Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Hàng hóa, thực phẩm các loại trong ngày 21/7 tại TP.HCM không còn cảnh khan hiếm, thiếu cục bộ như giai đoạn trước và khoảng 10 ngày đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ghi nhận của Dân Việt tại nhiều chợ truyền thống, siêu thị đang hoạt động cho thấy lượng hàng vẫn dồi dào, người mua ít hơn so với trước đây.
Tại chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), chỉ có tiểu thương các ngành hàng rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm hoạt động để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân. Hàng hóa đều đầy trên các sạp. Ban quản lý chợ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch như giãn cách, đo thân nhiệt, sát khuẩn, khách buộc phải khai báo y tế trước khi vào mua sắm.
Bà Thúy - tiểu thương bán thịt heo, cho biết hiện nguồn hàng khá ổn định kể từ khi mở bán trở lại. Do đó, khu vực bán thịt gia súc có nhiều tiểu thương lấy hàng về bán, để đáp ứng nhu cầu của người dân. Theo bà, khi nguồn thịt ổn định, không thiếu cục bộ thì giá bán cho người tiêu dùng mới không tăng quá cao.
Gần trưa nhưng bà Thúy vẫn còn nhiều thịt heo, tuy nhiên, không phải do ế mà chợ đang giãn cách, giới hạn từng đợt người vào mua sắm. Bên ngoài, nhiều người vẫn đang xếp hàng chờ đến lượt vào mua rau củ quả, thịt cá.
Bà Nguyễn Thị Thoa, tiểu thương bán thủy hải sản tại chợ An Đông (quận 5) cho hay, trong thời gian chợ Bình Điền tạm ngưng hoạt động, bà lấy hàng từ Vũng Tàu, giá cao hơn so với trước đây. Ngoài ra, chi phí vận chuyển về TP.HCM cũng tăng so với lấy trực tiếp ngay tại TP, do đó, giá bán ra tăng khoảng 20% nhưng vẫn chấp nhận được.
Trong khi đó, các cửa hàng thực phẩm, siêu thị như Bách Hóa Xanh, Co.opmart, Aeon… cũng không còn cảnh hết hàng cục bộ, các mặt hàng như rau xanh trở nên phong phú hơn để người dân có nhiều lựa chọn. Hiện tượng một mặt hàng nhưng chiếm cả dãy kệ, vốn là vị trí của những mặt hàng khác cũng không còn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã đi kiểm tra một số chợ tại TP.HCM sáng 21/7. Ông đánh giá dù Covid-19 diễn biến xấu nhưng TP.HCM và các ban quản lý chợ vẫn đảm bảo việc cho phép một số chợ truyền thống mở cửa, đặc biệt đáp ứng các yêu cầu về phòng dịch để có đầy đủ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương cũng đánh giá lượng khách mua sắm tại chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại TP.HCM ngày 20/7 giảm so với các ngày trước đó và đi vào ổn định. Tại hệ thống chợ, mãi lực giảm 5 - 10% so với ngày trước. Tại hệ thống siêu thị, sức mua giảm khoảng 15%.
Hàng hóa tại các hệ thống phân phối được cung ứng đầy đủ, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, giá cả ổn định.
Các hệ thống phân phối cũng tăng thời gian bán hàng để phục vụ người dân, tăng cường nhận đặt hàng qua điện thoại, qua online và giao tận nhà; áp dụng việc mua giới hạn một số loại hàng hóa được bình ổn để ngăn tình trạng mua số lượng lớn ra ngoài bán lại. Các siêu thị cho hay hiện đã tăng nguồn hàng lên gấp nhiều lần.
Đáng chú ý, tổ công tác cũng đã tiếp nhận các vấn đề phát sinh của một số hệ thống siêu thị, nhà bán lẻ lớn tại TP.HCM… Trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị, tổ đã kết nối để làm việc với các đơn vị có liên quan như: Kết nối thông tin nguồn hàng của Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai do tỉnh Đồng Nai có thể cung cấp thịt heo với số lượng 7.000-8.000 con/ngày, 1 triệu quả trứng/ngày.
Tổ cũng kết nối làm việc với Hiệp hội vận tải TP.HCM để hỗ trợ trong khâu lưu thông khi cần thiết và đề nghị hỗ trợ vận chuyển cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong vận tải.
Hiệp hội vận tải TP.HCM cũng cho biết đã bố trí 5.000 xe được cấp giấy thông hành, sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp, siêu thị trong khâu lưu thông, vận chuyển. Đồng thời, Hiệp hội cam kết không tăng giá và sẵn sàng hỗ trợ về chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.