PGS, TS Phạm Quang Long: Yếu tố thị trường khiến văn hóa chệch choạc!
PGS.TS Phạm Quang Long: Yếu tố thị trường khiến văn hóa chệch choạc!
Thanh Hà - Trần Việt Phương
Thứ sáu, ngày 24/02/2023 14:15 PM (GMT+7)
"Bản chất văn hóa mang tính nhân văn, tiến bộ, tích cực giúp cho con người tiến bộ nhưng hiện nay, đôi khi nó bị nhạt nhoà đi dưới cái nhìn chưa hoàn toàn chính xác, yếu tố thị trường cũng khiến cho văn hóa chệch choạc", PGS. TS Phạm Quang Long chia sẻ với Dân Việt.
Thưa PGS.TS Phạm Quang Long, Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 đã ra đời được 80 năm, trong suốt chặng đường đó, giá trị lịch sử, thực tiễn của Đề cương Văn hóa Việt Nam trong sự phát triển và thay đổi văn hóa, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại, ông nhìn nhận và đánh giá thế nào?
- Theo tôi, phải nhìn lại nó trong thời điểm bắt đầu, ở thời điểm xuát phát thì mới so sánh được phát triển và thay đổi ra sao. Tuy nhiên, văn hóa là dòng chảy liên tục có những giai đoạn khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là vào thể chế. Nếu nhìn rộng ra có thể thấy, các thể chế trước đó đã có ý thức sử dụng văn hóa gắn với công việc của mình nhưng không nhìn một cách toàn diện, trực tiếp mà nhìn nó như một hoạt động tinh thần góp sức vào công việc của thể chế nhưng ở mức bị nhiều hạn chế.
Hạn chế do chưa nhận thức được đầy đủ vai trò của nó, do chưa thấy sự cần thiết phải sử dụng nó như một bộ phận hợp thành có vai trò đặc biệt với thể chế chẳng hạn. Chỉ từ khi Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 ra đời, lần đầu tiên Đảng đưa ra được cương lĩnh về văn hóa mang tính chất trực tiếp, toàn diện ở nhiều cấp độ.
Đảng đã nhìn thấy vai trò, vị trí, tính chất của văn hóa trong cuộc cách mạng xã hội. Từ đó đến khi giành được chính quyền và cho đến tận ngày nay, văn hóa được nhìn như một bộ phận của cuộc cách mạng xã hội, cũng có tổ chức, thể chế và không cho tổ chức chính trị xã hội nào điều hành nó.
Tư tưởng quán xuyến "văn hóa soi đường cho quốc dân đi" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất, rồi sau này chúng ta nhận thấy vai trò của văn hóa trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, văn hóa xây dựng chế độ xã hội mới, văn hóa kêu gọi toàn dân đứng lên chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ tổ quốc với tinh thần "không có gì quý hơn độc lập tự do", sau này là tiến hành thực hiện công cuộc mở cửa đổi mới, hội nhập, cùng chung ta xây dựng một đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc…Tất cả những điều đó đều nằm trong đường hướng văn hóa mới, khác hẳn với những giai đoạn trước đó trong lịch sử dân tộc.
Khác về mục tiêu, khác về tính chất, về phương thức, về cách tổ chức và đến bây giờ Nhà nước xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển. Trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" là nói tới định hướng, bây giờ chúng ta nói những điều cụ thể hơn như văn hoá tham gia vào phát triển kinh tế xã hội như thế nào, văn hóa là động lực, là mục tiêu của sự phát triển ra sao…
Gần đây Đảng nhấn mạnh vấn đề văn hóa góp phần đem lại sự phồn vinh cho đất nước như thế nào và quyền hưởng thụ văn hóa của nhân dân… tức là đã coi văn hóa không phải chỉ là hoạt động của một số người mà là văn hóa thuộc về đất nước, dân tộc, là xây dựng một nền văn hóa cho quốc gia và nhìn thấy sức mạnh vật chất của nó trong công cuộc cách mạng này.
Chạy theo giá trị kinh tế làm nhạt nhòa giá trị đích thực của di sản
Theo ông trong thời điểm hiện tại, phát triển văn hóa đã tác động tới đời sống xã hội như thế nào?
- Tôi cho rằng hiện nay đời sống văn hóa có hai mặt được nhận thức rất rõ. Về mặt lý thuyết, các nhà nghiên cứu nhìn sâu hơn vào bản chất của văn hóa, ở góc độ bản thể của nó, nghiên cứu sự vận động của đời sống văn hóa, phong trào văn hóa và con người là chủ thể văn hóa.
Người ta cũng đã nói đến công nghiệp văn hóa và dự báo đây sẽ là một ngành đem lại lợi nhuận cao-điều trước đây chưa hề được nói đến. Như thế, có thể thấy, người ta nhìn thấy khía cạnh kinh tế của nó, có thể sản xuất ra của cải vật chất, góp phần phát triển xã hội, con người thì đây là mặt mạnh, là mặt được của văn hóa. Nhưng mặt không được của nó là đôi khi nó bị nhạt nhoà dưới cái nhìn chưa hoàn toàn chính xác. Ví dụ như yếu tố thị trường và lấy mục tiêu kinh tế làm đầu khiến cho văn hóa có lúc bị chệch choạc.
Chẳng hạn, khi khai thác các di sản văn hóa người ta chú ý đến lợi ích kinh tế nhiều hơn là quảng bá chất nhân văn, giá trị tinh thần của di sản; trong các lễ hội văn hóa người ta cũng chú ý đến kinh tế nhiều hơn, đến nhu cầu giải trí của quần chúng khiến tính chuyên nghiệp cũng bị giảm sút, làm mất tính chuyên nghiệp. Cách nhìn này làm nhạt nhòa giá trị đích thực của di sản.
Ông có thể nói cụ thể hơn về yếu tố thị trường làm ảnh hưởng đến giá trị đích thực của văn hóa?
- Tôi lấy ví dụ, tất cả các lễ hội văn hóa, từ lễ hội truyền thống đến lễ hội hiện đại luôn có các nhà tài trợ đứng sau ban tổ chức và thông thường họ chỉ chú ý đến khai thác lợi nhuận mang lại như thế nào, các hoạt động kinh doanh, các hoạt động triển lãm sẽ mang lại lợi ích kinh tế ra sao. Tức là người ta chỉ chú ý đến lợi ích kinh tế nhiều hơn là chú ý đến giá trị tinh thần. Bạn cứ đi khảo sát một lễ hội truyền thống hay lễ ra mắt của một hoạt động gì đó có sử dụng di sản văn hóa sẽ thấy chất văn hóa bị lép vế hơn nhiều so với những lợi ích kinh tế.
Hay như trong công tác phục hồi di sản người ta thường làm mới di sản. Như vậy nhìn thoáng qua tưởng rằng đang phát triển vốn cổ dân tộc, nhưng về bản chất lại đang làm hại di sản.
Hoặc bây giờ người ta hay nói đến cụm từ du lịch tâm linh. Tôi nói ngay, tôi bị dị ứng khi nghe nói đến cụm từ này vì trong thực tiễn điều đó ít xảy ra. Đức tin bị nhạt nhòa khi người ta đi đến các cơ sở tôn giáo như đi chơi hội, đi cầu xin lợi lộc chứ không xuất phát từ tình cảm thiêng liêng gắn với đức tin thanh sạch, người ta đi du lịch đến các cơ sở này thì đúng hơn. Phần đông người ta đi tìm đến những nơi có hội vui vẻ, náo nhiệt, là đi theo nhu cầu sinh hoạt chứ không đi với tâm thế bắt đầu từ đức tin, không phải từ niềm tin thanh sạch, lành mạnh của những con người trước đây.
Nghĩa là những hệ lụy của việc này sẽ không hề nhỏ đối với phát triển văn hóa?
- Tôi có gần 10 năm làm quản lý văn hóa, tôi thấy ở bất kỳ lễ hội nào về văn hóa kể cả truyền thống lẫn hiện đại, các nhà đầu tư, các nhà tài trợ bao giờ cũng đặt ra câu hỏi tham gia việc này chúng tôi được lợi gì?
Ví dụ, tổ chức một lễ hội làng nghề thì quảng bá nghề là cần thiết, nhưng người ta phải tổ chức hoạt động kiểu nào để thu lợi về cho mình nhiều nhất. Từ món ăn đến tổ chức lễ hội, tổ chức vui chơi... tức là dấu ấn của lợi ích kinh tế, lợi ích vật chất được đặt ra trước khi người ta nghĩ đến những giá trị tinh thần, đấy là điều không phải hay ho gì.
Hay nhiều khi hiểu về giá trị rất sai. Ví dụ như hát quan họ mà lại nghĩ đến lập kỷ lục đông người hát nhất, làm bánh chưng tế Tổ tiên mà lại độn cả xốp vào để có chiếc bánh to nhất thì còn có được gọi là thành kính với Tổ tiên, tôn trọng truyền thống nữa không? Người xưa thấm nhuần quan niệm làm từ thiện đừng nên nghĩ đến việc người khác trả công. Bây giờ tập đoàn, công ty, cá nhân nào làm từ thiện cũng tổ chức quảng bá, vinh danh ồn ào không cần thiết. Rồi còn dựng bia, đặt biển, ghi danh… rất phản cảm.
Đó là về lễ hội còn nhìn ở góc độ về nghệ thuật, về các tác phẩm văn học - nghệ thuật thì sao, thưa ông?
- Câu hỏi này phải nhìn đa diện hơn. Nói đến nghệ thuật đỉnh cao cũng cần phải có quá trình, có sự chuẩn bị mà chưa chắc đã có. Nó cũng là lẽ tự nhiên thôi. Như hoa trước đó phải có nụ, rồi hoa mới nở, nhưng hoa nở rồi chưa chắc đã có quả ngon, quả ngọt. Với văn học, nghệ thuật đỉnh cao cũng vậy, phải có quá trình tích lũy và sáng tạo nghệ thuật tuân theo quy luật của riêng nghệ thuật, không phải bao giờ tương đồng với sự phát triển kinh tế. Có những thời kỳ xã hội rất đau khổ, thậm chí là loạn lạc nhưng lại có những tác phẩm để đời, còn có thời kỳ xã hội phát triển thịnh trị chưa chắc đã có tác phẩm lớn.
Như thời Lê Thánh Tông vẫn được coi là thời kỳ thịnh trị của xã hội phong kiến Việt Nam, có hẳn một Tao đàn bao gồm 28 người được coi như những người tài giỏi cả, nhưng thơ của thời kỳ ấy ít có đỉnh cao, phần nhiều là thơ xưng tụng, thù tạc, ngâm vịnh. Thời Nguyễn Du loạn lạc thế nhưng lại có những tác phẩm lớn và nhiều tác giả lớn như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát…
Điều tôi muốn nói thêm là ý thức về giá trị hiện nay có nhiều vấn đề. Chúng ta có rất nhiều danh hiệu, giải thưởng, kể cả các danh hiệu cao quý, ở nhiều lĩnh vực nhưng đỉnh cao không nhiều, trong đó có không ít danh hiệu vốn là các hội đồng trao tặng, chứ chưa phải những danh hiệu được bạn nghề tôn vinh và thiếu sức lan tỏa như là trong giai đoạn trước đó. Vì sao ư, tôi cũng chưa có câu trả lời nhưng tôi nghĩ có khi ở những trường hợp như vậy, danh lớn hơn thực, mà điều đó đúng thì không nhận được sự tôn vinh cần thiết cũng hợp lẽ thôi.
Phát triển văn hóa trong bối cảnh hiện tại lẫn lộn vàng thau, trong xã hội có cả đạo đức và phi luân
Theo ông phát triển văn hóa trong bối cảnh hiện tại còn có những hạn chế nào?
- Tôi không phải là người nghiên cứu sâu về văn hóa nên không thể trả lời nhưng tôi nghĩ rằng cần phải điều tra xã hội học nghiêm túc, bài bản mới có thể trả lời đầy đủ được. Tuy nhiên, theo cảm nhận của cá nhân, phát triển văn hóa trong bối cảnh hiện tại đang đan xen giữa cái tử tế và cái không tử tế, giữa cái giá trị đích thực và giá trị ảo, giữa cái rất tốt và cái không tốt. Tình trạng của xã hội chúng ta hiện nay đang ngổn ngang rất nhiều vấn đề và trong văn hóa cũng thế, trong sáng tạo cũng vậy.
Trong xã hội có cả đạo đức và phi luân, lẫn lộn vàng thau trong định giá, giá trị và cần một thời gian để xã hội lắng lại theo cách nhận thức chuẩn mực các vấn đề thì sẽ nhận ra đâu là giá trị đích thực, đâu là bèo bọt.
Tôi cho rằng ở đây có nguyên nhân ở nhận thức về văn hóa con người chưa hoàn toàn chính xác. Ví dụ như chúng ta đề cao con người chính trị, con người danh vọng, con người kinh tế, con người có địa vị xã hội nhưng chúng ta lại ít chú ý đến giá trị con người đạo đức, những giá trị nhân văn, hoặc về chính thống đề cao con người đạo đức, trách nhiệm nhưng trên thực tế lại đuổi theo những lợi ích vật chất, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân nên tình trạng giả dối đang có nguy cơ làm suy thoái đạo đức xã hội.
Bản chất của văn hóa là đa nguyên, là cộng sinh, là giao thoa và thỏa hiệp... nhưng hiện nay chúng ta lại đề cao khía cạnh chính trị của văn hóa thì rõ ràng chúng ta đã bỏ qua nhiều yếu tố khác. Tại sao dạy thật, học thật vốn là công việc của nhà trường nhưng hiện tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, thậm chí Thủ tướng cũng phải kêu gọi nhà trường và xã hội phải "làm thật" - một việc vốn tự nó phải vậy. Về bản chất, điều đó đồng nghĩa với thái độ giả dối cả trong nhà trường và xã hội.
Nhắc dến giáo dục, thưa ông, trong bối cảnh hiện nay, công nghệ 4.0 phát triển, xã hội số, chuyển đổi số khiến cho thông tin trên mạng xã hội thực sự bùng nổ. Các trang mạng xã hội như youtube, tiktok…với nhiều thông tin thu hút người xem từ thế hệ lớn tuổi cho tới trung niên, thanh niên và trẻ nhỏ. Theo ông điều này tác động thế nào tới đời sống văn hóa, tới thế hệ trẻ? Ảnh hưởng thế nào về mối nguy văn hóa dân tộc bị mai một?
- Tôi có nghe nói về điều này nhưng không có hiểu biết nên không dám nói nhưng cảm nhận của tôi thế này: Nhân loại đã vượt qua nhiều cuộc cách mạng xã hội, cách mạng tư tưởng, cách mạng khoa học kỹ thuật. Sau mỗi cuộc cách mạng ấy nhân loại lại bước một bước về phía văn minh, đến sự hoàn thiện hơn và con người hạnh phúc hơn.
Hạnh phúc hơn ở cả mức sống, hưởng thụ nền văn minh và con người bộc lộ hết năng lực của mình. Tôi không bi quan về điều đó. Vấn đề là con người làm thế nào để thích nghi, làm gì để sử dụng những thành quả ấy để phục vụ cho mình. Trước khi có internet, youtube, tiktok… biết bao lo lắng đã xảy ra vì lo ngại sẽ không làm chủ được các phương tiện này và thực chất cũng có không ít bi kịch, đổ vỡ bắt đầu từ những phương tiện đó.
Nhưng loài người vẫn cứ tiến về phía trước và hiện nay, con người sống không thể thiếu các phương tiện ấy. Không phải chỉ để thỏa mãn về mặt tinh thần mà để sống, làm việc bình thường. Cái bất thường, khác thường, cái mới sẽ được tiếp nhận, thích nghi rồi trở thành bình thường (tôi nói ở khía cạnh công nghệ, phương tiện chứ không nói cái bất thường về tinh thần, đạo đức…) và con người phải chuẩn bị để thích nghi nếu không muốn bị tụt hậu.
Cách nghĩ mới của các nhà công nghệ bắt chúng ta thay đổi và trên thực tế nó đang làm thay đổi thế giới. Đúng như câu nói của một nhà thông thái, giới hạn của cái chưa biết sẽ làm giảm khát vọng của chúng ta và nếu chúng ta chuẩn bị một tâm thế vững vàng sẽ vượt qua thử thách. Đó cũng là một nội dung của nhận thức văn hóa trong quá trình phát triển.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.