Thức tỉnh từ nỗi đau

Thứ hai, ngày 19/11/2012 06:31 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Tổ chức tốt Ngày Tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông là dịp để đưa thông điệp cảnh báo hậu quả cực kỳ nghiêm trọng của tai nạn giao thông với toàn xã hội".
Bình luận 0

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (ATGTQG) nói như vậy về lễ tưởng niệm đặc biệt này

Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT) được tổ chức tại Hà Nội từ 20 giờ - 21 giờ 30 tối 19.11. Trước đó, nhiều hoạt động hướng tới ngày lễ đã được tổ chức như: Thăm hỏi đại diện các gia đình nạn nhân vì TNGT; tuyên truyền về an toàn giao thông dọc tuyến đường bộ từ Lạng Sơn tới mũi Cà Mau với 3 thông điệp chính: Không vượt đèn đỏ, không lấn làn và uống rượu bia khi tham gia giao thông. Tại Học viện Phật giáo VN (Sóc Sơn, Hà Nội) ngày 10.11 đã diễn ra lễ cầu siêu với sự tham gia của 500 nhà sư và các gia đình nạn nhân, nạn nhân bị thương trên cả nước...

img
Một vụ tai nạn thương tâm làm nhiều người chết, bị thương tại Thường Tín, Hà Nội.

Ngày 27.10.2005, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã công nhận và chọn ngày Chủ nhật thứ 3 của tháng 11 hàng năm là ngày tưởng nhớ các nạn nhân TNGT trên phạm vi toàn cầu. Việc chúng ta tổ chức hoạt động này có mục đích, ý nghĩa thế nào?

- Từ năm 2011, Ủy ban ATGTQG thông qua một tổ chức quốc tế tổ chức hoạt động nhỏ tại TP.HCM về nội dung này. Năm 2012 này là Năm ATGT ở Việt Nam nên Ủy ban ATGTQG nhận thấy rằng, nếu tổ chức tốt ngày tưởng niệm sẽ là một dịp để chúng ta đưa thông điệp cảnh báo những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng của TNGT đối với toàn xã hội. Đây cũng là dịp thông tin, truyền thông để người tham gia giao thông dần hình thành nên nếp sống văn hoá giao thông.

Ủy ban đánh giá thế nào về hậu quả do TNGT mang đến?

img
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp

- Việt Nam vẫn đứng thứ 11 trong số các nước có số người tử vong do TNGT lớn nhất thế giới. Dù chưa có số liệu chính xác, nhưng 10 năm qua có khoảng hơn 100.000 người chết vì TNGT, bình quân mỗi năm có 11.000 người chết.

Mỗi ngày có 30 gia đình mất người thân, 200 gia đình chịu những tổn thất về vật chất và tinh thần do TNGT để lại. Đồng thời, những người gây tai nạn và người gánh hậu quả tai nạn sẽ phải chịu những dằn vặt tinh thần suốt cuộc đời. 10 năm qua, Việt Nam phải chi phí 40.000 tỷ đồng giải quyết hậu quả TNGT, tương đương xây dựng 600.000 ngôi nhà tình nghĩa… 9 tháng đầu năm 2012 này, dù TNGT giảm, nhưng số người chết gần bằng quân số một sư đoàn, số người bị thương bằng 5 sư đoàn.

Có ý kiến cho rằng, tuyên truyền bằng hình ảnh người chết do TNGT sẽ gây ám ảnh người dân. Ý kiến của ông về điều này?

- Khi quyết định làm lễ tưởng niệm này, cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, qua thực tế việc một số đài truyền hình địa phương làm các phóng sự “TNGT - nỗi đau còn đó” có đưa hình ảnh người nhà nạn nhân, hình ảnh vụ TNGT lên sóng. Ban đầu, nhiều người phản ứng việc đưa hình ảnh, nỗi đau của TNGT lên, nhưng sau đó, dư luận lại ủng hộ. Chính những nạn nhân, gia đình nạn nhân bị TNGT cũng xác định phải vượt qua nỗi đau và tự mình thành những nhân chứng, tuyên truyền viên cho ATGT.

Trên thế giới, mỗi nước có cách tổ chức ngày lễ tưởng niệm khác nhau, không cần tuân theo một quy chuẩn nào. Chẳng hạn, ở châu Âu, vào thời điểm đó, tất cả các nhà thờ đều rung chuông. Còn chúng ta sẽ có cách tổ chức để phù hợp với phong tục, tập quán, văn hoá của Việt Nam.

Ông đánh giá thế nào về kết quả của những hoạt động đã tổ chức để hướng đến ngày lễ này?

- Đến thời điểm này, các hoạt động được diễn ra đúng như kế hoạch của Ủy ban ATGT quốc gia đặt ra, được các cấp chính quyền và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Ý thức được mức độ nghiêm trọng của TNGT, 100% các địa phương tổ chức nghiêm túc các hoạt động. Có những tỉnh tổ chức vượt kế hoạch đặt ra như phát thanh truyền hình trực tiếp lễ tưởng niệm do tỉnh tổ chức trên đài truyền hình của tỉnh đó.

Hoa hậu Việt Nam Đặng Thu Thảo - người được mời làm Đại sứ thiện chí ATGT, nói: “Với vai trò là Đại sứ thiện chí, tôi kêu gọi mọi người hãy tuân thủ các quy định của pháp luật và trật tự ATGT để tự bảo vệ mình và đảm bảo an toàn cho cộng đồng; đồng thời chung tay khắc phục hậu quả, góp phần giảm thiểu những mất mát và nỗi đau do TNGT mà các nạn nhân và gia đình nạn nhân đang phải gánh chịu”.

Ông có kỳ vọng các hoạt động hướng đến ngày lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì TNGT sẽ góp phần làm giảm TNGT?

- Việc tổ chức các hoạt động lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì TNGT đã đang và sẽ có tác động sâu sắc tới người dân về hậu quả nặng nề, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm xã hội của người tham gia giao thông, đồng thời thông qua hoạt động này, xã hội sẽ có sự đồng cảm, chia sẻ giúp đỡ các gia đình, nạn nhân bị TNGT.

Mục tiêu giảm từ 5-10% số vụ TNGT/năm chắc chắn sẽ hoàn thành nhờ sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị từ Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, đoàn thể địa phương cùng mỗi người dân. Năm 2011 - 2020 được chọn là Thập kỷ ATGT đường bộ, Việt Nam sẽ phấn đấu giảm 50% số người chết vào năm 2020, tương đương giảm 6.000 người chết mỗi năm.

Những năm tới, ngày lễ này có được tổ chức quy mô lớn như năm nay?

- Chúng tôi rất cảm ơn dư luận xã hội đặc biệt quan tâm hoạt động này. Dù chưa xây dựng kế hoạch cụ thể cho những năm tới, nhưng chắc chắn việc tổ chức lễ tưởng niệm này những năm tới sẽ có cách thức, quy mô thiết thực.

Chúng tôi mong muốn rằng, lễ tưởng niệm này sẽ là dịp động viên thiết thực với những nạn nhân, người nhà nạn nhân vượt qua nỗi đau. Đây cũng là dịp để tuyên truyền cho mọi người biến nỗi đau thành hành động; từ nỗi đau của TNGT để có ý thức và hành vi tham gia giao thông an toàn hơn.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem