Thực hư 2 ổ dịch bệnh heo ở Đồng Nai: Dịch tả lợn châu Phi hay tai xanh?

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 07/05/2019 08:30 AM (GMT+7)
Ngay sau khi 2 địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai công bố dịch tả lợn châu Phi, nhiều người đã vô cùng lo lắng vì đây là thủ phủ chăn nuôi lớn nhất cả nước. Có một thực tế, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thời gian qua đã có biến động đáng kể do thông tin về dịch bệnh.
Bình luận 0

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, thừa nhận, ngay khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở nhiều địa phương, gia thịt lợn hơi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có biến động theo chiều hướng giảm.

img

Lực lượng chức năng tiến hành phun thuốc khử trùng cho các xe chở heo qua chốt kiểm dịch động vật trên quốc lộ 1 (xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc). Ảnh: H.Quân.

Theo đó, giá heo hơi hôm nay ngày 7/5 tại các tỉnh thuộc miền Nam ghi nhận tiếp tục giảm giá bán, Đồng Nai giảm từ 37.000 đồng/kg xuống còn 36.000 đồng/kg, Hậu Giang cũng giảm về 42.000 đồng/kg, Sóc Trăng từ 45.000 đồng/kg nay chỉ còn 44.000 đồng/kg. Bình Dương cũng giảm về 39.000 đồng/kg.

"Tình hình tiêu thụ có phần trầm lắng đã kéo dài trong thời gian qua, nhất là khi có thông tin dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Đồng Nai. Điều này dẫn đến những khó khăn cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, họ không còn đủ sức chống cự sau một loạt những biến động do dịch tai xanh, lở mồm long móng, giờ thêm dịch tả lợn châu Phi. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, số hộ chăn nuôi quy mô nhỏ của tỉnh đã giảm đáng kể khiến số đầu lợn giảm nửa triệu con" - ông Đoán nói.

Tuy nhiên, điều ông Đoán lo lắng hơn là, khu vực phía Nam đang bước vào mùa mưa, đây cũng là thời điểm các loại dịch bệnh theo mùa như heo tai xanh phát triển. Nếu không tổ chức tiêm phòng vaccine, phòng dịch tốt, nguy cơ dịch chồng dịch là rất cao.

Điều đáng nói là, ý thức phòng bệnh của người dân thực sự chưa cao, những người dân sinh sống dọc tuyến đường liên huyện nối xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất) đi xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) phản ánh về tình trạng xác heo chết vứt bừa bãi bên đường, gây ô nhiễm môi trường và có nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

img

Xác heo chết vứt bên đường. Ảnh: Báo Đồng Nai.

Đây chính là lý do khiến ông Đoán nhận định, rất có thể cuối năm 2019 sẽ có một đợt "khủng hoảng thiếu" thịt heo do nhiều địa phương ở miền Bắc đang có dịch tả lợn châu Phi, vì vậy, điều cần thiết lúc này là phải kịp thời khống chế ổ dịch để bảo vệ đàn heo.

Được biết, tỉnh Đồng Nai đã có 2 huyện công bố có dịch tả lợn châu Phi. Cụ thể, tại huyện Trảng Bom, ổ dịch xuất hiện ở ấp Tân Đạt, xã Đồi 61; còn tại huyện Nhơn Trạch, ổ dịch nằm tại một hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ ở xã Phước Thiền. 

Sau khi có kết quả kiểm dịch, lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số heo của hai hộ trên, đồng thời phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại ổ dịch và trong phạm vi 3 km xung quanh ổ dịch, lập các chốt kiểm soát kịp thời.

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai lại cho rằng, hai huyện này công bố ẩu, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chưa  có dịch tả lợn châu Phi, thực chất hai ổ dịch đó là bệnh heo tai xanh. 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem