Xuất hiện trò lừa đảo xuất khẩu lao động nhắm vào ngư dân nghèo

Phan Phương Thứ sáu, ngày 10/03/2017 06:08 AM (GMT+7)
Hàng trăm ngư dân nghèo ở các xã ven biển, bãi ngang Quảng Bình đang trở nên khốn đốn, lâm cảnh nợ nần vì sập bẫy các đối tượng “cò” xuất khẩu lao động…
Bình luận 0

Sau sự cố môi trường biển, sản lượng đánh bắt hải sản ở các xã bãi ngang Quảng Bình giảm và khó tiêu thụ nên nhiều ngư dân nơi đây tìm cách chuyển đổi nghề mưu sinh và đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một hướng đi cứu cánh. Nắm bắt được nhu cầu đó, thời gian qua các đối tượng cò XKLĐ đã về các xã này, lợi dụng sự nóng vội, cả tin của bà con để tung các chiêu trò lừa đảo.

Sập bẫy vì nóng vội, cả tin

img

 Nghề biển gần bờ đã trở nên khó khăn nên nhiều ngư dân ở vùng biển bãi ngang Quảng Bình đã tìm đường đi xuất khẩu lao động. Ảnh: P.P 

Theo trình báo của gia đình các nạn nhận, các đối tượng lừa đảo XKLĐ gồm Đoàn Xuân Thống  ở phường Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) và 2 người khác  là Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Thành Trung (trú ở Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội). Chúng xưng là người của Công ty Hữu Nghị Bắc Giang có địa chỉ tại Văn Quán, Hà Đông (Hà Nội). Tuy nhiên, đến nay số điện thoại của các đối tượng nêu trên đã không còn liên lạc được.

Hải Ninh là xã biển bãi ngang, bao đời nay người dân nơi đây chuyên nghề đánh bắt hải sản gần bờ, tuy không giàu nhưng cũng duy trì được cuộc sống hàng ngày.

Thế nhưng kể từ khi xảy ra sự cố môi trường biển, cuộc sống người dân nơi đây đã bị đảo lộn, trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Để duy trì cuộc sống, nhiều ngư dân ở Hải Ninh đã phải rời quê hương đi kiếm sống, trong đó có nhiều gia đình tìm cách đi XKLĐ ở nước ngoài với mong muốn kiếm được chút vốn cho cuộc sống lâu dài sau này. Thế nhưng, những ngư dân chân chất này vì nóng vội, cả tin mà sập bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Trong ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp, gần như không có tài sản gì có giá trị, chị Phạm Thị Cúc (xã Hải Ninh) tiếp chuyện chúng tôi với những tiếng nấc cay đắng.

Chị Cúc kể, gia đình chị sống bằng nghề đánh bắt hải sản gần bờ. Trước đây, khi chưa xảy ra sự cố môi trường biển, gia đình có chiếc thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ cũng đủ sống. Thế nhưng, sự cố môi trường biển đã làm cho cuộc sống của gia đình chị lâm cảnh bế tắc. Nghề biển đã không còn nuôi sống gia đình  anh chị nữa. Gần 1 năm, vợ chồng chị phải làm thuê đủ việc nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn…

Cuối năm 2016, có một người xưng tên là  Đoàn Xuân Thống  ở phường Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) và 2 người nữa là Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Thành Trung (trú ở Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) tìm về xã Hải Ninh để tuyển người đi XKLĐ. Những người này nói là có thể đưa lao động đi Nhật Bản, Hàn Quốc... với thủ tục nhanh chóng, đi lại dễ dàng với thu nhập mỗi tháng từ 30 triệu đồng trở lên…

Coi đây là một cơ hội để đổi đời, vợ chồng chị Cúc thống nhất để chồng chị là anh Trương Văn Tuất đi XKLĐ ở Hàn Quốc bằng khoản tiền đền bù từ sự cố môi trường biển. Anh chị đã đưa cho những người này 30 triệu đồng để làm chi phí và được họ đưa ra Hà Nội học tiếng.

Sau 1 tháng học tiếng Hàn ở Hà Nội, anh Tuất về quê chờ làm thủ tục qua Hàn Quốc lao động. Về quê được khoảng 1 tuần, anh Tuất nhận ảnh visa và điện thoại của Nguyễn Hữu Sơn đề nghị chuyển qua tài khoản của người này 145 triệu đồng, đồng thời một tuần nữa ra Hà Nội để bay.

“Theo lời Sơn, vợ chồng tui đã vét hết tiền trong nhà và cầm cố sổ đỏ để vay tiền nộp cho họ. Sau khi chuyển tiền cho Sơn, theo lời hẹn chồng tôi và 5 người khác trong xã (được tuyển trong đợt này) lên đường ra Hà Nội. Nhưng khi đến Hà Nội, điện thoại cho Sơn không được, tìm về địa chỉ Sơn cho thì là địa chỉ ma chúng tôi mới biết bị lừa. Vợ chồng, anh em tá hỏa, chỉ biết ôm nhau mà khóc” – chị Cúc vừa kể vừa khóc.

Công an vào cuộc điều tra

Không chỉ Hải Ninh, theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, cũng với chiêu bài nêu trên, nhóm đối tượng Thống, Sơn, Trung đã lừa hàng chục ngư dân nghèo khác ở các huyện Bố Trạch và Quảng Trạch.

Tại xã biển Nhân Trạch (Bố Trạch), đã có  hơn 30 người đặt cọc tiền cho Nguyễn Hữu Sơn để được đi XKLĐ ở Hàn Quốc. Ông Phạm Văn Đề - Trưởng công an xã Nhân Trạch cho biết: “Trong số hơn 30 trường hợp đó, có 8 trường hợp đã chuyển cho đối tượng Sơn gần 200 triệu đồng, những trường hợp khác đều đã đặt cọc số tiền từ 30 - 40 triệu đồng”.

Theo ông Đề, sau khi biết mình bị lừa, ngư dân mới lên báo với công an xã và chính quyền địa phương. Hiện chính quyền địa phương xã Nhân Trạch đã ra thông báo khuyến cáo tất cả người dân trong xã tuyệt đối không được tin bất cứ người nào về tuyển lao động, tránh tình trạng bị kẻ xấu lừa đảo, tiền mất, tật mang.

“Muốn đi XKLĐ bà con nên đến các trung tâm giới thiếu việc làm của Nhà nước như Trung tâm Giới thiệu việc làm và dạy nghề Hội Nông dân, Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên… để được tư vấn”- ông Đề nói. Ông Đề cho biết thêm, đối với những trường hợp bị lừa XKLĐ ở Nhân Trạch, công an xã đã làm báo cáo lên Công an huyện Bố Trạch. Hiện Công an huyện và cả công an ở ngoài Hà Nội đã cử cán bộ về địa phương lấy lời khai để điều tra. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem