Thuốc trị ung thư làm từ than tre: Làm thế nào để đòi bồi thường?

Đình Việt Thứ ba, ngày 17/04/2018 16:34 PM (GMT+7)
Luật sư nhận định, trong vụ việc này, khách hàng của Công ty Vinaca hoàn toàn có thể khởi kiện và yêu cầu bồi thường theo thiệt hại thực tế.
Bình luận 0

Liên quan đến sự việc thuốc trị ung thư của Công ty TNHH Vinaca được làm giả bằng bột than tre tán mịn tại Hải Phòng, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định, trong vụ việc này, khách hàng của Công ty Vinaca hoàn toàn có thể khởi kiện và yêu cầu bồi thường theo thiệt hại thực tế.

img

Cận cảnh những viên thuốc được kiểm đếm tại xưởng của Công ty Vinaca. Ảnh: IT

Theo luật sư Hòe, vụ việc này sẽ có hai trường hợp xảy ra, thứ nhất nếu cơ quan chức năng đang giải quyết, điều tra vụ việc thì họ sẽ có quyền nhận định thiệt hại trong quá trình giải quyết.

Trong trường hợp, cơ quan tố tụng không tham gia giải quyết vì xác định vấn đề mang tính chất dân sự, những người được xác định là bị thiệt hại có quyền củng cố hồ sơ. Sau đó làm đơn khiếu nại gửi tòa án nơi có sự kiện xảy ra, hoặc tòa án nơi người bị kiện cư trú.

Vị luật sư này cũng lưu ý, trong quá trình làm đơn, người xác định bị thiệt hại nên gửi kèm các hóa đơn, chứng từ chứng minh đã mua hàng của Công ty Vinaca. Đây được xem là chứng cứ và tòa án sẽ dựa vào những giấy tờ này để xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường.

“Trong trường hợp, khách hàng sau khi sử dụng sản phẩm của Công ty Vinaca mà bị thiệt hại về sức khỏe, có thương tật xảy ra. Nếu cơ quan chức năng chứng minh là đúng, phía Công ty Vinaca cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường thêm chi phí điều trị”, luật sư Hòe thông tin.

Về trách nhiệm pháp lý, luật sư Trương Quốc Hòe thông tin, trong trường hợp sản phẩm của Công ty Vinaca  sau khi kiểm tra mà phát hiện thuốc không có hoặc không đúng dược chất dược liệu ghi trên nhãn mác thì có thể bị xử lý đối với hành vi sản xuất thuốc giả.

img

Sản phẩm "Vinaca ung thư CO3.2" được đóng hộp thành phẩm. Ảnh: IT

Theo luật sư, khoản 33 Điều 2 Luật Dược 2016 quy định: Thuốc giả là thuốc được sản xuất thuộc một trong các trường hợp sau đây: “Không có dược chất, dược liệu; Có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu...”

Còn điều 11, 12 Nghị định 185/201/NĐ-CP quy định quy định: Trường hợp có hành vi buôn bán, xản xuất thuốc giả sẽ bị xử phạt hành chính lên đến 120 triệu đồng trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung là: Tịch thu tang vật vi phạm, tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng giả, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm, đình chỉ hoạt động một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất vi phạm từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm.

Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy tang vật đối với hành vi vi phạm, Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm.

Trường hợp hành vi buôn bán, sản xuất thuốc giả có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 192 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả” đối với mức phạt tù cao nhất đối với cá nhân có thể lên tới 15 năm tù.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Đối với pháp nhân thương mại sản xuất, buôn bán hàng giả tùy tính chất và mức độ phạm tội có thể bị phạt tiền lên tới 5 tỷ đồng đình chỉ hoạt đồng từ 6 tháng đến 3 năm hoặc bị đình chỉ vĩnh viễn.

Ở một diễn biến khác, chiều ngày hôm qua (16.4), phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị lên án mạnh mẽ và yêu cầu xử lý nghiêm hành vi sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng giả.

Phó thủ tướng cho biết Chính phủ, Thủ tướng rất quan tâm tới vụ việc này. Quan điểm của Thủ tướng xử lý nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả liên quan tới sức khỏe con người.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố liên quan, các Sở Y tế, và các đơn vị chức năng của Bộ Y tế xử lý nghiêm minh vụ việc này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem