trung xây dựng con người phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thấm nhuần quan điểm con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển và phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; trong những năm qua tỉnh Nam Định có nhiều chủ trương, chính sách để tập trung phát triển con người Nam Định có sức khỏe, tri thức, nhân cách, phẩm chất đạo đức.

Đặc biệt, Nam Định rất chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực. Tỷ lệ lao động có việc làm đã qua đào tạo đạt trên 75%. Ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh giữ vững thành tích gần 30 năm liên tục dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục; trong 8 năm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, có 6 năm đứng thứ nhất, 02 năm đứng thứ nhì toàn quốc về điểm trung bình các môn thi.

Trong dòng chảy của văn hóa dân tộc Việt Nam, cũng như các địa phương khác, Thừa Thiên Huế đang đứng trước nhiều vấn đề của sự xâm nhập văn hóa từ bên ngoài, của mặt trái nền kinh tế thị trường kéo theo rất nhiều hệ lụy cho xã hội. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế luôn đề cao văn hóa dân tộc, có nhiều biện pháp đồng bộ kịp thời ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa mang nội dung không lành mạnh, nhất là qua mạng Internet. 

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời, đồng bộ các hoạt động biểu diễn, phim ảnh sai pháp luật, lệch chuẩn, phản cảm và trái với thuần phong, mỹ tục truyền thống, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa tốt đẹp của nhân dân. Tích cực tuyên truyền, lan tỏa những đức tính tốt đẹp của văn hóa Huế, con người Huế, làm giàu truyền thống và bản sắc văn hóa của vùng đất.

Tỉnh Thừa Thiên Huế và Nam Định vận dụng tư tưởng của "Đề cương về văn hóa Việt Nam" có hiệu quả? - Ảnh 4.

Hội thảo nhân kỷ niệm 80 năm "Đề cương về văn hóa Việt Nam". Ảnh: Huấn Trần - Nam Nguyễn

Bảo tồn và phát huy, lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa có tác động tương hỗ lẫn nhau trong quá trình phát triển chung của xã hội. Dưới ánh sáng của "Đề cương về văn hóa Việt Nam" và đường lối văn hóa của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với những nỗ lực cao nhất và những lợi thế sẵn có của mình, đặc biệt là trong bối cảnh toàn tỉnh đang nỗ lực triển khai Nghị quyết số 54-TW/NQ của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên nền tảng bảo tồn di sản văn hóa và bản sắc văn hóa Huế, Huế đã và đang hành động theo hướng cân bằng và kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển bền vững để góp phần bảo vệ và lan tỏa, phát huy các giá trị của các di sản, nhất là di sản đã được UNESCO ghi danh, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế, bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam.

“Tiếp tục phát triển sự nghiệp văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực thúc đẩy phát triển bền vững. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; phát huy yếu tố văn hóa trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư”, đại diện tỉnh Nam Định phát biểu.

Theo ông Lê Quốc Chỉnh, phát huy những kết quả đã đạt được và góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế. Tự hào là quê hương của Tổng Bí thư Trường Chinh - Người soạn thảo bản Đề cương văn hóa Việt Nam; trong thời gian tới, tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng và phát triển văn hóa; để văn hóa là sức mạnh nội sinh, là động lực xây dựng quê hương Nam Định ngày càng giàu mạnh, văn minh, phát triển bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem