Thực hiện các giải pháp tăng cường công tác truyền thông về việc làm
Thực hiện các giải pháp tăng cường công tác truyền thông về việc làm
Thùy Anh
Thứ sáu, ngày 14/04/2023 11:21 AM (GMT+7)
Thị trường lao động Việt Nam năm 2023 bắt đầu có sự phục hồi, tuy vẫn còn những hạn chế bất cập. Điều này đòi hỏi cần có những giải pháp hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bền vững của thị trường lao động.
Nhiều vấn đề đặt ra trong công tác truyền thông về việc làm
Sáng nay (14/4), Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) đã triển khai Hội nghị Tập huấn Công tác truyền thông về lĩnh vực việc làm tại Đà Nẵng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho biết đây là sự kiện nhằm kết nối, cung cấp thông tin về lĩnh vực việc làm tới các phóng viên và cơ quan, qua đó nâng cao chất lượng truyền thông về lĩnh vực việc làm trên báo chí.
Ông Bình cũng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên cục tổ chức hội nghị tập huấn về truyền thông trong công tác lĩnh vực việc làm. Qua hội nghị, Cục việc làm đã thông tin về chức năng, nhiệm vụ của Cục, trong đó có các hoạt động quản lý, quản trị thị trường lao động.
Hiện nay, Cục Việc làm đang triển khai các hoạt động nhằm quản lý biến động lao động qua việc xây dựng mã số định danh lao động, thu nhập dữ liệu thị trường lao động (lao động, người sử dụng lao động)... cung cấp dữ liệu thị trường lao động quốc gia. Từ đó, thực hiện các giải pháp tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ lao động…
"Ngoài nhiệm vụ quản lý thị trường lao động, quản lý lao động trong nước, Cục Việc làm còn được giao nhiệm vụ quản lý lao động nước ngoài. Vấn đề quản lý lao động nước ngoài cũng rất phức tạp, làm thế nào để vừa tổ chức tiếp nhận, sử dụng nhóm lao động này mà vẫn bảo hộ được lao động trong nước", ông Bình nói.
Ông Vũ Trọng Bình cũng mong muốn các cơ quan báo chí, các phóng viên hiểu sâu hơn về các chính sách trong lĩnh vực việc làm, từ đó có hoạt động truyền thông trúng đích.
Thị trường lao động đang phát triển đồng bộ, đúng hướng
Tại hội nghị tập huấn, Cục Việc làm đã cung cấp thêm các thông tin về Dự án Luật Việc làm sửa đổi, một số chính sách việc làm; Chính sách bảo hiểm thất nghiệp; các giải pháp phát triển thị trường lao động...
Trong năm 2022 cả nước có hơn 983.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp Trong đó có hơn 975.000 nghìn người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đồng thời các trung tâm dịch vụ việc làm trong cả nước cũng tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 2.225 lượt người. Số người được giới thiệu việc làm là hơn 225 nghìn người. Số người có quyết định được hỗ trợ học nghề là hơn 21.000 người. Riêng 3 tháng đầu năm 2023 đã có 146.000 lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Các đơn vị đã ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 128.460 người. Tư vấn giới thiệu việc làm cho hơn 31.000 lao động và có quyết định hỗ trợ học nghề cho hơn 4.237 người.
Bà Trần Thị Hải Yến - Trưởng phòng Thị trường Lao động (Cục Việc làm) cho biết, cùng với các thị trường hàng hóa - dịch vụ, tài chính, tiền tệ... thị trường lao động được xác định là một thị trường trọng yếu của nền kinh tế và cần được đổi mới và đẩy mạnh phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Bà Yến nhấn mạnh, sau 35 năm đổi mới thị trường lao động Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại đầy đủ và hội nhập.
Khi dịch Covid -19 xảy ra, thị trường lao động đã bị tác động nặng nề. Có thời điểm, có tới hơn 30 triệu lao động (tương ứng hơn 58% lực lượng lao động) của Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, nhờ có các chính sách, giải pháp chủ động mà đầu năm 2022 thị trường lao động bắt đầu phục hồi.
Quý I/2023 đã có sự phục hồi, lao động trong độ tuổi tăng hơn 88.000 người so với quý trước và tăng hơn 1 triệu lao động so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động tham gia lực lượng lao động quý I/2023 là hơn 68%.
Thu nhập bình quân lao động quý I/2023 cũng tăng, bình quân đạt 7 triệu đồng/tháng, tăng 640 nghìn so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù thị trường lao động đang phục hồi nhưng cũng đối mặt với nhiều bất cập và hạn chế. Chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế chưa đáp ứng cho nhu cầu lao động của thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Điều này thể hiện ở con số có hơn 38,1 triệu lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. Trong khi đó cầu lao động cũng chưa đủ "hiện đại" chưa có đủ việc làm bền vững. Hiện cả nước có hơn 51 triệu lao động nhưng có hơn 13 triệu lao động làm ở khu vực nông - lâm - ngư nghiệp và thủy sản (chiếm hơn 27%), gần 33 triệu lao động đang làm việc làm ở khối phi chính thức (chiếm hơn 64%).
Bà Hải Yến cũng cho biết, thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề.
Để khắc phục những hạn chế này, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 06/NQ-Cp về Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.
Theo đó, để thực hiện mục tiêu này nghị quyết đề ra nhiều giải pháp thực hiện như: Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng lao động để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; Tăng cường đầu tư, phát triển các ngành kinh tế tạo nhiều việc làm bền vững; đầu tư phát triển hệ thống kết nối cung - cầu lao động; hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm cho người lao động.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.