Đẩy mạnh xuất khẩu lao động (XKLĐ) là 1 chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc xóa đói giảm nghèo một cách bền vững. Hiện Ngân hàng CSXH đang thực hiện cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo các Quyết định số 365/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Quyết định 71/2009 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 1465/2013 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách cho vay theo Nghị định số 61/2015 của Chính phủ và Quyết định số 63/2015 của Thủ tướng Chính phủ…
Tư vấn xuất khẩu lao động cho người dân ở huyện nghèo 30a. Ảnh: VPSB
Đến nay, tín dụng ưu đãi đối với hoạt động đưa người lao động đi XKLĐ của Ngân hàng CSXH đã giải ngân cho gần 108.580 hộ vay vốn với gần 2.500 tỷ đồng. Qua đó giúp 109.462 lao động thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách và người đi lao động tại các huyện nghèo được vay vốn đi XKLĐ có thời hạn ở nước ngoài.
Theo lãnh đạo Ngân hàng CSXH, để nâng cao hiệu quả, chất lượng của chương trình thì cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn nữa giữa các bộ, ngành liên quan và địa phương, doanh nghiệp XKLĐ, trong đó coi trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động XKLĐ; cần có hành lang pháp lý chặt chẽ đối với đơn vị làm dịch vụ XKLĐ, tránh các trường hợp người lao động bị lừa đảo. Nhà nước cần có chế tài, biện pháp xử lý đối với doanh nghiệp, đơn vị tuyển chọn không thực hiện đúng hợp đồng với người lao động…
Ngân hàng CSXH cũng kiến nghị, các bộ, ngành liên quan mở các diễn đàn trao đổi theo định kỳ để cùng các đơn vị tham gia nắm bắt thông tin về tình hình, kết quả triển khai chương trình XKLĐ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh để chương trình đạt hiệu quả hơn…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.