“Thuốc thử” tình yêu âm nhạc

Thứ năm, ngày 15/11/2012 06:45 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhạc sĩ Nguyễn Cường đang dành nhiều tâm huyết cho Câu lạc bộ thính phòng CEG tại quán cà phê 52 Hai Bà Trưng (Hà Nội). Phóng viên có cuộc trò chuyện với ông về giấc mơ giao hưởng.
Bình luận 0

Thưa nhạc sĩ Nguyễn Cường, lý do nào khiến nhạc sĩ lại bỏ âm nhạc đại chúng để gói gọn không gian âm nhạc của mình trong Câu lạc bộ thính phòng CEG?

- Từ khi bước chân vào trường học nhạc, tôi đã mơ đến con đường của Beethoven, Chopin... đến khát vọng của một lớp nhạc sĩ được làm nghề một cách tử tế và đẳng cấp. Chính vì ước mơ đó mà tôi không muốn bỏ cả cuộc đời đi học trường nhạc, học và tập viết giao hưởng rồi lại rẽ ra làm nhạc rock, pop… Và tôi quyết định tham gia thành lập Câu lạc bộ thính phòng CEG này, để đạt được mục đích nghệ thuật mà tôi muốn hướng tới, đó chính là khí nhạc.

img
Nhạc sĩ Nguyễn Cường đang đi lại con đường mà ông yêu thích.

Câu lạc bộ thính phòng CEG là câu lạc bộ thính phòng đúng nghĩa, thứ thiệt. Tất cả hát chay không có micro, không có âm ly, chỉ có nghệ sĩ và cây đàn. CEG tái hiện lại thứ âm nhạc quý tộc, nguyên bản, không có giao thoa với các dòng nhạc khác.

Nhạc sĩ có thể bật mí về Câu lạc bộ thính phòng CEG?

- Câu lạc bộ thính phòng CEG ra đời với 3 từ viết tắt của 3 nốt nhạc, tôi là Chủ nhiệm Câu lạc bộ cùng nhạc sĩ trẻ Ngọc Thuấn là giám đốc điều hành. Chương trình CEG đã được thực hiện 6 số rồi. Các nghệ sĩ tham gia, ngoài những tên tuổi của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia, còn có nhiều sinh viên đang theo học trong nước và nước ngoài.

Tôi thường nói vui với mọi người rằng, Câu lạc bộ thính phòng CEG nó giống như thuốc chỉ định màu ấy, dễ dàng phân biệt được những ai có tình yêu thật sự với âm nhạc và ngược lại. Bởi đây là một chương trình âm nhạc hoàn toàn khác với quy luật thị trường, bình thường, một nhạc sĩ viết ra tác phẩm, “bèo” nhất cũng phải mất 5 triệu đồng để thu ở phòng thu. Nếu đưa cho ca sĩ hạng A thì mất thêm vài chục triệu nữa may ra tác phẩm của nhạc sĩ mới được vang lên. Còn ở đây nhạc sĩ khi tham gia cũng phải đóng một khoản tiền nhất định nhưng số tiền đó chỉ bằng 1/10 thôi. Chính vì vậy cái mà tôi thấy lãi lớn nhất đó chính là tác phẩm của mình hay của các tác giả khác được giới thiệu, được công chúng nghe và biết đến thay vì nằm trong ngăn kéo hay bản nhạc trên giấy.

Nhạc sĩ có nghĩ là quá muộn, khi đã dành cả đời viết nhạc đại chúng, rồi bây giờ mới quay trở về giấc mơ của mình?

- Nói thật nếu cách đây 15 năm, 20 năm bảo tôi bắt đầu bằng giao hưởng thì chả có “ma” nào muốn xem. Phải có một cái tên như Nguyễn Cường của ngày hôm nay thì người ta mới tin vào mình. Những nghệ sĩ đến đây biểu diễn, thù lao cho NSND hay nghệ sĩ mới ra trường cũng đều một mức 500.000 đồng. Trong khi đó, Siu Black, Thanh Lam hát một show có thể được đến 40 - 50 triệu đồng. Nếu không phải là đặt niềm tin nơi tôi, họ sẽ không chọn cách đến đây.

“Khán giả cứ đến đi rồi khán giả sẽ thấy và yêu dòng nhạc này và khi đã yêu thì sẽ hiểu, sẽ thấy một chân trời mới, thấy được sự thay đổi về tư duy nghệ thuật, âm nhạc và cuộc sống”.

Gói gọn trong một không gian âm nhạc của quán cà phê, nhạc sĩ không có tham vọng lôi kéo được nhiều khán giả biết đến và thưởng thức?

- Không, không cần nhiều khán giả, bạn đừng nên đánh đồng nghệ thuật nào cũng cần đo bằng số đông khán giả. Bạn nên biết một quả bom nguyên tử khi nổ thì tiếng vang của nó sẽ khác với tiếng nổ của hàng vạn khẩu súng.

Tôi không có tham vọng sẽ có nhiều khán giả đến xem, cũng không hướng khán giả, mà tự nó sẽ hướng khán giả theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.

Xin cảm ơn nhạc sĩ!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem