Đến thời điểm này, 44 tỉnh, thành đã triển khai việc điều tra khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn; thực hiện hàng trăm mô hình thí điểm dạy nghề nông dân; tổng hợp được danh mục 450 nghề đào tạo trình độ sơ cấp; đào tạo bồi dưỡng 510 cán bộ quản lý công tác dạy nghề cấp huyện. Hiện, Bộ LĐ-TB&XH đã chọn 11 tỉnh làm điểm triển khai đề án. Các tỉnh này được ưu tiên phân bổ vốn để triển khai và xây dựng trung tâm dạy nghề kiểu mẫu. Nhiều tỉnh đã có cách làm sáng tạo, hỗ trợ thêm tiền ăn, học cho học viên như Kiên Giang, Cần Thơ …
Các bộ, ngành chức năng bước đầu cũng đã triển khai công việc liên quan tới nhiệm vụ của mình. Trong đó, Hội Nông dân Việt Nam đã hoàn thành và chuẩn bị nghiệm thu 3 bộ tài liệu về tuyên truyền, vận động nông dân tham gia học nghề; cẩm nang học nghề việc làm dành cho đội ngũ cán bộ Hội.
Tuy nhiên, việc triển khai quyết định cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn, như chậm ban hành các hướng dẫn cụ thể về tài chính; chính sách tín dụng ưu đãi cho lao động; bổ sung nhiệm vụ dạy nghề cho các trung tâm giáo dục thường xuyên (ở những vùng chưa có trung tâm dạy nghề)… dẫn tới việc triển khai chính sách chung còn chậm. Đặc biệt, nhiều tỉnh còn chưa khảo sát nhu cầu học nghề-việc làm, lúng túng trong việc chọn đối tượng học nghề và thẩm định chi phí dạy nghề…
Huyền Thanh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.